Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn từ thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) đến xã Tân An (Văn Bàn - Lào Cai) có chiều dài 25km. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành toàn bộ vào tháng 1/2016, nhưng đến nay vẫn còn 8/25km thi công dở dang, khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.
Tuyến đường thi công dở dang, xuất hiện nhiều thùng, vũng gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông.
Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279 có chiều dài 25km, tổng vốn đầu tư 517 tỷ đồng (vốn Bộ Giao thông vận tải) giao cho Sở Giao thông vận tải Lào Cai làm chủ đầu tư. Hai đơn vị trúng thầu thi công là Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 (Hà Nội) và Công ty CP Xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh (Lào Cai).
Dự án được khởi công xây dựng đầu năm 2014 với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đây chính là phân đoạn có điểm giao kết nối giữa ba huyết mạch giao thông quan trọng là Quốc lộ 279, Quốc lộ 70 và nút giao IC 16 lên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành toàn bộ vào tháng 1/2016, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn 8/25 km đi qua hai xã Bảo Hà và Tân An (Bảo Yên) mới thi công phần nền còn dở dang. Trong khi nhà thầu đã rút từ giữa năm 2015 khiến việc đi lại của người dân trên tuyến đường này hết sức khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường có đến hàng chục điểm sạt lở ta luy dương và nhiều đoạn mặt đường nay chỉ còn trơ lại đá hộc, ổ gà, ổ trâu. Người dân trong khu vực cho biết, hiện tượng sạt đường xuất hiện trong mùa mưa bão vừa qua khiến cho việc đi lại đã khó lại càng khó hơn, thậm chí tai nạn giao thông thường xuyên rình rập.
Ông Mai Văn Nhưỡng, ở bản Liên Hà 3, xã Bảo Hà (Bảo Yên), ngán ngẩm: “Sau khi bạt núi nắn cua, rải đất, đá lên mặt đường, đơn vị thi công để đấy mà không trải nhựa và làm cống, rãnh thoát nước. Đến khoảng giữa năm 2015, họ rút hết máy móc, công nhân đi chỗ khác và không thấy trở lại. Cứ mỗi trận mưa, trên những đoạn đường mới rải bây (nền đá), nước lại cuốn trôi hết lớp đất nên đường trơ lại đá, khó đi lắm. Nhiều nắp cống được kê bằng cây như những cái bẫy, rất nguy hiểm cho người dân, nhất là khi mùa mưa đến”.
Trước năm 2014, để tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, hơn 600 hộ dân ở các xã Tân Thượng, Tân An (huyện Văn Bàn) và Bảo Hà, Yên Sơn, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) đồng thuận giải phóng trên 56.000m2 đất các loại để dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279 được triển khai thuận lợi. Nhưng đến nay, việc thi công chậm đang gây ra nhiều khó khăn cho người dân nơi đây.
Ngoài ra, tại một số điểm, đất đá từ trên đường thi công dở dang còn phủ lấp ruộng lúa, hoa màu càng khiến người dân thêm bức xúc. Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà, cho biết: “Tiến độ thi công rất chậm, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, đơn vị thi công không thấy làm tiếp đã gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của bà con. Hơn nữa, Bảo Hà đón nhiều du khách khắp mọi miền đất nước đến dâng hương tại đền Bảo Hà. Do đó, dự án cải tạo đoạn tuyến Quốc lộ 279 thi công dở dang đang gây mất mỹ quan và làm nản lòng du khách. Chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi cấp trên và có kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội nhưng đến nay, vấn đề này chưa được giải quyết”.
Ông Cao Văn Thuấn, Trưởng ban quản lý Dự án các công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Lào Cai), cho biết: “Do nguồn vốn dự án khó khăn, theo số liệu của chúng tôi, việc xây lắp của nhà thầu là 404 tỷ đồng, nhưng hiện nay mới được cấp khoảng 241 tỷ đồng. Do nguồn vốn khó khăn như vậy, nên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, không được triển khai thi công khi chưa có nguồn vốn cấp nên dự án bị tạm dừng”.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, các doanh nghiệp không thể tiếp tục ứng vốn bởi phần còn thiếu của dự án lên đến 276 tỷ đồng. Ngày 24/3/2016, Bộ Giao thông vận tải ra Văn bản số 3121/BGTVT-CQLXD cho nghiệm thu bàn giao các đoạn tuyến đã hoàn thành và tạm dừng thi công các đoạn tuyến còn lại của dự án này.
Hiện, nguồn vốn cho các dự án lớn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với dự án có ý nghĩa quan trọng như trên thì việc được ưu tiên là rất cần thiết. Hơn nữa, các đơn vị thi công cần san lấp mặt đường, tránh việc gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.
Nhất Nam
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.