Tình trạng khai thác đá chẻ trái phép đang diễn ra trên địa bàn nhiều xã ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Điều đáng nói ở đây, một trong những hành vi khai thác đá trái phép này lại do một Bí thư Chi bộ thôn thực hiện từ 2 năm nay.
Chiều 7/4/2022, khi phát hiện một vị trí khai thác đá trái phép nằm tại thôn Đạ Pe thuộc xã Phúc Thọ (Lâm Hà - Lâm Đồng), PV Kinh tế nông thôn đã phối hợp cùng cán bộ địa chính xã Phúc Thọ xuống hiện trường ghi nhận sự việc.
Tại hiện trường, có 8 công nhân đang chẻ đá, đá nguyên khối đã được khai thác khoảng 200 đến 300 cục, số đá đã được khai thác thành phẩm (chẻ thành viên) ước tính từ 1.000 đến 1.500 viên.
Khi PV có mặt tại địa điểm khai thác đá trái phép, các công nhân đang chẻ đá nhanh chóng thu dọn máy khoan, các dụng cụ khai thác đá và vội vã rời khỏi hiện trường.
Trao đổi với PV, ông Lê Hải - cán bộ địa chính xã Phúc Thọ cho biết, vị trí khai thác đá này là đất thuộc quyền sử dụng của ông Lường Văn Đại, trước đây ông Đại có làm đơn xin cải tạo đất vườn và được UBND xã đồng ý.
"Lần trước chúng tôi có kiểm tra nhưng chỉ thấy ông Đại bới lên có vài cục nên không lập biên bản, không ngờ lần này xuống, đá lại nhiều đến vậy", ông Hải trao đổi thêm.
Một trong những công nhân chẻ đá ở đây cho biết, ông Đại trả cho 2 ngàn đồng/viên, bao gồm cả công chẻ đá và bốc lên xe. "Làm thuê cho ông Đại bí thư thôn, nay ông lên xã họp rồi, không có ở đây đâu" - người này cho hay.
Theo ông Long Đinh Ha Vương - Trưởng thôn Đạ Pe, ông Đại hiện là Bí thư Chi bộ thôn Đạ Pe, người dân có phản ánh tới ông về việc xe chở đá gây bụi bặm, hư đường nhưng cũng không biết phải làm sao.
"Ông Đại khai thác đá cả 2 năm nay rồi, trước thì làm sau nhà, bây giờ hết đá mới chuyển ra chỗ mới này" - ông Vương trao đổi thêm.
Không chỉ có hành vi khai thác đá trái phép mà vị Bí thư Chi bộ thôn này còn không hợp tác với UBND xã Phúc Thọ để giải quyết sự việc, nhiều lần được mời lên UBND xã làm việc nhưng ông Đại đều vắng mặt.
Được biết, tình trạng khai thác đá chẻ đang xuất hiện tại nhiều xã thuộc huyện Lâm Hà chứ không riêng gì xã Phúc Thọ. Điều đáng nói, mặc dù đã nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng này vẫn diễn ra... bình thường. Việc quản lý, ngăn chặn tình trạng này có phải quá khó đối với chính quyền địa phương hay là bởi một lý do nào đó mà chưa thể chấm dứt?
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.