Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 5 năm 2014 | 9:3

Bình Dương: DN điêu đứng vì quyết định của chủ tịch UBND tỉnh

KTNT- Hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư sẽ mất trắng, 10.000 lao động đối mặt với nguy cơ mất việc làm khi gần 200 doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman ở tỉnh Bình Dương phải đóng cửa vào cuối tháng 6/2014 theo quyết định của chủ tịch UBND tỉnh. Bài 1: Trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu?Trong quá trình các doanh nghiệp sản xuất gạch nung đất sét ở tỉnh Bình Dương băn khoăn không biết nên chọn công nghệ Tuynel hay Hoffman để thay thế lò gạch thủ công thì các cơ quan chức năng của tỉnh này không có định hướng cụ thể. Sau đó, khi hầu hết các doanh nghiệp chọn công nghệ Hoffman với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thì UBND tỉnh Bình Dương lại ra quyết định dẹp bỏ.Loay hoay tìm công nghệ chuyển đổiTheo một số chủ cơ sở sản xuất gạch ở tỉnh Bình Dương thì năm 2005, tỉnh có chủ trương di dời các lò sản xuất gạch thủ công ra khỏi khu dân cư. Tuân thủ quy định, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch ở Bình Dương đã chuyển đến những địa phương ở vùng sâu, vùng xa mà chủ yếu là huyện Phú Giáo và

Bà Bùi Thị Ngọc Ánh, Chủ cơ sở sản xuất gạch Trường Trung
bức xúc trình bày với PV.


Bà Bùi Thị Ngọc Ánh, Chủ cơ sở sản xuất gạch Trường Trung ở ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo cho biết: Chi phí đầu tư cho lò Hoffman khoảng 8-10 tỷ đồng, còn lò Tuynel khoảng 20-30 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, quy mô hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất sét nung ở tỉnh Bình Dương còn nhỏ lẻ thì việc đầu tư sản xuất theo công nghệ Hoffman là phù hợp. Thêm nữa, vào năm 2009, tỉnh Bình Dương cho xây dựng thí điểm lò Hoffman tại Công ty TNHH một thành viên Việt Linh ở huyện Phú Giáo. Sau một thời gian vận hành sản xuất, công nghệ Hoffman đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng gạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phù hợp với định hướng của Bộ Xây dựng. Thấy công nghệ sản xuất gạch Hoffman vừa hiệu quả, vừa được các cơ quan chức năng khuyến khích nên gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đã đến tham quan, học hỏi mô hình về áp dụng cho đơn vị mình.

Tai họa dồn dập

Thấy được “lối ra” khi thời hạn “khai tử” lò gạch thủ công đến gần nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đều tất bật gom vốn, vay mượn thêm người thân, ngân hàng để đầu tư 8-10 tỷ đồng xây lò Hoffman tùy theo quy mô. Ấy vậy mà mới đầu tư được nửa năm, những đơn vị này nhận được tin “sét đánh ngang tai” khi UBND tỉnh Bình Dương đi kiểm tra và ban hành văn bản 1867/UBND-VX ngày 29-6-2010 về việc không cho xây dựng lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Sau đó, ngày 14-2-2012, UBND tỉnh Bình Dương chính thức ra “tối hậu thư” khi ban hành công văn số 328/UBND-KTN triển khai thực hiện Quyết định 15/2000/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Công văn này yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã thành lập các đoàn liên ngành tiến hành kiểm kê và đi đến chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, các lò gạch Hoffman xây dựng không chủ trương, không phép trước ngày 30-6-2012. “Đến thời điểm trên, lò gạch nào chưa chấm dứt thì tiến hành cưỡng chế niêm phong. Sau thời gian này, huyện, thị nào chưa thực hiện xong hoặc để các lò gạch thủ công, lò Hoffman không phép tiếp tục phát sinh mới, lãnh đạo UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm...”. Như vậy, nếu thi hành đúng theo công văn trên, gần 200 doanh nghiệp gạch Hoffman ở Bình Dương sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa, phá sản và 10.000 lao động có nguy cơ mất việc làm.

     Chủ các cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở tỉnh Bình Dương xin cầu cứu.


Đứng trước nguy cơ “trắng tay”, các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở Bình Dương đã kêu cứu khắp nơi. Nhận được phản ánh, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã về tỉnh Bình Dương kiểm tra và ngày 1-6-2012, Bộ Xây dựng có Công văn 896/BXD-VLXD quy định, các dự án nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất đến hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục. Với lò vòng, lò vòng cải tiến (có nơi gọi là lò Hoffman) không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều ...) tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại. “Nhận được công văn của Bộ Xây dựng, chúng tôi chưa kịp thở phào nhẹ nhõm để ổn định làm ăn, thực hiện đúng quy trình chuyển đổi vào năm 2020 mà Nhà nước quy định thì vào ngày 2-7-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung tiếp tục kết luận phải chấm dứt lò Hoffman vào cuối tháng 6-2014. Tin đến như tai họa từ trên trời rơi xuống. Vay mượn gần 10 tỉ đồng để đầu tư lò Hoffman, sản xuất chưa được bao lâu, chưa thu hồi đủ vốn đã phải tiếp tục phá lò thì làm sao chúng tôi chịu được. Thời buổi kinh tế khó khăn, khủng hoảng kéo dài, doanh nghiệp điêu đứng chưa kịp phục hồi đã liên tục gặp tai họa thì khác nào chính quyền cố tình muốn “khai tử” chúng tôi”, ông Bùi Chí Dũng, chủ cơ sở sản xuất gạch Thanh Anh ở ấp 3, xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên bức xúc nói.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Nhóm PV điều tra
                                                                 



    

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top