Buông lỏng quản lý khiến cho sai phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng phức tạp…, cử tri bức xúc phản ánh nhiều lần tới chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những phản ánh này dường như bị “bỏ ngỏ”.
Biến đất lâm nghiệp thành đất ở
Liên quan đến nhiều trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất rừng tại khu đồi Vạc, xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) nhưng không bị xử lý. Ông Đặng Văn Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hà Trung cho biết: Sau khi báo chí phản ánh thì chúng tôi đã yêu cầu UBND xã làm báo cáo giải trình. Báo chí có đề cập đến một số hộ dân xây dựng trên đất lâm nghiệp là đúng, trong quá trình quản lý sử dụng đất thì chính quyền địa phương vẫn có nhiều thiếu sót không thể tránh khỏi.
"Sau khi kiểm tra, rà soát lại thì chúng tôi được biết có 3 hộ họ đã đi lên đó xây nhà và sử dụng đất từ trước năm 1997, khu đất được cập nhật trong bản đồ địa chính và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Trong các công trình nói trên, có một hộ nhà ông Bình, ông này có thầu lại khu đồi khoảng hơn 10 ha để trồng trọt. Thời điểm đầu có làm cái nhà tạm để trông coi, thế nhưng đến năm 2017 thì xây một công trình lớn như báo nêu. Về trách nhiệm của UBND xã thì sau khi phát hiện sai phạm cũng đã lập biên bản, UBND huyện cũng có quyết định xử lý kỉ luật các cán bộ".
"Còn những trường hợp sai phạm khác, UBND huyện cũng yêu cầu xã trên cơ sở kết luận của huyện thống kê lại các trường hợp nào đã xây dựng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nếu trường hợp nào đang ở ổn định thì họ được đăng kí là đất thổ cư, tất nhiên các trường hợp đó phải phù hợp quy hoạch thì mới được cấp giấy chứng nhận. Trong trường hợp nếu họ được cấp giấy chứng nhận thì khi đó chúng tôi sẽ tăng cường quản lý tốt hơn", ông Thiện nhấn mạnh.
Như vậy, qua những câu trả lời nói trên của vị Trưởng phòng TN&MT huyện Hà Trung có thể thấy, hàng loạt công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về pháp luật đất đai nhưng vẫn không bị chính quyền cưỡng chế... Thay vào đó, để "hô biến" đất lâm nghiệp thành đất ở thì lại chọn giải pháp "sự đã rồi", người dân thích xây cứ xây, nếu phù hợp quy hoạch thì sẽ được cấp giấy chứng nhận là đất ở(?)
Trước thực trạng trên dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc chính quyền huyện Hà Trung đã vẽ ra quy hoạch, buông lỏng quản lý để người dân đến xây dựng tràn lan rồi hợp thức hóa cho sai phạm?
Liên quan đến những sai phạm nêu trên, nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt đưa tin phản ánh. Qua đó, người dân khu đồi Vạc, xã Hà Tân, nhiều năm qua, trên địa bàn xã có cả chục công trình nhà ở xây dựng kiến cố trái phép trên đất trồng rừng.
Theo đó, có đến cả chục công trình nhà kiên cố rộng hàng trăm m2 kèm theo các công trình phụ khác nằm rải rác tại khu sườn đồi Vạc. Đa phần các công trình đều được xây dựng trái phép từ vài năm trở lại đây, thậm chí có cả những công trình mới.
Ông N.V.T người dân tại đây cho biết: "Những năm trở lại đây, diện tích đất trồng rừng đang dần bị thu hẹp do nhiều hộ dân đã tự ý ra đây lấn chiếm, đổ đất, san lấp mặt bằng để xây dựng công trình nhà ở kiên cố".
