Lấy lý do bảo vệ sản phẩm mật ong bạc hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang đã ra văn bản cấm người nuôi ở 4 huyện của cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng giống ong ngoại. Việc làm này đi ngược lại Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp PTNT, hình thành thực tế “ngăn sông cấm chợ”, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân.
Văn bản 1065 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang được cho là là không phù hợp và trái với quy định tại Thông tư số 25 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Cấm nuôi ong ngoại
Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm mật ong bạc hà (khu vực địa lý 4 huyện gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ), ngày 31/10/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang có Văn bản 1065/SNN-CNTS đề nghị 4 huyện trên chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa. Lý do mà đơn vị này đưa ra “lệnh cấm” là vì gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của sản phẩm mật ong bạc hà địa phương.
Ngày 13/10/2015, UBND tỉnh Hà Giang có Văn bản 3405/UBND-NNTNMT gửi UBND các huyện, thành phố và Sở Nông nghiệp PTNT đề nghị tăng cường công tác quản lý đàn ong trên địa bàn. Trong đó, có chỉ đạo được cho là gây khó dễ cho người nuôi ong: Khi các chủ nuôi ong vận chuyển các đàn ong từ các địa phương khác ngoài tỉnh đến nuôi trên địa bàn các huyện, thành phố phải được sự cho phép của UBND huyện, thành phố.
Ngày 1/8/2016, UBND huyện Quản Bạ có Văn bản 1321/UBND - NLN gửi UBND các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết, những năm qua, tình trạng một số tổ chức, cá nhân tự ý đưa đàn ong từ nơi khác vào địa bàn huyện làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn ong địa phương.
Để khắc phục, chủ tịch huyện giao chủ tịch các xã, thị trấn quán triệt thực hiện nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý đưa đàn ong từ nơi khác vào địa bàn làm ảnh hướng đến phát triển của đàn ong địa phương. Ban quản lý các thôn, tổ dân phố và nhân dân tuyệt đối không cho các tổ chức, cá nhân đưa đàn ong từ nơi khác vào địa phận được giao quản lý. Rà soát toàn bộ số đàn ong trên địa bàn, kiên quyết xử lý, yêu cầu di dời toàn bộ số đàn ong không phải giống địa phương ra khỏi địa bàn. Các tổ chức, cá nhân đưa đàn ong từ nơi khác vào các xã, thị trấn phải được sự đồng ý của UBND huyện.
Những biển cấm “lạ” chỉ xuất hiện ở tỉnh nghèo Hà Giang.
Người nuôi ong “sống dở, chết dở”
Văn bản của UBND tỉnh Hà Giang, của UBND huyện Quản Bạ đã gây khó khăn cho người ngoài tỉnh đưa ong đến đây nuôi. Đặc biệt, Văn bản 1065/SNN-CNTS của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang cấm ong ngoại (Ong Ý hay còn gọi là ong mật ngoại hay ong mật Ý) được cho là trái với Thông tư 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, xã viên HTX chăn nuôi ong Phong Thổ (Tuyên Quang) bức xúc nói: “Giống ong của HTX là giống ong mật Ý, nhập về nước từ năm 1967. Qua bao nhiêu đời nhân giống, bây giờ thành giống thuần chủng ở Việt Nam. Theo Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì giống ong này được nuôi và kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi tôi đưa lên 4 huyện vùng cao của Hà Giang thuê đất đặt ong thì bị cấm”.
Theo ông Chiến, trước khi đưa ong đi “ăn mật”, HTX đã có đầy đủ các giấy tờ có liên quan như: giấy đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận nguồn gốc ong; giấy kiểm dịch; biên bản niêm phong phương tiện vận chuyển chứa động vật, sản phẩm động vật; hợp đồng cho mượn vườn đặt trại ong; hợp đồng lao động với người nuôi; đơn xin đặt trại ong lấy mật gửi UBND xã nơi đặt trại ong nhưng xã không cho. Xã yêu cầu phải được chủ tịch huyện đồng ý thì mới được nuôi, do vậy, khi lên xã đăng ký tạm trú, tạm vắng, xã không đăng ký cho. Đến nay, HTX của ông đã đặt 5 trại (khoảng 1.000 đàn ong) nhưng xã và huyện cho người ra xua đuổi, không cho nuôi. “Tôi bị trộm phá 3 lần làm chết 246 đàn, thiệt hại gần 500 triệu đồng”, ông Chiến bức xúc cho biết.
