Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 8 năm 2019 | 15:30

Cần sớm giải quyết tranh chấp tại Khu nhà ở Hancom

Cư dân khu nhà ở Hancom thuộc địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ (TP Hà Nội) và nhóm bảo vệ của chủ đầu tư tòa nhà xảy ra “tranh chấp” phần diện tích khu để xe ô tô ở tầng hầm.

Vì sao xảy ra tranh chấp?
 
Khu nhà ở Hancom nằm trên địa bàn phường Xuân La, do Công ty CP Đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội (Hancom), nay đổi tên là Công ty CP Đầu tư xây dựng Nhật Dương Group (Công ty Nhật Dương Group), xây dựng và hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ năm 2010.
 
Trong quá trình sinh sống tại Hancom, một số cư dân phường Xuân La phản ánh về một số bất cập đang diễn ra tại khu nhà này.
 
Cụ thể, vào giữa năm 2018, người dân cho rằng, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Hancom đã tiến hành xây dựng trái phép khu sân thượng để làm trụ sở văn phòng, chủ đầu tư cũng cho người vào đòi quyền quản lý diện tích trông giữ xe ô tô tại tầng hầm khu nhà.
 
Bên cạnh đó, cư dân cũng cho biết, mặc dù tòa nhà đã đi vào hoạt động gần 10 năm nay nhưng chủ đầu tư chưa lập ban quản trị và bàn giao tiền quỹ bảo trì lại cho cư dân.
hancom.jpg
Cư dân căng băng rôn kêu cứu tại khu nhà ở Hancom. (Ảnh: Hữu Thắng)
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có buổi làm việc với ông Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Công ty Nhật Dương Group. Tại đây, ông Minh xác nhận có việc cư dân phản ánh về những nội dung trên, tuy nhiên, ông Minh cho biết, bản chất sự việc không hoàn toàn như người dân nói.
 
Cụ thể, trước thông tin một số người dân phản ánh về việc chủ đầu tư đã cải tạo tầng 16 thành văn phòng làm việc, ông Minh cho biết, trước đây trong bản thiết kế kiến trúc được phê duyệt cho dự án Khu nhà ở Hancom, khu vực tầng 16 là khu sân vườn của các căn hộ tầng 15.
 
Tuy nhiên, do thời điểm và vị trí đó bán nhà rất khó khăn nên chủ đầu tư không xây mà để trống. Năm 2014, chủ đầu tư có xin chuyển đổi thành khu căn hộ và đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 1546/UBND-QHXDGT ngày 06/03/2014. Nhưng sau đó, xét thấy việc chuyển đổi thành văn phòng công ty hợp lý hơn sẽ giảm lượng cư dân sinh hoạt và ra vào tòa nhà nên chủ đầu tư đã sửa thành khu văn phòng. Tuy nhiên, có một số cư dân không đồng tình vì việc cải tạo chưa được cấp phép xây dựng nên công ty đã ngừng làm việc tại khu vực tầng 16 kể từ ngày 18/3/2019 đến nay.
 
Hiện tại, công ty đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục hồ sơ việc cải tạo tầng tum thành tầng 16 theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và Sở Xây dựng Hà nội cùng một số sở, ban ngành liên quan.
 
Còn về việc thành lập ban quản trị và bàn giao quỹ bảo trì, ông Minh cho biết, thời điểm hiện tại cư dân khu nhà ở Hancom đã có ban quản trị do cư dân bầu ra, ngày 14/01/2019, Công ty Nhật Dương Group và Ban quản trị Khu nhà Hancom đã họp và thống nhất phương án tính giá trị kinh phí bảo trì Khu nhà Hancom áp dụng theo lãi suất của Ngân hàng Techcombank và theo tỷ lệ 10% gửi lãi suất không kỳ hạn, 20% gửi lãi suất 06 tháng và 70% gửi 12 tháng.
 
Trên cơ sở đó, Công ty CP Đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội đã lập bảng tính giá trị kinh phí bảo trì Công ty phải bàn giao cho Ban Quản trị Khu nhà Hancom quản lý là 5.117.273.317 đồng. Phương án này đã được kế toán Công ty gửi cho Ban Quản trị Khu nhà Hancom và Công ty đã chuyển khoản vào tài khoản của Ban quản trị Khu nhà Hancom 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng).
 
Số tiền quỹ bảo trì còn lại Công ty sẽ bàn giao nốt cho Ban Quản trị Khu nhà Hancom sau khi đã trừ đi các khoản thanh toán bảo trì trong thời gian từ khi bàn giao cho Ban Quản trị (từ ngày 01/4/2019) đến nay.
văn-bản-số-5780-của-sở-xây-dựng-tp-hà-nội.jpg
Văn bản số 5780 của Sở Xây dựng TP Hà Nội.
 
