Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn thư của vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Mỹ Xá (TP.Nam Định - Nam Định), phản ánh việc Phòng giao dịch Hòa Xá, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định trả tài sản thế chấp không đúng quy định, khiến gia đình bà có nguy cơ mất tài sản vào tay người khác.
Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố của Phòng giao dịch Hòa Xá trả tài sản cho khách hàng không có dấu, chỉ có bà Liên là bên nhận.
Tin bạn, mất tài sản?
Theo đơn thư của bà Liên, ngày 21/1/2009, vợ chồng bà bận việc làm ăn nên đã ký khống vào các giấy tờ thủ tục để vay 500 triệu đồng từ Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá. Vì bận việc nên sau khi ký, bà Liên đã đưa toàn bộ hồ sơ gồm 2 sổ đỏ và đăng ký xe ô tô cho bạn là bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Nam Phong để hoàn thiện thủ tục và nhận tiền từ Phòng giao dịch. Ngân hàng giải ngân làm 2 đợt, đợt 1: 300 triệu đồng (21/1/2009); đợt 2: 200 triệu đồng (13/4/2009). Tuy nhiên, ngày 23/9/2009, bà Tâm đã nộp vào 300 triệu đồng để rút tài sản thế chấp (2 sổ đỏ và đăng ký xe ô tô). Dựa vào các giấy tờ, biên bản bà Liên đã ký, ngân hàng trả lại tài sản cho người nộp tiền là bà Tâm.
Bà Liên không hay biết sự việc cho đến khi chuyển tiền vào tài khoản trả lãi như thường lệ thì được cán bộ ngân hàng thông báo tài sản của bà đã được rút ra. Lúc này bà Liên mới “tá hỏa” đến Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá để làm rõ, thì được Trưởng phòng Giao dịch đưa cho xem biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố ghi bằng bút mực, đề ngày 23/9/2009, nhưng không có dấu đỏ (Trưởng phòng Giao dịch ký tên nhưng không đóng dấu).
Trưởng phòng Giao dịch khẳng định: “Bà Liên đã rút tài sản thì mới có văn bản này”. Tuy nhiên, theo lời bà Liên thì đây là biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố do bà ký khống tại Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá ngày 21/1/2009 chứ không phải biên bản trả tài sản do Nhà nước quy định. “Biên bản này chỉ có chữ ký của tôi, không có chữ ký của chồng tôi. Khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu cả 2 vợ chồng tôi đến ký nhận thì khi trả tài sản cũng phải 2 vợ chồng đến ký mới đúng thủ tục chứ. Và thực tế là ngày 23/9/2009, vợ chồng tôi đều đang chạy xe đường dài, làm sao đến ngân hàng để làm thủ tục rút tài sản thế chấp được?”.
Bức xúc với cách làm việc của ngân hàng, ngày 9/10/2009, bà Liên yêu cầu Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá trả lại tài sản, nếu không sẽ trình báo công an. Lúc này, cán bộ Phòng giao dịch đã “lách luật” bằng cách làm thủ tục yêu cầu xóa đăng ký thế chấp xe ôtô biển số 18N- 2305, sau đó hướng dẫn bà Liên đến Công an tỉnh Nam Định làm đơn xin cấp lại đăng ký xe ô tô mới. Xong việc, phía ngân hàng đã rút toàn bộ hồ sơ gốc lưu tại Phòng giao dịch đưa cho bà Liên và có lời xin lỗi về việc này. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là đăng ký xe, còn 2 sổ đỏ thế chấp thì ngân hàng lại “làm ngơ”.
Thấy chưa thỏa đáng, bà Liên làm đơn tố cáo gửi Công an TP.Nam Định. Không gặp gỡ, không cho đối chất, Công an TP. Nam Định trả lời bằng Công văn số 270 (31/10/2011), trong đó ghi rõ: “Bà Liên đã trực tiếp ký và nhận tài sản thế chấp ở Phòng giao dịch Hòa Xá”.
Chờ xin ý kiến cấp trên
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có buổi làm việc với Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá, bà Hà, Trưởng phòng Giao dịch cho biết, bà mới về công tác được 2 tháng, chưa nắm được sự việc, các cán bộ liên quan cũng đã chuyển công tác.
Chúng tôi liên hệ với cấp quản lý cao hơn là BIDV Nam Định thì ông Cù Minh Trường, Trưởng phòng Quản lý rủi ro, yêu cầu phóng viên gửi công văn báo cáo lại sự việc để ngân hàng chuyển lên cấp trên xin ý kiến trả lời. Ngay sau đó, tòa soạn đã gửi công văn đề nghị phối hợp, giải quyết đơn thư bạn đọc, nhưng liên tiếp trong nhiều ngày, khi phóng viên liên lạc lại, ông Trường đều trả lời: “Ngân hàng Trung ương chưa có văn bản gửi chi nhánh do lãnh đạo đang đi công tác”.
Chờ đợi quá lâu, song vẫn chỉ nhận được câu trả lời “chờ xin ý kiến cấp trên”, ngày 16/9/2015, phóng viên đã đến BIDV Nam Định. Tại đây, ông Trường cho chúng tôi xem đơn đề nghị của bà Liên và biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố (gọi tắt là biên bản) ngày 23/9/2009. Theo đó, trong đơn bà Liên viết, xin thay mặt gia đình nhận lại tài sản trên. Tuy nhiên, biên bản này khác với biên bản bà Liên cùng chồng lấy được ở Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá. Theo biên bản của bà Liên: Bên giao là bà Liên - Trưởng phòng Giao dịch Hòa Xá ký tên, nhưng không đóng dấu. Biên bản ông Trường đưa cho chúng tôi xem cũng đề ngày 23/9/2009 nhưng bên giao là Phó giám đốc BIDV Nam Định, Phạm Thanh Hương ký, đóng dấu (?!).
Như vậy, trong cùng 1 ngày, BIDV Nam Định có 2 biên bản giao nhận tài sản, 2 người ký tên khác nhau cho 1 khách hàng và cả 2 biên bản đều không có chữ ký, hay giấy ủy quyền của ông Trần Quốc Việt, người đồng sở hữu tài sản với bà Liên.
Sau khi làm việc với ông Trường, ngày 17/9/2015, chúng tôi gặp bà Liên để trao đổi về vấn đề trên. Đến lúc này bà Liên mới biết, có ai đó đã làm đơn thay bà và biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố không phải nguyên Trưởng phòng Giao dịch Hòa Xá ký tên như đã nêu ở trên. Vì vậy, ngày 18/9/2015, bà đã làm đơn gửi Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nam Định yêu cầu giám định chữ ký để xem ai đã làm đơn thay bà. Mặt khác, chồng bà, ông Trần Quốc Việt, cũng đã có đơn tố cáo gửi Báo Kinh tế nông thôn và các cấp có thẩm quyền về việc ông không ký nhận, hay ủy quyền rút tài sản tại Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá ngày 23/9/2009.
Thiết nghĩ, việc minh bạch, đúng quy trình là điều vô cùng cần thiết khi giao dịch các vấn đề kinh tế, chưa kể đây lại là đơn vị có uy tín của ngành ngân hàng. Vì vậy, rất mong BIDV, các cấp, ngành liên quan của tỉnh Nam Định sớm làm rõ vụ việc.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ việc.
Dương An
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.