Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 2 năm 2016 | 1:31

Cẩm Xuyên phấn đấu trở thành huyện NTM

Nghị quyết Đại hội lần thứ XXXI huyện Cẩm Xuyên chỉ rõ: Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên không ngừng nỗ lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, trí tuệ, tạo bước đột phá trong phát triển, phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới và có các điểm đô thị phát triển.

Nhắc đến Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là nhắc đến các lợi thế vốn có như biển Thiên Cầm, hồ Kẻ Gỗ, những danh thắng đi vào lòng người, không chỉ bởi vẻ đẹp nên thơ mà hơn hết đó còn là biểu tượng cho sức mạnh chinh phục, chế ngự thiên nhiên của con người.

Ông Nguyễn Văn Ấn (Cẩm Quang) phấn khởi: “Xưa biển chỉ cho tôm, cho cá, nhưng nay biển còn biết vẫy gọi du khách đến làm giàu thêm cho quê hương. Xưa đồng khô, hạn hán, làm nông nghiệp chỉ được một mùa nhưng nay nhờ hồ Kẻ Gỗ, hệ thống kênh mương nội đồng nên bà con luôn chủ động được việc tưới tiêu”.

Vườn mẫu trong phong trào xây dựng NTM.

Để có được bức tranh khởi sắc hôm nay là công lao của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chiến lược phát triển vẫn là “đầu tàu” mang tính quyết định. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2050, huyện đã triển khai xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch NTM, phát triển Khu du lịch Thiên Cầm và du lịch sinh thái Kẻ Gỗ, cụm công nghiệp và khu vực hành chính Bắc Cẩm Xuyên; cụm thương mại - dịch vụ Nam Cẩm Xuyên; khu công nghiệp Cẩm Nhượng; hoàn thiện quy hoạch chung thị trấn Thiên Cầm, thị trấn Cẩm Xuyên và quy hoạch khu đô thị ven sông Hội…

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, ông Phạm Đăng Nhật cho biết: Lợi thế lớn nhất của Cẩm Xuyên là nông nghiệp. Bởi vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân thì phải tạo được bước đột phá trong lĩnh vực này. Huyện đã xây dựng và tập trung các giải pháp triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện hỗ trợ cơ chế, chính sách, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản; đổi mới hình thức sản xuất, tập trung phát triển các mô hình, thực hiện liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất theo cánh đồng lớn; thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất; liên doanh, liên kết với các công ty; hình thành liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX theo chuỗi giá trị như chăn nuôi lợn, bò, trồng rau - củ - quả trên cát...; tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xóa trà xuân sớm, xuân trung chuyển sang sản xuất trà xuân muộn… Cùng với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch,...

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, biết phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá và có chính sách “đỡ đầu” phù hợp, khơi dậy được sức dân nên Cẩm Xuyên đã hình thành rõ nét các vùng kinh tế. Vùng bán sơn địa phát triển chăn nuôi lợn, bò theo hướng trang trại, gia trại và vườn đồi; đồng bằng và trung du phát triển lúa chất lượng cao, chăn nuôi lợn tập trung, chuyên canh sản xuất rau màu; ven biển phát triển mạnh sản xuất rau - củ - quả, nuôi tôm trên cát công nghệ cao và đánh bắt hải sản xa bờ.

Trong 5 năm qua (2010-2015), giá trị sản xuất bình quân của Cẩm Xuyên tăng 11,41%/năm, riêng năm 2015 đạt 5.986 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2014. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 44,18% xuống còn 35,43%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 23,85% lên 26,86%; TM-DV, du lịch tăng từ 31,97% lên 37,71%. Thu nhập bình quân năm 2015 ước đạt 29 triệu đồng/người, tăng 2 lần so với năm 2010.

Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên  Đặng Quốc Cương cho biết: Để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXXI vào cuộc sống, Ban chấp hành Đảng bộ huyện tập trung bám sát tình hình của địa phương, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, đề ra chủ trương sát đúng, kịp thời, phù hợp, trong đó, tập trung cao cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, mũi đột phá; khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết, phát huy nội lực nhân dân, đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài.

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới; với tiềm năng và lợi thế, tin tưởng rằng, Cẩm Xuyên sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Công Lâm

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top