Mặc dù không được cấp phép xây dựng nhưng nhiều trạm trộn bê tông “khủng” ở cảng Khuyến Lương (quận Hoàng Mai - Hà Nội) vẫn ngang nhiên hoạt động “chui” nhiều năm nay. Tại đây, con đường dẫn vào cảng bị “băm nát” bởi hàng trăm lượt xe bồn, xe tải chở vật liệu, bê tông qua lại mỗi ngày.
Nhiều trạm bê tông không phép nằm trong cảng Khuyến Lương.
Các trạm trộn hoạt động không giấy phép
Cảng Khuyến Lương được Bộ Giao thông vận tải ra Quyết định thành lập số 2030/TCCB , ngày 11/10/1985. Trụ sở đóng tại thôn Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, nay là phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội ). Cảng là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Vận tải biển pha sông, là cảng công nghiệp nằm ở phía Đông Nam Hà Nội, nhiệm vụ chính là tổ chức bốc xếp bảo quản hàng hóa, tổ chức lao động khoa học và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, quản lý đại tu sửa chữa cầu bến và khơi thông luồng lạch phao kè.
Ngày 02/02/2016, thực hiện Công văn số 235/SNN-ĐĐ của Sở Nông nghiệp và PNT Hà Nội về việc đề nghị kiểm tra, rà soát và quản lý các trạm trộn bê tông khu vực bãi sông Hồng, địa bàn quận Hoàng Mai, trong quá trình kiểm tra, các đơn vị phòng, ban ngành quận Hoàng Mai đã phát hiện ra hàng loạt các trạm trộn bê tông không có giấy phép đã và đang hoạt động trong khuôn viên cảng. Tại biên bản làm việc ngày 29/02/2016 của liên ngành nêu rõ:
Công ty 135, hiện trạng có 01 trạm bê tông atfan công suất 120 tấn/giờ, liên danh với Cảng Khuyến Lương từ năm 1999, được xây dựng lắp đặt năm 2003, hiện chưa làm thủ tục cấp phép, đề nghị công ty liên hệ với các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Công ty Bê tông An Phúc đã làm hồ sơ xin phép nhưng chưa được chấp thuận đê điều, đơn vị liên hệ vào mùa mưa bão nên chưa được chấp thuận. Ngoài ra, công ty liên danh với Cảng Khuyến Lương từ tháng 05/2015 lắp đặt trạm bê tông xi măng 120 tấn/giờ, diện tích gần 6.000m2. Trạm trên còn có một nhà cấp 4 quây mái tôn diện tích khoảng 100m2.
Công ty Ngôi Sao có 1 trạm trộn bê tông atfan công suất 60 tấn/giờ, đề nghị phối hợp với cảng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Công ty 656 sử dụng diện tích 2.300m2 liên danh năm 1999, có 1 trạm trộn bê tông atfan, công suất 60 tấn/giờ, phế thải và vật liệu để sát bờ sông, công tác môi trường không đảm bảo, đề nghị dọn phế thải, chưa có hồ sơ giấy tờ gì.
Tại biên bản làm việc ở Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai cũng chỉ rõ: Công ty An Phúc và Công ty 656 xả thải trực tiếp ra môi trường, đề nghị các đơn vị nhanh chóng dọn dẹp phế thải.
Từ những sai phạm trên, các phòng, ban ngành quận Hoàng Mai kết luận: Đề nghị các đơn vị hoàn thiện thủ tục trước ngày 30/05/2016, nếu chưa có giấy phép hoạt động, đề nghị giải tỏa. Mặc dù thời hạn đã trôi qua gần 3 tháng nhưng các trạm trộn vẫn “bình chân như vại”.
Đường dẫn vào cảng Khuyến Lương bị “băm nát” bởi hàng trăm lượt xe bồn, xe tải chở vật liệu, bê tông qua lại mỗi ngày.
Thiếu trách nhiệm hay lợi ích nhóm?
Trao đổi với phóng viên, ông Luyện Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty Cảng Khuyến Lương, cho biết: Năm 2000, để bảo tồn vốn trong điều kiện kinh tế khó khăn, cảng tìm mọi cách để tồn tại. Trong thời điểm đó, chúng tôi đã liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trạm trộn , đồng thời bán thêm đá, cát , sỏi. Ngoài ra, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các trạm trộn , thay đổi công năng từ phà sang các trạm trộn . Các giấy tờ hồ sơ pháp lý vẫn đang trên Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chức năng đợi xem xét; đề án đánh giá tác động môi trường đang còn trên sở. Mặt khác, chúng tôi cũng đôn đốc các đơn vụ hoàn thiện hồ sơ để có giấy phép hoạt động.
Khi được hỏi tại sao biết các doanh nghiệp chưa có giấy phép, cảng vẫn liên doanh thì ông Trung phân bua: “Chúng tôi chỉ cho thuê kho bãi, còn việc giấy tờ pháp lý là do doanh nghiệp. Cho thuê đất để giảm chi phí tối đa về tài chính, 80% trạm trộn tạo công ăn việc làm cho cảng và người dân lao động”.
Ông Luyện Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty Cảng Khuyến Lương, trong buổi làm việc với phóng viên.
Ghi nhận thực tế của phóng viên thì cung đường qua cảng Khuyến Lương bị xuống cấp trầm trọng bởi hàng nghìn lượt xe bồn, xe chở vật liệu xây dựng có tải trọng lớn hoạt động mỗi ngày. Trên mặt đường là vô số ổ voi , ổ gà, vào ngày mưa thì con đường bị sình lầy; ngày nắng thì bụi mù mịt, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân sinh sống quanh đó. Theo phản ảnh của người dân thì từng đoàn xe trọng tải lớn của Công ty Vận tải Hòa Bình, Công ty Vận tải Sông Hồng, Công ty Bê tông An Phúc… ngày ngày “cùng nhau” cày nát con đường.
Các trạm trộn bê tông hoạt động gây khói bụi, một số trạm xả thải trực tiếp ra môi trường. Người dân phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Dư luận cũng cho rằng, các trạm trộn trên vi phạm nghiêm trọng các quy định về môi trường trong quá trình hoạt động, dẫn đến việc các cơ quan chức năng không cấp giấy phép hoạt động.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai sớm xem xét giải tỏa những trạm trộn chưa có giấy phép hoạt động, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan; Đội CSGT số 14 và Đội thanh tra giao thông quận Hoàng Mai vào cuộc xử lý các xe quá khổ quá tải, cày nát đường sá, ảnh hưởng tới an toàn giao thông trên địa bàn...
Thanh Xuân
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.