Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2019 | 0:47

Các dự án bị thu hồi vì chậm tiến độ gây lãng phí, không hiệu quả

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc xử lý các dự án chậm tiến độ, thua lỗ, không hiệu quả. Ðây có thể coi là bức tranh điển hình của những công trình trọng điểm đang gây lãng phí, vi phạm thời hạn so với Giấy chứng nhận đầu tư.

Điển hình như Dự án Gang thép Thái Nguyên
 
Đây là dự án đã đắp chiếu nhiều năm và ước lượng mỗi sáng thức giấc, Tisco bị 'bốc hơi' một chiếc ô-tô Camry…
 
Nếu như nợ gốc và lãi làm "bốc hơi" của Tisco mỗi ngày một chiếc Camry thì tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, khoản này tính sơ sơ là 5 chiếc.
 
Hiện tại, sau một thời gian dài triển khai cầm chừng hoặc dừng hoạt động, một số dự án, công trình trọng điểm vẫn trong tình cảnh hết sức bi đát, loay hoay mãi không thấy lối ra. Những vướng víu, trói buộc về cơ chế đang khiến cho hàng trăm nghìn tỷ đồng đổ vào các dự án bị "đóng băng", gây lãng phí, thiệt hại rất lớn.
 
Nền kinh tế đất nước đang thiếu vắng các dự án trụ cột, làm bệ đỡ, động lực tăng trưởng trong tương lai. Tình trạng này ở mức báo động đỏ, rất cần được xem xét, cấp bách tháo gỡ để khơi thông bế tắc.
 
Một cuộc khảo sát thực tế tại ba dự án được mở ra, công trình trọng điểm, gồm dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco-II), Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhiệt điện Sông Hậu 1.
 
Ðây có thể coi là bức tranh điển hình của những công trình trọng điểm đang vấp phải khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, chìm trong cảnh ngổn ngang, dang dở, tương lai mù mịt, không hẹn ngày về đích.
 
Qua đó, nhận định về dự án Tisco-II, một chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là dự án sở hữu nhiều "cái nhất": tốn thời gian xử lý nhất, mâu thuẫn về phương thức tháo gỡ nhất, lãng phí một cách khó hiểu nhất v.v. Và đến giờ, sau gần bảy năm đình trệ, việc tìm kiếm lối ra khả dĩ cho Tisco-II vẫn còn là dấu hỏi.
 
Khởi động từ năm 2005, hai năm sau, Tisco-II chính thức khởi công với tổng mức đầu tư (TMÐT) 3.843 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
 
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, dự toán ban đầu của dự án đã bị "nhấn chìm" bởi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng đột biến khiến phương án ban đầu của dự án bị trượt rất xa so thực tế.
 
Ðơn cử, giá phôi thép khi xây dựng dự toán chỉ 320 USD/tấn, nhưng tại thời điểm năm 2008 đã đội lên hơn 900 USD/tấn, dầu thô từ 80 USD/thùng vọt lên 140 USD/thùng, tỷ giá ngoại tệ từ 15.800 đồng/USD, tăng lên 21.000 đồng/USD, lãi suất tín dụng neo ở mức 21,5%/năm, khiến việc duy trì hợp đồng như cũ không khả thi. Những vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát của Tisco và MCC, khiến quá trình thi công bị ngừng trệ 18 tháng.
 
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã cử nhiều đoàn công tác về các địa phương khảo sát, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cho hàng loạt dự án đang "sống dở, chết dở" vì đội vốn. Ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư báo cáo về tình trạng này, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành Thông tư 09/2008/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh TMÐT. Dự án Tisco-II lúc đó đặt trước tình huống: nếu bỏ dở sẽ lãng phí khoản đầu tư, còn nếu tăng vốn, dự án có thật sự đạt hiệu quả?
 
Ðể có câu trả lời, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã tiến hành đánh giá, rà soát lại hai lần và kết luận dự án đạt hiệu quả với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 16%, được các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Xây dựng,… ủng hộ phương án tăng vốn.
 
Do vậy, sau khi có Nghị quyết 64/NQ-CP của Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương tăng vốn cho Tisco-II, Tổng công ty Thép Việt Nam được giao trách nhiệm tự quyết định điều chỉnh TMÐT theo quy định hiện hành.
 
