KTNT- Chỉ có 175m2, giá trị khoảng vài chục triệu đồng, nơi được coi là "khỉ ho, cò gáy" - ấp Hậu Thành, xã Hoà Long (nay là xã Tân Dương), huyện Lai Vung nhưng đã hơn 30 năm, UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa giải quyết xong. Mặc dù, cấp xã, cấp huyện và Thanh tra Chính phủ đã có văn bản giải quyết theo hướng căn cứ vào sổ mục kê, sổ địa chính... để làm cơ sở giải quyết nhưng UBND tỉnh lại căn cứ vào "hiện trạng". Vậy, vì sao UBND tỉnh lại cố tình căn cứ vào "hiện trạng", thực hiện trái với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng và liệu có "tiêu cực" trong quá trình giải quyết tranh chấp?
"Thiên vị" trong cách giải quyết
Trong căn nhà gỗ đơn sơ được dựng từ những năm 1960, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ làm cột kèo xiêu vẹo, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Màng, 68 tuổi, được người cha là ông Nguyễn Thế Hưng "kế thừa" công cuộc tìm kiếm công lý. Chặng đường 33 năm cho 175m2 đất, cái "mất" giờ đã gấp nghìn lần cái "được" nhưng bà Màng vẫn quyết tâm theo vụ việc đến cùng, bởi bà cho rằng: "Sự thật cuối cùng vẫn là sự thật, hàng trăm người dân ở cái ấp này cũng đều tin tưởng vào sự thật một ngày nào đó sẽ được làm sáng tỏ".
30 năm "mòn mỏi" đi tìm công lý của gia đình bà Màng.
Bên cạnh hộ bà Màng là gia đình ông Võ Văn Nhu, khi chúng tôi đến, các bản nhạc "sàn" đang được mở hết công suất, phần đất tranh chấp với bà Màng từ năm 1980 đã được con ông cho dựng nhà kiên cố. Gia đình ông Nhu không ai đoái hoài đến sự xuất hiện của chúng tôi. Một vài hàng xóm cho biết, ông Nhu có một người con là Việt kiều Mỹ và một người con khác là doanh nhân buôn bán vải sợi nên kinh tế khá giả nhất vùng.
Bà Màng cho biết, thửa đất của gia đình có nguồn gốc do ông Nguyễn Văn Sỏi (ông nội ông Hưng) để lại đến nay là 04 đời sử dụng liên tục, đã được UBND huyện Lai Vung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01769/QSDĐ/62 ngày 10/10/1996 với tổng diện tích là 6454m2. Tại phần tiếp giáp với thửa đất nhà ông Nhu (phía tây thửa đất) ông của bà Màng có đào một con mương rộng hơn 04m để thuận tiện cho việc sử dụng ghe xuồng ra vào. Do ranh đất xéo, ông của bà Màng còn để chừa lại một phần diện tích đất hình tam giác với diện tích 175m2 (phía bên kia mương, liền kề phần đất ông Nhu).
Năm 1980, bố bà Màng đem bán cây bằng lăng thì ông Nhu ngăn cản và khiếu kiện, năm 1987 ông Nhu lại khiếu kiện tiếp đòi quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất 175m2. Sự việc trở lên căng thẳng khi ông Nhu ngang nhiên đốn hai bụi trúc của gia đình bà Màng trồng trên diện tích đất 175m2 năm 1991.
Ngày 28/9/1993, gia đình ông Hưng và ông Nhu lập biên bản hoà giải, do đó hai bên thống nhất vào biên bản đo đạc (phía cạnh sát đường lớn, diện tích đất ông Hưng dài 40m, phía ông Nhu dài 37,5m).
Ngày 23/11/1993, UBND xã Hoà Long có Thông báo số 136/TB.UB về việc giải quyết tranh chấp giữa ông Nhu và ông Hưng với nội dung: "Căn cứ vào biên bản đo đạc ngày 15/10/1993... quy định cho ông Nhu thời gian 01 tháng phải có giấy tờ đối chứng và đo đạc lại diện tích đôi bên. Nay đã quá thời hạn quy định, UBND xã Hoà Long gia hạn cho ông Nhu đến ngày 30/11/1993 phải dẹp xong toàn bộ số cây trồng, phần đất giao lại cho ông Hưng. Hết thời hạn trên, ông Hưng được quyền dẹp số cây trên, phần đất giao lại cho ông Hưng...".
Căn cứ vào biên bản giải quyết của UBND xã Hoà Long, UBND huyện Lai Vung ra Quyết định số 91/QĐ-UB-NĐ ngày 11/08/1994 công nhận kết quả hòa giải (tức phần đất 175m2 thuộc phần đất ông Hưng quản lý, sử dụng). Đến ngày 10/10/1996, UBND huyện Lai Vung cấp Giấy CNQSDĐ cho gia đình ông Hưng với diện tích 6.454m2.
Sau đó, gia đình ông Nhu "lật kèo" và tiếp tục khiếu nại, ngày 04/9/1999, UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 469/QĐ-UB-NĐ hủy bỏ Quyết định số 91/QĐ-UB-NĐ của UBND huyện Lai Vung.
