Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc, vượt sông Lô, nối liền phường Nông Tiến sang phường Hưng Thành của tỉnh Tuyên Quang có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, UBND TP Tuyên Quang đã ban hành hai quyết định, gồm: Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 15-11-2017 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất GPMB xây dựng công trình cầu Tình Húc, địa phận phường Nông Tiến (sau đây gọi là Quyết định 450); Quyết định số 547/QĐ-UBND ngày 31-12-2017 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất GPMB xây dựng công trình cầu Tình Húc, địa phận phường Hưng Thành và xã An Tường (sau đây gọi là Quyết định 547).

Trong đơn khiếu nại gửi Báo Quân đội nhân dân, ông Trung trình bày: Theo Quyết định 450 của UBND TP Tuyên Quang, ông bị thu hồi 2.151,6m2 đất ông thuê của UBND phường Nông Tiến và 2.754,5m2 đất do gia đình ông khai phá. Ông chỉ nhận được tiền bồi thường vật kiến trúc và hoa màu mà không được bồi thường thu hồi đất do gia đình ông khai phá. Việc này khiến gia đình ông thiệt hại nặng nề do đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của.

Cần xem xét thấu đáo quyền lợi chính đáng của người dân bị thu hồi đất

Dự án xây dựng cầu Tình Húc đang được thi công.

Về nguồn gốc đất của mình, theo các tài liệu và trình bày của ông Trung: Diện tích mà Nhà nước thu hồi 2.754,5m2 của gia đình ông nằm trong tổng diện tích khoảng 20.000m2 do bố mẹ ông khai phá năm 1988, không có tranh chấp, có xác nhận của ông Ma Văn Ấu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nông Tiến; ông Trần Văn Chí, nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Nông Tiến; ông Nguyễn Chí Thuật, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nông Tiến từ năm 1994 đến 1999. Tại các biên bản lấy ý kiến nhân dân về nguồn gốc sử dụng đất của gia đình ông (có xác nhận của UBND phường Nông Tiến), các ban, cán bộ xã qua các thời kỳ, các hộ liền kề, người dân trong khu vực đều xác nhận đó là đất do gia đình ông Trần Văn Quỳnh (bố đẻ ông Trung) khai phá, sử dụng ổn định từ năm 1988 đến nay. Đối với diện tích này chỉ là do ông chưa đăng ký kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và chưa được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, các hộ liền kề cùng nguồn gốc đất như hộ ông Đặng Hữu Hồng, hộ bà Đinh Thị Chuyền đã được cấp GCNQSDĐ. “Gia đình tôi đã sử dụng đất ổn định từ năm 1988 đến nay, không có tranh chấp, đóng đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Nhà nước thu hồi đất làm cầu tôi nhất trí, nhưng phải bồi thường về đất cho gia đình tôi theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ”, ông Trung cho biết.

Về diện tích 2.151,6m2 thuê của phường Nông Tiến, theo ông Trung, trong số này chỉ có khoảng 1.500m2 là đất ông thuê của phường, còn lại 651,6m2 là đất do gia đình ông khai phá. Diện tích thuê này ông đã phải cải tạo, thau chua, chống xói mòn, xâm thực, đổ phù sa… Trên  diện tích đất đó ông đã trồng nhiều loại cây ăn quả, như cam, bưởi. “Gia đình tôi đã phải bỏ ra chi phí rất lớn để cải tạo, phục hóa đất, thời hạn thuê đất chưa hết, cây trồng đến năm thu hoạch thì phải phá bỏ. Chi phí đầu tư vào đất, cải tạo đất thì gia đình tôi xứng đáng được hưởng khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo Điều 76, Luật Đất đai năm 2013. Trong khi, theo Quyết định 450 thì đối tượng được hưởng chi phí hỗ trợ đất lại là UBND phường Nông Tiến, điều này không đúng”, ông Trung nhấn mạnh.

Sau khiếu nại của ông Trung, ngày 23-4-2018, Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang ban hành Quyết định số 1039/QĐ-UBND bác toàn bộ khiếu nại của ông Trần Việt Trung.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Nho, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Tuyên Quang lý giải: Phần đất 2.754,5m2 mà Nhà nước thu hồi của ông Trung là đất bồi ven sông nên không được bồi thường. Phần đất 2.151,6m2 mà ông Trung thuê của phường Nông Tiến thì ông Trung không có hồ sơ, chứng từ chứng minh việc đầu tư cải tạo đất.

Sự bất nhất trong các quyết định thu hồi đất

Ông Dương Văn Thìn, Chủ tịch UBND phường Nông Tiến trong buổi trao đổi với chúng tôi khẳng định: Tại dự án cầu Tình Húc, ngoài phần đất thuê của phường còn có phần đất của gia đình ông Trung. Phần đất này gia đình ông Quỳnh (bố ông Trung) đã sử dụng từ nhiều năm trước. Ông Thìn cũng cung cấp cho chúng tôi một số thông tin về quá trình quản lý đất của phường đối với gia đình ông Quỳnh, sau này là ông Trung, trong đó có sổ Mục kê đất.

Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, ông Trần Việt Trung đã khởi kiện ra tòa. Ngày 18-7-2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có Bản án số 04/2019/HC-ST bác yêu cầu khởi kiện của ông Trung. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Trung đã đưa ra rất nhiều chứng cứ nhưng chưa được tòa xem xét, như: Xác minh giá trị còn lại của đất bị thu hồi; xác minh cách đây nhiều năm, đoàn làm phim "13 nữ tù" đã về quay phim tại rặng tre gia đình ông (để khẳng định đất gia đình ông đã có từ rất lâu). Đặc biệt, tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trung đã cung cấp hai trường hợp là hộ ông Nguyễn Thế Hùng và hộ ông Nguyễn Long Quỳnh có cùng sử dụng đất như ông Trung nhưng lại được đền bù đất. Trước những chứng cứ này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tuyên Quang đã kiến nghị UBND thành phố hủy phần bồi thường đối với hộ ông Nguyễn Thế Hùng và ông Nguyễn Long Quỳnh. Căn cứ vào đó, tòa đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Trung. Sau đó, ngày 1-8-2019, ông Phạm Quốc Chương, Phó chủ tịch UBND TP Tuyên Quang thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang Tô Hoàng Linh đã ký Quyết định số 183/QĐ-UBND hủy một phần nội dung Quyết định 547 bồi thường đất cho hộ ông Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Long Quỳnh mà trước đó ông Tô Hoàng Linh đã ký. Tổng số tiền ông Nguyễn Long Quỳnh được bồi thường là hơn 1,34 tỷ đồng, ông Nguyễn Thế Hùng là gần 124 triệu đồng. Nhưng đến nay, đã 1,5 tháng, hai hộ dân này vẫn chưa nhận được quyết định hủy đó. Vấn đề đặt ra là, ngoài hộ ông Hùng và ông Quỳnh là do luật sư chỉ ra, quyết định đền bù, thu hồi đất liên quan đến rất nhiều hộ dân, bởi thế, cần rà soát tổng thể xem còn trường hợp nào sai phạm nữa hay không? Việc đã xảy ra sai phạm thì thu hồi tiền đã đền bù như thế nào? Việc xử lý cán bộ đã để xảy ra sai phạm ra sao? Hiện ông Trung đã kháng cáo bản án lên tòa án cấp phúc thẩm.

Luật sư Nguyễn Thành Minh, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang cho rằng: Cần phải xác minh lại diện tích đất của gia đình ông Trung khai phá vì theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đó là đất nông nghiệp chứ không phải đất bờ sông. Việc đền bù đất cho hộ ông Trần Việt Trung là đúng quy định.