Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 7 năm 2018 | 13:49

Cần tăng cường kiểm tra để hạn chế lợn nhập lậu

Những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng mạnh, nhiều nơi tại miền Bắc đã đạt kỷ lục mới - 55.000 đồng/kg. Giá lợn trong nước ở mức cao, cần đề phòng và “siết” nạn lợn nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào.

 

tr7.jpg
Vận chuyển cung cấp lợn thương phẩm cho thị trường tại Quảng Ninh. Ảnh: Vũ Sinh

 

Giá lợn tăng cao, đạt mức kỷ lục mới

Theo thông tin từ các địa phương, giá lợn hơi ngày 18/7 tăng khoảng 500 - 3.000 đồng/kg từ miền Bắc tới miền Nam, miền Bắc chính thức xác lập mức kỷ lục mới 55.000 đồng.

Cụ thể, giá lợn hơi tại Bắc Giang và Hưng Yên tăng thêm 1.000 đồng/kg và đạt ngưỡng 55.000 đồng/kg. Các địa phương khác như Hải Dương cũng tăng 1.000 đồng lên 54.000 đồng/kg; Hà Nam, Nam Định tăng ít hơn, khoảng 500 đồng, lên 53.500 đồng/kg. Hiện, giá lợn hơi tại miền Bắc đang được thu mua ở mức rất cao, dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.

Với đà tăng phục hồi tại miền Bắc đã giúp kéo giá lợn tại các tỉnh lân cận ở miền Trung lên theo. Tính chung toàn khu vực miền Trung, giá lợn hơi giao dịch trong khoảng 43.000 - 53.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, hiện giá lợn hơi được bán dao động trong khoảng 43.000 - 48.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với trước. Bên cạnh đó, các công ty chăn nuôi lớn ở miền Nam cũng cho biết, sẽ tăng giá lợn hơi thêm 500 đồng/kg, vì vậy, đà tăng tại khu vực có thể sẽ vẫn được duy trì.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông – Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, đúng là trong thời gian qua, giá lợn hơi có tăng cao. Nguyên nhân không phải là do nhu cầu của thị trường tiêu thụ tăng cao, không phải do chúng ta xuất khẩu được nhiều thịt lợn mà do hậu quả của việc bỏ đàn kéo dài của năm trước đó (năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục khiến người chăn nuôi kiệt quệ không dám tái đàn lớn).

Theo ông Chiến, người chăn nuôi không hề muốn giá lợn tăng cao một cách bất thường mà chỉ mong muốn có một giá thật hợp lý và duy trì ổn định, đảm bảo chi phí đầu vào, chi phí sản xuất chăn nuôi với giá thực tế của thị trường đến tay của người tiêu dùng.

Rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Mới đây, Việt Nam có doanh nghiệp công bố xuất khẩu thành công thịt lợn sang thị trường Malaysia, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTTNT Vũ Văn Tám  khẳng định rằng, đây là tin vui và tín hiệu tốt cho ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, dưới góc độ quy mô của một HTX chăn nuôi, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, ông Trần Văn Chiến cho biết, số lượng thịt lợn xuất khẩu sang thị trường này rất nhỏ, chỉ như muối bỏ bể, vì để xuất khẩu sang thị trường các nước, đòi hỏi phải có những điều kiện rất khắt khe, những điều kiện này không dành cho các hộ chăn nuôi cá thể, các HTX mà chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn.

Theo ông Chiến, để khắc phục được những hạn chế và bất cập cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, đối với các hộ chăn nuôi lợn cá thể, các HTX, các doanh nghiệp nhỏ, để ổn định thị trường trong nước, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, các ngành chức năng trong việc hỗ trợ để ngành chăn nuôi phát triển.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cho các HTX, các doanh nghiệp nhỏ trong ngành chăn nuôi lợn được cấp đất, hoặc quy hoạch các vùng chăn nuôi lợn trên từng địa bàn để thuận tiện trong việc phát triển sản xuất. Hiện nay, đối với HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, do không có đất để xây dựng trang trại chăn nuôi nên các cơ sở không tập trung, rất khó cho việc quản lý, chăm sóc đàn lợn.