“Vừa qua, Sở Xây dựng TP Hà Nội có Văn bản số 5780 cho biết, diện tích để xe ô tô tại tầng hầm khu nhà ở Hancom thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư. Vì thế, Công ty Nhật Dương Group đã nhiều lần làm thông báo gửi tới Ban quản trị khu nhà ở Hancom và cư dân yêu cầu bàn giao quyền quản lý diện tích để xe ô tô tại tầng hầm khu nhà ở Hancom cho chủ đầu tư quản lý bắt đầu từ ngày 1/8”, ông Minh cho biết thêm.
 
Tuy nhiên, sau nhiều lần thông báo, khi chủ đầu tư cho đơn vị bảo vệ của mình vào tiếp quản diện tích tầng hầm để xe ô tô đã không nhận được sự phối hợp của Ban quản trị và một số cư dân, dẫn đến việc thời điểm hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa thể tiếp quản, quản lý tài sản của mình.
 
“Chúng tôi vô cùng bức xúc về việc này, diện tích để xe ô tô tại tầng hầm là tài sản riêng của chủ đầu tư đã được khẳng định rõ tại Văn bản số 5780 của Sở Xây dựng Hà Nội. Nếu cư dân không đồng ý có thể khởi kiện lên tòa án chứ không thể ngăn cản chủ đầu tư quản lý tài sản của mình một cách vô lý như thế, đây là việc làm trái với quy định của pháp luật. Nói thêm về việc này, chúng tôi đã miễn phí 6 tháng để xe ô tô cho cư dân khi tiếp quản và tạo mọi ưu đãi cho cư dân. Các ô để ô tô vẫn như cũ, sau 6 tháng chúng tôi cũng chỉ thu phí để để ô tô như giá hiện cư dân đang đóng cho Ban quản trị (và là giá cũ của Công ty Hancom trước khi Ban quản trị Khu nhà Hancom được thành lập) ", ông Minh nói.
 
Xảy ra xung đột
 
Trong khi những tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân khu nhà ở Hancom vẫn chưa có hồi kết thì mới đây, Báo Kinh tế nông thôn lại nhận được phản ánh của ông Trần Văn Quản, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Đức Tín (Công ty Đức Tín) về việc một số cư dân khu nhà ở Hancom đã uy hiếp tinh thần các bảo vệ của công ty và có nhiều lời lẽ lăng mạ.
 
“Công ty Đức Tín có ký hợp đồng với Công ty Nhật Dương Group về việc trông giữ, đảm bảo an ninh tại diện tích để xe ô tô tầng hầm khu nhà ở Hancom.
 
Theo như điều khoản hợp đồng, ngày 1/8, Công ty Đức Tín đã cho lực lượng tiếp quản, làm nhiệm vụ tại khu tầng hầm khu nhà ở Hancom”.
 
Tuy nhiên, một số cư dân và Ban quản trị đã có những động thái phản đối và đuổi lực lượng bảo vệ của Công ty Đức Tín ra khỏi khu vực tầng hầm.
 
Chúng tôi được Công ty Nhật Dương Group thuê để trông giữ xe ô tô của cư dân, chúng tôi đến đây là trông giữ tài sản cho họ. Nhưng không hiểu vì sao những người này lại phản đối việc này. Tôi thấy, việc này chỉ là chủ đầu tư chỉ thay Ban quản trị trông giữ cho họ theo Văn bản số 5780/SXD-QLN là hợp pháp, và mọi việc vẫn như cũ.  Phản đối việc này tôi chỉ thấy có một nhóm người (khoảng 10 gia đình) hay xuống cản trở và gây mất an ninh trật tự”, ông Quản cho biết.
 
Đỉnh điểm của sự việc vào khoảng 23 giờ ngày 7/8, khi nhân viên bảo vệ của Công ty Đức Tín đang làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ diện tích để xe tại tầng hầm khu nhà ở Hancom thì xuất hiện Ban quản trị tòa nhà cùng một số cư dân xuống chửi bới, đuổi nhân viên bảo vệ  ra khỏi tầng hầm. Khi nhân viên của Công ty Đức Tín cố bám trụ công việc được giao thì một số cư dân xô đẩy, giật và đập vỡ 2 chiếc điện thoại.
 
Trước tình hình trên, Công ty Đức Tín đã phản ánh và Công an phường Xuân La, Công an quận Tây Hồ cho lực lượng xuống ghi nhận sự việc.
 
Thông tin qua điện thoại, ông Đỗ Doanh Chiến, Trưởng Công an phường Xuân La  xác nhận có sự việc xảy ra tại khu nhà ở Hancom. Về việc này, ông Chiến cho biết, phường đã làm báo cáo gửi lên Công an quận Tây Hồ, tuy nhiên, sự việc đang trong quá trình tìm hiểu và làm việc nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
 
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng TP. Hà Nội cần sớm vào cuộc giải quyết mâu thuẫn tại Khu nhà ở Hancom nhằm nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật của cả phía chủ đầu tư cũng như cư dân khu nhà ở Hancom, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin!
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top