TS Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chia sẻ về những ngày chống chọi với căn bệnh ung thư gan của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.
Những ngày cuối dù tình hình rất xấu nhưng ông Ngọ vẫn lạc quan.
Những tiến bộ nhất của y học đã được áp dụng
TS Triệu cho biết, từ năm 2008 ông Phạm Quý Ngọ phát hiện bị ung thư gan. Sau đó, ông đã phải thực hiện phẫu thuật ghép một phần lá gan ở Singapore do một người hiến tặng.
“Ca ghép gan thành công và sức khỏe của đồng chí Ngọ sau đó dần hồi phục trở lại. Nhưng hàng ngày, ông phải uống thuốc chống thải ghép”, TS Triệu cho biết.
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.
Dù ca ghép rất thành công với việc áp dụng thành tựu y học tiến bộ, song theo TS Triệu, gia đình và bản thân ông Ngọ cũng biết rõ chỉ có thể duy trì cuộc sống được thêm 5-7 năm.
“Sau đó, đồng chí Ngọ lại bị ung thư tái phát và được Trung ương Đảng cho sang Nhật để chữa bệnh, rồi sang cả Hồng Kông, Singapore”, TS Triệu cho biết thêm.
Dù tất cả các thành tựu y tế của thế giới và trong nước đã được áp dụng để chữa trị cho đồng chí Ngọ nhưng cũng không thể cải thiện tình hình tốt hơn.
Ông Ngọ cũng đã được đưa sang Nhật Bản điều trị ung thư bằng phương pháp cấy tế bào gốc nhưng không thành công.
“Cách đây hơn một tháng, các giáo sư của Mỹ, Nhật, Singapore phối hợp với các giáo sư Việt Nam tham gia hội chẩn, tìm phương án tốt nhất cho đồng chí Ngọ. Đảng, Nhà nước đã hết lòng tạo điều kiện cứu chữa nhưng cũng chỉ kéo dài cuộc sống cho đồng chí Ngọ trong 1 thời gian ngắn”, ông Triệu nói.
Lạc quan và nghị lực đến phút cuối
Là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ thuộc diện Ban chăm sóc của Ủy ban chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nên TS Triệu cho biết cá nhân ông tham gia tất cả các buổi hội chẩn.
Trước thời điểm từ trần khoảng chục ngày, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ lại tiếp tục được đưa ra nước ngoài để chữa trị nhưng căn bệnh gan quái ác của ông đã ở vào giai đoạn cuối nên đã về nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Từ trước Tết 2014 ít ngày, bệnh tình của ông Ngọ tiến triển rất xấu.
Tuy nhiên, theo TS Triệu: “Bản thân đồng chí Ngọ rất có nghị lực, và lạc quan trong suốt quá trình chữa trị. Khi gan hỏng di căn sang phổi, tụy, thận, di căn tương đối rộng khiến người đầy nước, bị phù nặng. Nhưng ông vẫn tỉnh táo đến lúc mất”.
Theo Đất việt
KTNT