"Họ thậm chí còn xây cả biệt thự, nhà vườn, quây tường quanh khu đất để làm nhà ở riêng biệt. Tại địa bàn xã Hà Tân thì tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp, đất trang trại đang diễn ra rất nhiều nhưng không hiểu sao chính quyền sở tại không ra tay xử lý cưỡng chế dứt điểm. Phải chăng sự việc này đang được chính quyền cố tình làm ngơ?", ông T bức xúc cho biết thêm.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Chung - Chủ tịch UBND xã Hà Tân thừa nhận, hàng loạt công trình xây dựng theo phản ánh của người dân nói trên là hoàn toàn đúng. Các công trình này trước đây dựng trái phép chúng tôi đã lập hồ sơ vi phạm hoàn thiện thủ tục để người dân họ nộp tiền đất đai theo quy định.
"Khu đất đó là đất trồng rừng nằm gần trong khu vực quy hoạch đất ở. Các cán bộ như Phó chủ tịch xã và địa chính do để xảy ra vi phạm nói trên đều bị xử lý kỷ luật từ năm 2017. Thời điểm đó tôi vẫn đương nhiệm, bản thân tôi cũng phải chịu trách nhiệm nhưng chưa tới mức phải xử lý kỷ luật", ông Chung nhấn mạnh.
Hà Nội: Nhức nhối tình trạng “cán bộ” quản lý đất nông nghiệp kiểu “hời hợt”?
Những năm qua, đất nông nghiệp tại phường Quảng An (quận Tây Hồ) bị "xà xẻo" một cách không thương tiếc. Vai trò giám sát, quản lý của chính quyền địa phương chưa nghiêm minh đã tác động tiêu cực tới quy hoạch Thủ đô.
Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.
Đến đầu năm 2020, UBND TP Hà Nội tiếp tục có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. “Thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành. Báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 30/4/2020”, công văn ghi rõ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Quảng An (quận Tây Hồ) vẫn tồn tại một cách "bất minh".
Theo chân người dân phường Quảng An, PV được đưa đến các địa chỉ: Số 48/52 Tô Ngọc Vân; 56 Tây Hồ... tại những địa chỉ này là sân bóng được trải thảm cỏ nhân tạo và xây dựng các công trình phụ trợ kiên cố đã đi vào hoạt động từ năm 2019.
Ngày 25/5/2020, ghi nhận thực tế sân bóng vẫn được hoạt động bình thường với mức phí 800.000 đồng/ 1 trận (90 phút). Người dân cho biết, ngoài việc cho thuê đá bóng tại đây còn nhận trông giữ xe qua đêm.
Nổi cộm trong những sai phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại nhiều năm phải kể đến khu dân cư tại ngách số 6 - 6A; số 37 Đường Hoa. Dù thuộc quỹ đất nông nghiệp nhưng cụm cư dân đã được hình thành cả chục năm nằm sát với hành lang thoát lũ đê sông Hồng. Loạt nhà ở xây dựng theo thiết kế nhà cấp bốn, xung quanh quây tôn xanh nhằm che giấu những bức tường bê tông cốt thép được xây chắc chắn.
Đặc biệt, khu dịch vụ có tên Nhà hàng "The 100" tại số 68 Đường Hoa được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại phố Đường Hoa, đã tồn tại nhiều năm. Chị N.H - người dân sinh sống tại khu vực này cho biết: "Nhà hàng The 100 luôn hoạt động đến đêm muộn, chủ yếu là giới trẻ và khách nước ngoài. Thường họ mở nhạc rất lớn, ồn ào, nằm trên đất nông nghiệp nhưng từ khi xây dựng tới lúc hoạt động đã nhiều năm mà vẫn thấy hoạt động bình thường...".
Tiếp tục ghi nhận tại Tổ 1 cụm 18 đường Quảng Bá thì tại đây những nhà kho, nhà hàng, nhà ở được xây dựng trên nền đất nông nghiệp mọc lên san sát. Tại đây, cư dân cho biết việc xây dựng nhà ở, nhà xưởng, nhà hàng, khu vui chơi dịch vụ đều được "làm luật". Tuỳ theo diện tích đất sử dụng để làm giá.
Một người dân cho biết: "Nhà tôi làm đến giờ cũng không có giấy tờ nhưng để xây được nhà kiểu cấp bốn. Đất nông nghiệp ở bãi, cụm nào cũng đều có luật".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.