Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 2 năm 2022 | 20:22

Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Những ngày qua, trên phạm vi cả nước xuất hiện hiện tượng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt, tìm lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an dư luận. Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý nghiêm.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện tượng nói trên chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu chúng ta không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ.

“Không được chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Trước đó, chiều tối ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.

Ngay trong sáng 10/2/2022, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nơi được người dân, báo chí phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo “hết xăng”. Tại thời điểm kiểm tra có đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã “Treo biển hết xăng”.

 

 Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương kiểm tra, phát hiện cây xăng “có hàng nhưng không bán”.

 

Kiểm tra tại Sóc Trăng, có đơn vị vẫn còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau… Cụ thể, Đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà, xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2 cây xăng E5-RON92 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng RON95 trong bể chứa nhưng không bán. Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.

Theo ông Lê Việt Long, Chánh thanh tra Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn Thanh tra cho biết, với bất cứ lý do gì, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là phải truy đến cùng, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế. Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, Đoàn sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Cũng trong ngày 10/02/2022, thực hiện nhiệm vụ được giao, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT Số 1 (Cục Quản lý Thị trưởng tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai công tác giám sát đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên; trong quá trình rà soát, đã phát hiện Cửa hàng xăng dầu Duy Biên thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần H2T Thăng Long, có địa chỉ tại tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên tạm ngừng hoạt động bán xăng dầu.

 

 Khi kiểm tra Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên phát hiện Cửa hàng xăng dầu vi phạm.

 

Quá trình làm việc với đại diện chủ cơ sở, xác định được cửa hàng xăng dầu Duy Biên đã có hành vi Ngừng bán hàng nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đội QLTT Số 1 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt theo quy định.

Trước tình trạng một số doanh nghiệp, cây xăng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị: "Các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành; niêm yết, bán đúng giá; công khai nguồn cung. Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải lên kế hoạch nhập khẩu bảm đảm nguồn cung trong mọi tình huống. Dứt khoát không để thiếu xăng dầu".

Cục Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với QLTT các tỉnh tiến hành tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Nếu không xử lý nghiêm theo quy định; Lên kế hoạch nhập hàng để bảo đảm không thiếu nguồn; Niêm yết giá bán, công khai nguồn cung, sản lượng dự trữ.

Tổng cục QLTT, Cục QLTT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiền hành kiểm tra thường xuyên, đột suất với tần suất dày 1-2ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Chú ý, kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; Phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Vụ TTTN, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý. 

Cùng với nhiều giải pháp khác, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thành lập Đoàn Thanh tra cơ động, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Đối với các cơ sở kinh doanh, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép nếu có từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra trong tháng 2/2022 trở đi mà không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top