Hai công ty Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý, vì đây là sự thỏa thuận trái với quy định của pháp luật.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khóa XIV, việc phân vùng tiêu thụ đạm của hai công ty Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý, vì đây là sự thỏa thuận trái với quy định của pháp luật, nhất là vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh.
Phân vùng sản phẩm hay “bắt tay” để độc quyền?
Tháng 3/2020, các đại lý, nhà phân phối trên nhiều tỉnh, thành phía Bắc nhận được một văn bản có cùng nội dung do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình gửi và thông báo đề nghị thực hiện bán đúng vùng quy định đối với sản phẩm urê thương phẩm do doanh nghiệp này sản xuất, cùng với đó là việc phân chia địa bàn tiêu thụ với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Cụ thể, tại Văn bản số 0342-1/ĐNB-TT ngày 31/3/2020 của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình về thực hiện bán đúng vùng quy định gửi tới đại lý, nhà phân phối được căn cứ vào quy định về vùng tiêu thụ của doanh nghiệp này, đối với sản phẩm mang nhãn hiệu Đạm Ninh Bình loại thương phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng cho sản xuất nông nghiệp (urê Ninh Bình thương phẩm) được phân vùng cụ thể như sau:
Khu vực 1 gồm có 16 tỉnh, thành mà Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không trực tiếp cung ứng: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Khu vực 2 gồm 9 tỉnh mà Công ty Đạm Ninh Bình “độc quyền” cung ứng (Đạm Hà Bắc sẽ không được bán tại khu vực này) gồm: Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Khu vực 3 gồm các địa phương mà Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc bán chung gồm: Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Sơn La, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở vào phía Nam và các tỉnh Tây Nguyên.
Thời gian các đại lý, nhà phân phối trên nhiều tỉnh, thành phía Bắc phải thực hiện từ ngày 1/4/2020.
Từ văn bản này, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình thông báo, sẽ không kí hợp đồng, phụ lục hợp đồng bán loại sản phẩm urê Ninh Bình thương phẩm vào khu vực 1. Đề nghị các nhà phân phối tổ chức thanh lý và quyết toán các hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký.
Đối với khu vực 2, khu vực 3, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết. Đồng thời các nhà phân phối, đại lý urê Ninh Bình tại đúng các khu vực được quy định trong hợp đồng nguyên tắc đã ký kết và không được bán sang khu vực 1. Có biện pháp không để các đơn vị đại lý cấp 2, cấp 3… bán sang các tỉnh, thành thuộc khu vực 1 đã được liệt kê tại mục 1 của văn bản này.
“Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị bán sai vùng hoặc để các đơn vị phân phối thứ cấp bán không đúng vùng sẽ bị xử lý theo Quy định số 077/ĐNB-TT ngày 20/1/2017 về việc quản lý vùng bán hàng và hệ thống cửa hàng khách hàng của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình”, doanh nghiệp này khuyến cáo.
Ngày 2/10/2020, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp tục có thêm văn bản thông báo đến các đại lý, nhà phân phối nhấn mạnh đến việc phân vùng tiêu thụ sản phẩm của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, với nội dung: “Đến hết ngày 15/10/2020, urê Ninh Bình hàng rời đóng bao của đại lý sẽ không được bán tại vùng tiêu thụ của Đạm Hà Bắc gồm 16 tỉnh, thành: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng. Sau thời gian này mà hai bên vẫn bán hàng rời sang vùng của nhau sẽ bị coi là vi phạm”.
Được tập đoàn mẹ đồng thuận
Thông tin trước báo chí, ông Bùi Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, cho biết, do 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nên có thỏa thuận gì đâu, anh nào có (có hàng) thì anh đó bán, việc đại lý phản ánh chỉ là một chiều. Các đơn vị thực hiện làm sao cho hiệu quả thôi, vì giá urê lúc này thấp hơn giá thế giới.
“Dư luận nói là việc phân chia thị trường phân bón dẫn đến độc quyền, ép giá sẽ gây thiệt hại cho nông dân, nhưng không có chuyện đó đâu.Việc ban hành văn bản phân chia thị trường tiêu thụ phân bón urê với Đạm Hà Bắc là nhận được đồng thuận từ lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất, chỉ đạo thì có văn bản gì đâu”, ông Thắng cho hay.
Ông Thắng nói tiếp: “Làm như vậy có hiệu quả và dễ bán hàng hơn. Tôi mà nói lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo việc này có mà bị kỷ luật chết. Khi mà cấp trên thấy cấp dưới làm hiệu quả, dễ bán hơn thì ai chả ủng hộ vì cảm thấy không vi phạm gì thì ủng hộ thôi”.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, khẳng định với báo chí: Tập đoàn Hóa chất có biết đến văn bản phân chia thị trường phân bón do Đạm Ninh Bình phát hành. Tập đoàn đã chủ động gọi đơn vị đến để nhắc nhở, phê bình trong cách viết hành văn, cách thể hiện văn bản.
“Tuy nhiên, việc làm này không gây thiệt hại cho người nông dân, không vi phạm Luật Cạnh tranh, vì các doanh nghiệp không tạo ra thế độc quyền. Doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh chỉ khi họ tạo ra thế độc quyền, chi phối hành động độc quyền đó để hưởng lợi, gây thiệt hại cho người khác thì mới gọi là độc quyền” - ông Chuyên giải thích và cho biết thêm - “Tập đoàn không tham gia cụ thể vào doanh nghiệp. Việc phân chia đó là chuyện của doanh nghiệp với nhau. Tâp đoàn không chỉ đạo việc này mà chỉ chỉ đạo doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm phải phối hợp làm sao cho tốt nhất, đem lại hiệu quả cho đồng vốn nhà nước mà không vi phạm pháp luật”.
Vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh?
Phóng viên đã trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khóa XIV xung quanh Văn bản số 0342-1/ĐNB-TT ngày 31/3/2020 của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình về thực hiện bán đúng vùng quy định gửi tới đại lý, nhà phân phối.
Ông Nhưỡng nói: “Việc phân vùng tiêu thụ đạm của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý, vì đây là sự thỏa thuận trái với quy định của pháp luật, nhất là vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh. Việc quy định vùng tiêu thụ, phân chia thị trường hay cấm doanh nghiệp, nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm hoặc cho phép doanh nghiệp chỉ được tiêu thụ trong phạm vi nhất định rõ ràng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp, quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Sau khi tiếp nhận được ý kiến của cử tri về việc làm này, tôi đã chuyển phản ánh đến Thủ tướng (hiện là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 4/2/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 899/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu văn bản của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng để kiểm tra, xem xét, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật hiện hành, thông báo kết quả xử lý đến đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo, đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định.
Rất tiếc, cho đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa vào cuộc làm rõ, xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng và chưa có thông báo gì cho tôi. Điều này thể hiện sự chậm trễ khó hiểu, dư luận thì cho rằng, sở dĩ như vậy là vì có sự “chống lưng” của cấp trên cho Tổng công ty Hoá chất Việt Nam chỉ đạo phân chia thị trường!? Tôi thật sự lấy làm băn khoăn vì tình trạng này, cộng với việc xuất khẩu phân đạm urê trong lúc này sẽ dẫn đến ép giá, tăng giá, người nông dân sẽ trở thành nạn nhân của hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh”.
Dư luận đặt câu hỏi, từ sự “bắt tay” này, liệu có tạo ra sự độc quyền dẫn đến nâng giá, thổi giá phân bón hay không? Ai sẽ là người được lợi, nông dân tiêu thụ sản phẩm phân đạm hay nhà sản xuất?
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.