Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 3 năm 2015 | 5:50

Bỗng dưng bị giữ xe và giấy tờ tùy thân?

Người dân cho rằng bị thu giữ giấy tờ tùy thân cùng xe ô tô trái phép nên đã làm đơn tố cáo công an phường và cảnh sát giao thông (CSGT).

Theo trình bày của anh Phạm Văn Yên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Thái Bình, vào lúc 15 giờ ngày 30/1/2015, anh cùng ông Nguyễn Văn Đông chạy xe ô tô mang biển số 60S-9409 từ TP. Biên Hòa (Đồng Nai) xuống TP. Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) để giao dịch công việc. Khi vừa đậu xe trước quán cà phê Phương Uyên (số 494, đường Điện Biên Phủ, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa), vào uống cà phê thì có một nhóm CSGT chạy xe đến quán yêu cầu kiểm tra giấy phép lái xe và giấy tờ xe. Tuy nhiên, thấy mình không hề vi phạm mà CSGT cũng không đưa ra được lý do về lỗi vi phạm giao thông nên anh không đồng ý xuất trình các giấy tờ mà nhóm CSGT này yêu cầu.

Do không kiểm tra được giấy tờ, một CSGT tên Lợi đã rút điện thoại gọi lực lượng 113 đến làm việc; nghe anh Yên trình bày rõ sự việc, cảnh sát 113 không nói gì mà bỏ đi.

Sau đó, CSGT Lợi lại tiếp tục “alô” cho Công an phường Long Toàn đến quán cà phê hỗ trợ. Một lúc sau, ông Hà Anh Đức, Phó trưởng công an phường Long Toàn đến yêu cầu anh Yên xuất trình giấy tờ tùy thân, nhưng anh chưa kịp trình bày xong sự việc thì ông Đức đã ra lệnh cho mấy công an khác lao vào bẻ, khóa tay anh. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Đông vội cầm điện thoại lên định chụp hình làm bằng chứng thì bị nhóm công an lao tới bẻ, khóa tay rồi đẩy cả hai người ra khỏi quán, khống chế lên xe CSGT và đưa về trụ sở Công an phường Long Toàn trước sự chứng kiến của nhiều người dân xung quanh.

Anh Phạm Văn Yên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Thái Bình, trình bày sự việc với phóng viên.

Anh Yên bức xúc cho biết: “Khi về trụ sở Công an phường Long Toàn, họ lập biên bản yêu cầu tôi ký tên, nhưng vì biên bản không nêu rõ nội dung vụ việc nên tôi không đồng ý ký. Công an Tú quát bảo: “Anh không ký là tự làm khó cho anh đấy” rồi bỏ ra ngoài. Một lát sau, công an Tú trở vào sửa lại biên bản và “ép” tôi phải ký. Do ở nhà có công việc gấp nên tôi đành phải ký vào biên bản, sau đó Công an phường Long Toàn mới cho chúng tôi ra về, lúc đó khoảng 18 giờ".

Theo anh Yên, Công an phường Long Toàn đã giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân của anh và ông Đông. Sau khi làm xong việc, các anh quay trở lại nơi đậu xe trước quán cà phê Phương Uyên thì không thấy xe đâu nữa. Hỏi thăm mới được chủ quán và bà con xung quanh cho biết, CSGT Lợi và ba CSGT khác đã mang xe cứu hộ đến cẩu xe anh mang đi mà không thấy lập biên bản.

Ngày 2/2/2015, theo lịch hẹn, anh Yên cùng ông Đông quay lại để giải quyết sự việc, nhưng một lần nữa các anh bị cơ quan công an gây khó. Anh Yên uất ức nói: “Ngày Tết cận kề, chúng tôi còn bị công an “giữ” hết giấy tờ tùy thân cùng phương tiện xe khiến hoạt động của doanh nghiệp hoàn toàn bị tê liệt, không thể giao dịch được bất cứ việc gì. Vậy mà chúng tôi đến công an phường phải chờ cả ngày trời, cuối cùng mới nghe công an Đức bảo là phải chờ cấp trên, bây giờ chưa giải quyết được. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo cơ quan nào đã cẩu xe mang đi”.

Anh Yên cho biết,  đến lúc này, cả anh và ông Đông đều...  chưa được Công an phường Long Toàn trả giấy tờ tùy thân (?!).

Quán cà phê Phương Uyên, nơi  xe của anh Yên bị giữ mà không lập biên bản tại hiện trường.

Ông Phạm Văn Đông cũng cho rằng: "Việc Công an phường Long Toàn có hành vi thô bạo dùng vũ lực khống chế, cưỡng bức chúng tôi lên xe đưa về phường khi chúng tôi không hề vi phạm quy định của pháp luật đã làm ảnh hưởng đến tinh thần và danh dự của chúng tôi”.

Tiếp xúc với phóng viên, những người dân xung quanh quán cà phê Phương Uyên xác nhận, có nhìn thấy Công an phường Long Toàn bẻ, khóa tay ông Đông và anh Yên đẩy từ trong quán ra xe rồi đưa đi.

Anh Phạm Văn Yên bức xúc làm đơn tố cáo vụ việc đến các cơ quan chức năng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Á, Trưởng công an phường Long Toàn, cho biết: "Chúng tôi đã nhận được đơn của anh Yên phản ánh về vụ việc này và cũng rất muốn giải quyết thủ tục nhanh gọn nhưng nếu trường hợp này không liên quan đến việc vi phạm giao thông thì chúng tôi đã ra quyết định xử phạt hành chính rồi…”.

Theo ông Á, khi nhận được đơn, cơ quan cấp trên đã yêu cầu công an phường phải lập hồ sơ điều tra lại từ đầu vụ việc này. Nói xong, ông Á viện lý do phải chủ trì buổi họp cuối năm nên hẹn phóng viên lần khác sẽ trao đổi tiếp…     

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin về vụ việc.

Minh Tuấn – Minh Vương

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top