Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 3 năm 2014 | 1:48

Bình Thuận: Doanh nghiệp “lật kèo”, đối tác biết kêu ai?

KTNT- Doanh nghiệp kêu gọi góp vốn cùng đầu tư xây dựng dự án nhưng sau đó “lật kèo”, không giao nền nhà như thỏa thuận. Rồi, doanh nghiệp không những hẹn nay hẹn mai, không chịu hoàn tiền như cam kết mà còn thách thức thưa kiện sẽ hầu Tòa.

Ông Trịnh Thanh Tâm (SN 1971, trú phường 12, quận 6, TP Hồ Chí Minh), đại diện theo ủy quyền của bà Đào Ngọc Minh Nguyệt (SN 1972, trú phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Vừa gửi đơn đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, cơ quan CSĐT Bộ Công an tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần Tân Việt Phát (569 Trần Hưng Đạo, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết, Bình Thuận). Theo ông Tâm, Công ty cổ phần Tân Việt Phát là chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết. Với mong muốn được góp vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trên nền đất A10.22 thuộc lô A10, thửa đất 22, diện tích 525m2 ngày 25-11-2010, bà Đào Ngọc Minh Nguyệt đã ký hợp đồng góp vốn số 11/HĐGV với Công ty cổ phần Tân Việt Phát. Theo đó, nền đất nói trên có tổng trị giá 2,541 tỉ đồng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất ở ổn định, lâu dài, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng; không bao gồm lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận chủ quyền, các chi phí khác về quản lý theo quy định khi dự án đưa vào vận hành (nếu có). Tiến độ góp vốn được chia làm 7 đợt với từng mức đóng góp cụ thể. Tất cả các khoản này, bà Đào Ngọc Minh Nguyệt sẽ thanh toán theo yêu cầu tiến độ dự án. 


Dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát tại phường Phú Hài, TP. Phan Thiết,
nay còn trơ trọi bờ rào xiêu vẹo, các thông tin dự án bị xoá bỏ.

Đúng như thỏa thuận, đến tháng 3-2011, bà Nguyệt đã chuyển hơn 1 tỉ đồng cho Công ty cổ phần Tân Việt Phát nhưng về phần mình, công ty này lại “lật kèo”, không giao nền nhà như đã cam kết. Thấy việc làm của Tân Việt Phát thiếu minh bạch, bà Nguyệt làm đơn gửi các cơ quan chức năng can thiệp. Ngày 02-7-2013, tại Công an tỉnh Bình Thuận, Công ty cổ phần Tân Việt Phát đã thống nhất thanh lý hợp đồng 11/HĐGV cho bà Nguyệt và hẹn trả tiền vào ngày 30-8-2013. Tuy nhiên, đến đúng ngày hẹn, công ty này không trả tiền mà tiếp tục chây ỳ, cam kết sẽ trả tiền theo 2 đợt: đợt 1 trả 50% vào ngày 29-9-2013, đợt 2 thanh toán phần còn lại vào ngày 11-10-2013. “Đây là cam kết cuối cùng về việc thanh lý hợp đồng góp vốn giữa bên A và bên B. Ngoài ra, bên A sẽ chịu phạt tiền trả chậm với lãi suất 1%/tháng kể từ ngày 30-8-2013”, ông Nguyễn Ngọc Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Việt Phát xác nhận như vậy trong thỏa thuận chuyển tiền. 

Ông Tâm bức xúc cho biết: Theo hợp đồng 11/HĐGV, nếu Công ty cổ phần Tân Việt Phát không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà bà Nguyệt đã thực thanh toán, thanh toán tiền lãi phát sinh tính trên số tiền đó theo mức lãi suất 0,05%/ngày (tương đương 1,5%/tháng) và được tính từ thời điểm bà Nguyệt thanh toán đợt cuối cùng đến thời điểm Công ty cổ phần Tân Việt Phát đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng và trả cho bà Nguyệt một khoản tiền phạt tương đương 12% tổng giá trị hợp đồng. Đến nay, mặc dù đã cam kết nhiều lần dưới sực chứng kiến của Công an tỉnh Bình Thuận nhưng Công ty cổ phần Tân Việt Phát vẫn không chịu trả tiền cho bà Đào Thị Minh Nguyệt. Không những cố tình chây ì, né tránh, doanh nghiệp này còn thách thức thưa kiện sẽ hầu tòa. “Đề nghị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần Tân Việt Phát, đồng thời buộc doanh nghiệp này trả lại cho chúng tôi hơn 1 tỉ đồng cùng với lãi suất như đã thỏa thuận”, ông Tâm nói.

Được biết, không chỉ thất hứa với bà Đào Ngọc Minh Nguyệt, Công ty cổ phần Tân Việt Phát còn ký hợp đồng góp vốn với nhiều cá nhân khác và cũng đều “lật kèo”, không thực hiện đúng thỏa thuận. Người ít thì góp vốn gần 1 tỉ đồng, người nhiều thì vô số. Ban đầu, Công ty cổ phần Tân Việt Phát còn có thái độ hòa hoãn, thỏa thuận sẽ trả nợ nhưng sau đó thì “lên gân”, bảo cứ kiện đi, sẽ sẵn sàng hầu tòa và thuê luật sư giỏi để “hất cẳng” tất cả những người đi kiện. Chính thái độ làm ăn không rõ ràng, minh bạch của doanh nghiệp đã khiến đối tác chịu thiệt hại rất lớn trong quá trình góp vốn. Điều này còn gây mất lòng tin vào doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế suy thoái, làm ăn khó khăn.

Làm việc với PV báo KTNT, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Ngay từ khi triển khai dự án, Công ty cổ phần Tân Việt Phát đã vướng phải tranh chấp, kiện tụng với một người dân địa phương do việc đền bù, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng. Đến khi san ủi mặt bằng để thi công, công ty này lại tiếp tục nợ tiền của nhà thầu. Chưa hết, Công ty cổ phần Tân Việt Phát còn nợ tiền thuê văn phòng nhiều tháng liền khiến bên cho thuê phải làm căng lên mới “chạy đầu này, mượn đầu kia” để trả nợ. Tổng giám đốc ban đầu của doanh nghiệp này là bà Hoàng Thị Minh Phương, đến nay, cũng đã chuyển giao toàn bộ quyền cho người mới là ông Nguyễn Ngọc Phương. Theo quan điểm của UBND tỉnh Bình Thuận, dù cho ai là chủ doanh nghiệp, người đó phải có trách nhiệm triển khai dự án khi đã nhận được giấy phép đầu tư, không thể để dự án “đứng bánh” rồi âm thầm thoái lui, phủi hết mọi trách nhiệm với địa phương và những người cùng góp vốn như thế./.

Bài, ảnh: Minh Tuấn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top