Tuy nhiên, sau khi tăng TMÐT lên hơn 8.100 tỷ đồng, khó khăn trong việc thu xếp vốn cùng nhiều nguyên nhân khác đã khiến dự án dừng triển khai từ năm 2012 đến nay và cũng từ đó, Tisco rơi vào khủng hoảng triền miên khi phải gánh "núi nợ" từ dự án này.
 
Theo phương án ban đầu, khi đi vào hoạt động, mỗi năm Tisco-II sẽ sản xuất ra 500 nghìn tấn phôi thép bằng công nghệ lò thổi, đưa tổng sản lượng phôi thép của công ty lên 1 triệu tấn/năm từ nguyên liệu trong nước.
dây-chuyền-luyện-kim-dang-dở-của-tisco.jpg
Dây chuyền luyện kim dang dở của Tisco - II tại khu vực Lưu Xá, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: Báo Nhân Dân)
Dự án được kết nối đồng bộ, cung cấp phôi nóng cho Nhà máy cán thép Thái Trung, giúp tăng quy mô sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, công nghệ sản xuất của Tisco được khép kín từ A đến Z, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động công ty.
 
Hiện tại, Nhà máy cán thép Thái Trung do không được cấp phôi nóng từ dự án Tisco-II, đang phải mua phôi thép từ các DN khác với giá đắt đỏ, cộng thêm chi phí gia nhiệt để cán phôi, mỗi năm mất khoảng 240 tỷ đến 280 tỷ đồng.
 
Từ năm 2011 đến hết năm 2018, Tisco đã phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn trả gốc và lãi cho các ngân hàng gần 1.333 tỷ đồng. Theo hợp đồng vay vốn cho dự án, bắt đầu từ tháng 1-2017, mỗi tháng dự án phải trả ngân hàng 47 tỷ đồng. Một cán bộ của Tisco ví von chua chát: Mỗi sáng thức giấc, Tisco bị "bốc hơi" một chiếc ô-tô Camry (!?).
 
Nếu như nợ gốc và lãi làm "bốc hơi" của Tisco mỗi ngày một chiếc Camry thì tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tính sơ sơ là năm chiếc. Ðể bạn đọc dễ hình dung về quy mô TMÐT của dự án này, đem cộng gộp cả 12 "đại dự án" ngành Công thương bị thua lỗ, mới bằng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
 
Công trình điện trọng điểm quốc gia này gồm hai tổ máy, tổng công suất 1.200 MW, khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kW giờ điện mỗi năm.
 
Dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm Tổng thầu EPC, với TMÐT 41.399 tỷ đồng, cơ cấu 70% vốn vay, 30% vốn chủ sở hữu.
 
Trưởng Ban quản lý dự án Ðiện lực dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Ngọc Hải cho biết, nhà máy khởi công cuối năm 2011, dự kiến năm 2014 hoàn thành, phát điện tổ máy số 1, đầu năm 2015 phát điện tổ máy số 2.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, PVC đã để xảy ra một số sai phạm (đã được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý), khiến dự án bị chậm tiến độ. Hiện tại, tiến độ tổng thể dự án đạt 84,31%, giá trị giải ngân sau thuế đạt hơn 996,9 triệu USD và 11.639 tỷ đồng (tương đương 33.243,26 tỷ đồng, bằng 79,53% giá trị TMÐT sau thuế).
 
Ðến nay, khi những trục trặc về pháp lý đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa, các ngân hàng quốc tế chấp thuận giải ngân trở lại phần vốn vay nước ngoài 326 triệu USD, nhưng do hết hạn giải ngân từ ngày 28-9-2018, dự án hiện vẫn bế tắc vì chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận gia hạn.
 
Trong khi đó, nguồn vốn vay trong nước lại chưa được các ngân hàng trong nước xem xét cấp tín dụng do vượt hạn mức và dự án chưa được đưa vào danh sách cấp tín dụng.
 