“Đối với ngân hàng, cần phải có chính sách ưu đãi riêng cho các HTX, các doanh nghiệp nhỏ, các hộ chăn nuôi cá thể, để các đối tượng này được vay dài hạn hơn, lãi suất thấp hơn để bảo toàn được đàn lợn trong mọi biến động của thị trường. Thời gian vừa qua, Nhà nước đã có chính sách cho vay để phát triển chăn nuôi, nhưng những điều kiện và thủ tục cho vay vẫn còn nhiều bất cập. Mặt khác, việc các hộ chăn nuôi cá thể và các HTX, doanh nghiệp nhỏ chưa đủ độ tin cậy đối với ngân hàng, nên nguồn vốn cho vay không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất”, ông Chiến chia sẻ.

Điều ông Chiến trăn trở nhất là việc thống nhất tổ chức quản lý các doanh nghiệp, các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y để bảo đảm làm sao cho người chăn nuôi không bị chi phối nhiều, bởi lẽ việc giá thành của các loại hàng hóa này sẽ quyết định giá cả thịt lợn trên thị trường, quyết định đến lợi nhuận cho người chăn nuôi, các HTX và doanh nghiệp nhỏ. Kiểm soát được giá cả thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng là tạo điều kiện để cho ngành chăn nuôi phát triển và ổn định được giá cả thịt lợn trên thị trường.

“Siết” nạn nhập lậu lợn Trung Quốc tuồn vào trong nước

Do sự chênh lệch giữa giá thịt lợn trong nước và Trung Quốc lên đến hơn 10.000 đồng/kg, vì vậy, các đối tượng buôn lậu đã nhập lợn qua đường tiểu ngạch đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ từ bên kia biên giới tuồn vào.

Đơn cử, ngày 3/7, Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với công an huyện Đình Lập (Lạng Sơn) phát hiện 2 xe ô tô BKS 12C-050.46 và 12C-074.54 đang vận chuyển 18 con lợn thịt, tổng trọng lượng hơn 3 tấn nhập lậu từ hướng biên giới xã Bắc Xa (huyện Đình Lập).

Hai ông Lộc Văn Xuân (trú tại xã Bính Xá, huyện Đình Lập) và ông Trần Văn Hải (trú tại huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) là chủ số hàng trên đã khai nhận toàn bộ số lợn sống trên được mua của một số người dân Trung Quốc, sau đó vận chuyển qua các đường mòn biên giới về Việt Nam.

Trước đó vào đầu tháng 6, cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ một xe ô tô vận chuyển 13 con lợn còn sống với tổng trọng lượng trên 1,5 tấn. Đáng chú ý, ngoài trọng lượng của từng con lợn nhập lậu rất lớn, trên tai mỗi con lợn đều có đánh mã số bằng chữ Trung Quốc.

Không chỉ Lạng Sơn, từ đầu tháng 5 lại đây, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng liên tục bắt giữa các vụ vận chuyển trái phép thịt lợn, lợn sống và lợn giống từ Trung Quốc về Việt Nam.

Để hạn chế và không để thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam qua con đường tiểu ngạch và không làm ảnh hưởng đến nền chăn nuôi của Việt Nam và giúp ổn định được thị trường, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục Trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Hiện nay, giá lợn hơi trên thị trường trong nước đang ở mức cao, chính vì vậy, thịt lợn Trung Quốc có giá rẻ hơn  đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch, vì vậy, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra kiểm soát, đặc biệt ở những địa điểm giáp biên gới, thuận tiện cho việc vận chuyển lợn sang Việt Nam đưa vào nội địa tiêu thụ. Hạn chế nhập khẩu lợn từ Trung Quốc, tịch thu và bắt giữ những đối tượng vận chuyển lợn thịt vào Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và được phép của các cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu.

Thị trường chăn nuôi lợn chưa ổn định, kéo theo là tình trạng nhập lậu cần được kiểm soát chặt, khiến người chăn nuôi như đứng giữa ngã ba đường. Song, các chuyên gia trong ngành vẫn khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn để tránh rơi vào “vết xe đổ”. Người chăn nuôi nên cân nhắc việc tái đàn, tránh ồ ạt và cần luân phiên đa dạng lứa tuổi lợn để tránh việc xuất đàn cùng thời điểm, đồng thời hướng đến chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững.

 

 

 

 

Phạm Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top