Cách chỉ đạo “ngăn sông cấm chợ” của tỉnh Hà Giang đã khiến nhiều hộ nuôi ong Ý gặp khó khăn.
Anh Lê Tiến Tuân, ở xã An Khang, TP. Tuyên Quang (Tuyên Quang) cũng cho hay, tháng 11/2015, anh thuê người đưa 158 đàn ong đặt ở xã Hồ Quáng Phìn (Đồng Văn) thì bị chủ tịch, công an xã, dân quân vào bốc đưa ong đi. “Nhận được thông tin tôi báo Công an tỉnh Hà Giang. Sau khi Công an tỉnh Hà Giang điện xuống xác minh thì đoàn của xã mới bốc được 14 đàn để giữa đường rồi bỏ về. Mấy hôm sau, công an nằm vùng dùng bình xịt hơi cay, khóa tay người tôi thuê nuôi ong đưa về trụ sở UBND xã. Cùng lúc đó, họ dùng bình xịt côn trùng phá 47 đàn ong, gây thiệt hại khoảng 120 triệu đồng. Tôi viết đơn khiếu nại gửi UBND huyện Đồng Văn nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Gần 1 tháng sau, tại xã Sính Lủng (Đồng Văn), tôi lại bị xịt chết 17 đàn, thiệt hại hơn 40 triệu đồng”, anh Tuân chua xót nói.
Chị Nguyễn Thị Giang ở xã Đông Hà (Quản Bạ) cũng vô cùng bức xúc khi tháng 6/2015, gia đình ký hợp đồng với HTX chăn nuôi ong Phong Thổ cho mượn vườn, thời gian 3 năm, với giá 5 triệu đồng/năm. Cuối tháng 8/2016, HTX đưa ong tới thì bị chính quyền địa phương ngăn cản. Bản thân chị được mời lên xã làm việc với nội dung chính là yêu cầu chấm dứt hợp đồng cho thuê vườn nuôi ong với HTX Phong Thổ.
Ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ, cho biết, huyện chỉ thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh. Việc làm này là để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người nuôi ong trong huyện. Nếu đúng là ong nội đủ các giấy tờ và được huyện đồng ý thì được nuôi, còn ong ngoại thì cấm hoàn toàn.
Theo ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ, cấm các đàn ong ngoại từ bên ngoài vào là để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người nuôi ong trong huyện.
Luật sư lên tiếng
Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết: “Căn cứ quy định pháp luật hiện hành có liên quan có thể thấy, theo Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp PTNT) quy định: “Các giống ong nội, các giống ong Ý và các tổ hợp lai của các giống ong trên thuộc giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”. Do vậy, việc UBND tỉnh Hà Giang, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang và UBND huyện Quảng Bạ ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Giang ngăn chặn, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn tỉnh Hà Giang để khai thác mật hoa, hay việc các chủ nuôi ong vận chuyển các đàn ong từ các địa phương ngoài tỉnh đến nuôi trên địa bàn các huyện phải được sự cho phép của UBND các huyện (nếu các chủ nuôi ong không đủ điều kiện nêu trên thì UBND huyện chỉ đạo UBND các xã và nghành chức năng yêu cầu chủ nuôi ong di dời hoặc trục xuất đàn ong ra khỏi địa bàn quản lý)… là không phù hợp và trái với quy định tại Thông tư số 25 /2015/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Theo ông Bình, Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đính chính nhưng phóng viên xin tiếp cận thì cán bộ đi vắng.
Không những vậy, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Hà Giang bảo vệ các hộ sản xuất, kinh doanh ong trên địa bàn tỉnh bằng cách “ngăn sông cấm chợ”, tạo ra sự phân biệt, đối xử đối với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh ong khác ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nuôi ong trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP và Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an thì việc đăng ký tạm trú, tạm vắng là quyền và nghĩa vụ của người đăng ký, khi công dân có thay đổi về chỗ ở và thực hiện việc đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan này (công an xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm phải tiếp nhận và giải quyết đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người đăng ký. “Do đó, việc một số UBND xã không thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng cho những người nuôi ong đến từ các địa phương khác là không đúng với quy định của pháp luật về đăng ký tạm trú, tạm vắng” , luật sư Hiển cho biết.
Để tạo sự công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nuôi ong, khuyến kích phát triển đàn ong, giải quyết việc làm, từng bước thoát nghèo, làm giàu, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và có chỉ đạo kịp thời để gỡ khó cho người nuôi ong.
Hoàng Văn - Hồng Nhung
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.