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi trăn trở: "Chính vì sai phạm trong quá trình đầu tư trước đây cho nên dự án nhiệt điện Thái Bình 2 bị đẩy vào tình cảnh chậm tiến độ. Ai gây ra sai phạm đã xử lý rồi nhưng vấn đề lại không giải quyết triệt để khiến dự án kẹt vốn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhưng không cầm tiền, Bộ Công thương là cơ quan quản lý cũng không có quyền giải ngân, còn DN thu xếp được vốn lại không có quyền quyết định. Cơ chế vòng vèo, lúc cần đột phá không được đột phá, cuối cùng DN phải gánh lấy hậu quả, không đổ cho ai được". Tổng thầu PVC và các nhà thầu phụ không còn đủ tài chính để tiếp tục triển khai dự án.
 
Do tiến độ kéo dài, có nhiều khó khăn và rủi ro phát sinh như máy móc thiết bị hết thời hạn bảo hành, không vay thêm được vốn,... gây sức ép rất lớn đối với chủ đầu tư và Tổng thầu.
 
Ðiều này vô hình trung gây khó khăn trong xác định đơn giá xây dựng đối với các hạng mục trong hệ thống tiêu chuẩn hoặc phải điều chỉnh, thậm chí có những gói thầu sau ba năm vẫn chưa thể thanh toán hết.
 
Tiếp đến là 26 dự án chậm tiến độ ở Thừa Thiên - Huế bị thu hồi
 
Tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định chấm dứt hoạt động 26 dự án, trong đó có 24 dự án nằm trong danh mục xem xét thu hồi và dự án giám sát đặc biệt.
 
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp mới 30 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn 4 dự án, với vốn đăng ký hơn 22.200 tỷ đồng, trong đó, có 11 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 293 triệu USD.
 
Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định chấm dứt hoạt động 26 dự án, trong đó có 24 dự án nằm trong danh mục xem xét thu hồi và dự án giám sát đặc biệt theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
tỉnh-thừa-thiên.jpg
Một số dự án tại các khu công nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế không triển khai kéo dài nhiều năm nay. (Nguồn: Lê Hiếu/VOV-Miền Trung)
 
Ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Chúng ta đã trải thảm đỏ, tạo điều kiện tối đa cho những nhà đầu tư có tâm huyết, có năng lực vào đầu tư. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã làm thật, tạo nên diện mạo mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư do những lý do khác nhau đã không làm. Qua kiểm tra, rà soát, có một số dự án hiện nay không triển khai. Chúng tôi sẽ đề nghị tiếp tục rà soát, nếu không thực hiện thì cương quyết thu hồi.
 
Tỉnh cũng hỗ trợ Tập đoàn PSH của Tây Ban Nha khởi công dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Vinh Thanh và tiếp tục xúc tiến, hỗ trợ cho nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm khảo sát, nghiên cứu đầu tư.
 
UBND tỉnh Khánh Hòa Phê duyệt “thần tốc”… để rồi “đắp chiếu” 16 năm
 
Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Cty Phương Mai được thành lập và đi vào hoạt động ngày 10/12/2002 với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng.
 
Đến tháng 8/2003, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai với tổng diện tích gần 174ha đất thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa (nay là phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa). Việc phê duyệt này được cho là theo đề nghị của Cty Phương Mai có địa chỉ tại số 2 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, TP Nha Trang.
 
Ngày 12/8/2003, Cty Phương Mai có tờ trình xin phê duyệt quy hoạch dự án này. Ngay lập tức, ngày 13/8/2003, Sở Xây dựng Khánh Hòa có Tờ trình 1243/XD-QH đề nghị UBND tỉnh phê duyệt. 13 ngày sau, UBND tỉnh ra Quyết định số 2688/QĐ-UB phê duyệt dự án.
 
Có thể thấy, chỉ trong thời gian rất ngắn, Cty Phương Mai đã được tỉnh Khánh Hóa phê duyệt một dự án có quy mô lên đến hơn 170ha. Tuy nhiên, sau khi được duyệt, dự án lại rơi vào trạng thái “đắp chiếu”, “bất động” suốt nhiều năm sau đó.
 
Ngày 28/9/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ban hành Quyết định 2504 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) Khu du lịch Phương Mai - Dốc Lết.
 