Bà Màng tiếp tục khiếu nại, ngày 06/09/2002, UBND tỉnh Đồng Tháp ra tiếp Quyết định số 421/QĐ-UB-NĐ với nội dung hủy các Quyết định 91/QĐ-UB-NĐ của UBND huyện Lai Vung và Quyết định số 469/QĐ-UB-NĐ của UBND tỉnh Đồng Tháp, giữ nguyên hiện trạng ranh giới đất giữa hai hộ đã có sẵn trước khi xảy ra tranh chấp, công nhận toàn bộ diện tích 175m2 đất và toàn bộ phần bờ mương thuộc hộ gia đình ông Nhu và thực hiện việc cưỡng chế cây cối, hoa mầu.. của gia đình bà Màng.
Tuy đang tranh chấp nhưng chính quyền vẫn để gia đình ông Nhu xây nhà kiên cố.
"Bỗng dưng" được tăng hàng nghìn mét vuông đất
Gia đình bà Màng tiếp tục khiếu nại Quyết định số 421, ngày 31/01/2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có Văn bản số 618/VPCP-V.II chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Ngày 03/12/2007, Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 2596/KL-TTCP khẳng định: Việc gia đình bà Màng tiếp tục khiếu nại quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp là có cơ sở vì việc giữ nguyên hiện trạng đất có sẵn của hai gia đình trước khi tranh chấp tại Quyết định số 421/QĐ-UB-NĐ ngày 06/09/2002 của UBND tỉnh Đồng Tháp nhưng chưa ghi rõ giữ nguyên hiện trạng đất được thể hiện trong sổ mục kê, sổ địa chính và bản đồ giải thừa của gia đình bà Màng và gia đình ông Nhu đang lưu trữ tại UBND xã Tân Dương và UBND huyện Lai Vung; chưa giải quyết hậu quả của việc ông Nhu cưa, chặt các cây ăn quả, cây lấy gỗ và hoa mầu trên phần đất sử dụng hợp pháp của gia đình bà Màng, gây thiệt hại cho gia đình bà Màng về kinh tế do Quyết định số 469/QĐ-UB-NĐ ngày 04/09/1999 của UBND tỉnh Đồng Tháp gây nên.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Tháp xử lý theo hướng: Xác định phần đất tranh chấp giữa hai gia đình bà Nguyễn Thị Màng và ông Võ Văn Nhu trên cơ sở sổ mục kê, sổ địa chính và bản đồ địa chính đang lưu giữ tại UBND xã Tân Dương và UBND huyện Lai Vung. Khắc phục bồi thường hậu quả, bồi thường thiệt hại cây cối, hoa mầu cho gia đình bà Màng.
Ngày 04/1/2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có Văn bản số 55/VPCP-V.II đồng ý với nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trương phòng Tiếp dân của UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tổ chức một buổi đối thoại giữa bà Màng và Chủ tịch UBND tỉnh.
Mặc dù, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận rất rõ ràng những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp đất, tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Tháp không những không giải quyết theo đúng chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ, kết luận của Thanh tra Chính Phủ mà có Văn bản số 33/UBND-NC ngày 05/5/2010 cho rằng, sổ mục kê lưu tại UBND xã Tân Dương, UBND xã Hoà Long, UBND huyện Lai Vung không thống nhất với nhau. UBND tỉnh cho rằng, trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ của gia đình ông Hưng không thể hiện hồ sơ, chỉ cấp theo đơn đăng ký của ông Hưng; theo bản đồ lưới toạ độ, ông Hưng đang sử dụng là 5.438m2, do đó UBND tỉnh suy diễn diện tích 6.454m2 ghi trong sổ mục kê của UBND xã Tân Dương và sổ đỏ do UBND huyện Lai Vung cấp cho ông Hưng là không đúng thực tế. Trong khi đó, gia đình ông Nhu chưa được cấp sổ đỏ, sổ mục kê ghi là 5.900m2 nhưng trên bản đồ lưới toạ độ lại lên 7.109m2.
Như vậy, UBND tỉnh một mặt không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, mặt khác lại chưa làm rõ được vì sao phần đất ông Hưng (bà Màng) thiếu (1.016m2) so với diện tích được cấp giấy chứng nhận và ông Hưng lại tăng (1.209m2) so với diện tích được ghi trong sổ mục kê. UBND tỉnh tiếp tục giữ nguyên quan điểm giải quyết theo "hiện trạng", phớt lờ cơ sở pháp lý là sổ địa chính, sổ mục kê...
Do không làm rõ được bản chất thừa, thiếu và căn cứ pháp lý giải quyết tranh chấp nên UBND tỉnh đã vội vàng chỉ đạo UBND huyện Lai Vung thu hồi sổ đỏ (cấp năm 1996) để cấp lại sổ mới cho bà Màng (thiếu 1.016m2). Như vậy, UBND tỉnh đang cố tình hợp thức hoá cho việc lấn chiếm và diện tích bất ngờ tăng của gia đình ông Nhu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Hải Ninh
KTNT