Lúc này, tổng diện tích đất lập quy hoạch điều chỉnh còn hơn 162,8ha, tức là đã giảm đi hơn 10,4ha so với trước.
 
Ngày 5/10/2011, Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Vân Phong đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Phương Mai tại dự án này với tổng mức đầu tư hơn 4.072 tỷ đồng được chia làm 2 giai đoạn.
 
Giai đoạn 1: Thực hiện từ năm 2011 - 2014 với số vốn 2.385 tỷ đồng (gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn huy động từ hình thức hợp tác đầu tư…). Tiến độ từ tháng 6/2011 đến 9/2012 phải hoàn thành các thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng dự án.
 
Và tiếp theo đến tháng 12/2014 phải hoàn thành dự án đưa vào hoạt động.
 
Giai đoạn 2: Thực hiện từ năm 2014 - 2016 với tổng số vốn 1.687 tỷ đồng.
 
Trong Giấy chứng nhận đầu tư còn nhấn mạnh: Dự án sẽ chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư 2005, Điều 68 Nghị định 108 năm 2006 hoặc các văn bản có liên quan nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết và các quy định của pháp luật.
 
Công ty có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện dự án hàng tháng hàng quý, 6 tháng, năm theo Nghị định 113 năm 2009.
 
Ngoài các yêu cầu như đã nêu trên, trong Giấy chứng nhận đầu tư cũng yêu cầu quan trọng nhất là Cty Phương Mai phải thực hiện thủ tục tạm ứng kinh phí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng của dự án theo cam kết của công ty tại Văn bản số 21/CPPM ngày 15/9/2011 và Văn bản số 22/PM/2011 ngày 26/9/2011 khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
 
Còn theo Báo cáo số 213 ngày 28/6/2019 của UBND thị xã Ninh Hòa về tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xin ý kiến giải quyết vướng mắc đối với dự án Khu du lịch Phương Mai - Dốc Lết gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Đến thời điểm ban hành báo cáo thì UBND thị xã Ninh Hòa đã phê duyệt phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án gồm 10 đợt với 237 trường hợp/70ha diện tích và 1 tổ chức (UBND phường Ninh Hải diện tích 36,6ha).
dự-án-khu-dân-cư-diamond-star-thực-chất-chỉ-là-một-bãi-đất-trống.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Thanh Tra)
Trong Báo cáo này, UBND thị xã Ninh Hòa kiến nghị: Dự án Khu du lịch Phương Mai - Dốc Lết đã được phê duyệt 10 đợt phương án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào ngày 30/6/2014 (trước ngày Luật Đất đai 2014 có hiệu lực đúng 1 ngày).
 
Tuy nhiên, nhà đầu tư không thực hiện việc chuyển tiền để chi trả, đến tháng 6/2017, Cty Phương Mai mới chuyển tiền cho Trung tâm phát triển quỹ đất Ninh Hòa chi trả cho các trường hợp bị thu hồi đất theo Thông báo số 103 ngày 27/2/2017 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc rà soát hình thực hiện một số dự án đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong trên địa bàn TX Ninh Hòa. Báo cáo nhấn mạnh: “Việc chậm chi trả tiền này thuộc trách nhiệm của Cty Phương Mai”.
 
Như vậy có thể thấy, Cty Phương Mai đã vi phạm nghiêm trọng thời hạn so với Giấy chứng nhận đầu tư mà Ban QLKKT Vân Phong đã cấp cho đơn vị này từ năm 2011, yêu cầu đến tháng 9/2012 đã phải hoàn thành các thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng dự án, nhưng mãi 5 năm sau (tháng 7/2017), công ty mới thực hiện nghĩa vụ về tài chính để đền bù như yêu cầu mà việc trậm trễ này là do phía Cty Phương Mai.
 
Đến thời điểm hiện tại (tháng 12/2019), dự án vẫn chưa được khởi công, tức là đã sau 16 năm khi được giao khảo sát, gần 8 năm từ khi có giấy chứng nhận đầu tư, thì dự án Khu du lịch Phương Mai - Dốc Lết vẫn dậm chân tại chỗ.
 
 
 
 
 
Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top