Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2019 | 14:38

Cảnh báo người tiêu dùng tránh bẫy “ví điện tử ảo”

Ví điện tử (VĐT) đang ghi nhận bước nhảy vọt đối với thương mại điện tử (TMĐT) nhờ sự tiện ích và phù hợp với số đông người tiêu dùng khi giao dịch với giá trị thấp, góp phần tạo nên thói quen không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, việc sử dụng VĐT cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt đối với cư dân nông thôn.

 

tr6.jpg
Nhiều nhà hàng, cửa hàng chấp nhận TTKDTM qua Ví điện tử MoMo. Ảnh: TTXVN

 

Chinh phục niềm tin của người tiêu dùng

Thanh toán điện tử được hiểu là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện điện tử như thanh toán bằng thẻ ngân hàng, VĐT… Đây là xu hướng chung của thế giới, giúp người tiêu dùng không phải mang theo tiền mặt, không lo trộm cướp. Hình thức thanh toán này đem lại lợi ích cho nền kinh tế là không phải chi phí cho việc in ấn, duy trì lưu thông tiền mặt…

Theo một công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 4,9% lượng giao dịch. Trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan 59,7% và Malaysia 89%. Mặc dù TMĐT tại Việt Nam có mức phát triển nhanh trong khu vực, song tỷ lệ thanh toán trực tuyến lại rất thấp. Người dân đặt mua hàng qua mạng nhiều nhưng lại chọn cách thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. Nghĩa là giao dịch bằng tiền mặt vẫn phổ biến.

Tuy nhiên, với chủ trương thúc đẩy xu hướng không dùng tiền mặt của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây, khiến lĩnh vực thanh toán trung gian qua hình thức VĐT trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố đầu tháng 4 vừa qua, hiện cả nước có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT với hơn 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán. Các trung gian thanh toán đã khẳng định được tên tuổi phải kể tới như Momo, Payoo, Moca, Airpay, Samsung Pay, ZaloPa, Viettel Pay…

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, do có nhiều đặc thù nên việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, hạn chế. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do thói quen của doanh nghiệp và người tiêu dùng bằng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.

Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng TTKDTM tại vùng nông thôn còn ít. Người dân chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Theo thống kê đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 59% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, 60% dân số ở khu vực nông thôn chưa có tài khoản và gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính. Do địa bàn rộng, đòi hỏi đầu tư lớn nên hiện số lượng điểm giao dịch ngân hàng thương mại bình quân chỉ có 2,2 điểm/khu vực hành chính nông thôn. Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã xấp xỉ 40 điểm giao dịch, tức chênh lệch 18 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực Duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện).

Hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn…, trong khi ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế, gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày.

Thứ ba, tâm lý e ngại tiếp cận  công nghệ thanh toán mới, lo ngại về an ninh, an toàn. Thực tế tại Việt Nam đã xuất hiện các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao ăn cắp tiền trong tài khoản cá nhân; người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa biết tự bảo vệ thông tin tài khoản và nhận thức chưa đầy đủ về giao dịch an toàn. Hiện có tới 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch điện tử.

Thứ tư, một số sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa được thiết kế phù hợp với hành vi, nhu cầu người sử dụng ở khu vực nông thôn, nhất là dịch vụ tài chính số, thanh toán qua điện thoại di động.

 

tr6a.jpg

Nhiều nhà hàng, cửa hàng chấp nhận TTKDTM qua Ví điện tử MoMo.

Khảo sát trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người ở khu vực nông thôn chia sẻ, họ đã sử dụng TTKDTM và nhận thấy, đây là phương thức thanh toán giúp tiết kiệm chi phí đi lại, máy in, nhân sự. Tuy nhiên, thực tế khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn trở ngại, chẳng hạn như khoảng cách từ nhà tới địa điểm giao dịch ngân hàng gần nhất còn khá xa…

Cảnh báo VĐT “tự xưng”

Thời gian qua, báo chí liên tiếp phản ánh về hiện tượng xuất hiện của nhiều VĐT tự xưng. Tuy nhiên, hoạt động của các ví tự xưng này có nhiều dấu hiệu bất thường. Thậm chí nhiều người dân đã nạp tiền, góp vốn, đầu tư vào những ví tự xưng này và đang có nguy cơ không lấy lại được tiền.

Một loạt các ví “tự xưng” mọc lên như: Hahalolo tự nhận mình là ví nội bộ với chức năng được giới thiệu là ý tưởng đột phá, đầy tiện ích. Thế nhưng, người dùng nạp tiền vào lại không thể chi tiêu. Trong khi tiền lại chuyển sang tài khoản ở một trung gian thanh toán khác. Theo người sáng lập Hahalolo, vì là ví nội bộ trên mạng xã hội, không thanh toán ra ngoài nên không cần xin phép.

Trong khi đó, Payasian được quảng cáo là không giới hạn biên giới, dùng ở bất cứ đâu, với bất kỳ loại tiền nào. Một chiếc ví được quảng cáo có chức năng “thần kỳ” nhưng bên trong lại kinh doanh, mua bán tiền ảo. Với lời chào mời lợi nhuận siêu hấp dẫn tới hàng chục lần, với cách thức huy động vốn dạng đa cấp biến tướng, người sau giới thiệu người trước để hưởng hoa hồng, ví tự xưng Payasiab đã thu hút rất nhiều người tham gia. Có người đã góp hàng trăm triệu mà chưa lấy lại được dù chỉ một đồng.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức thông tin về tính pháp lý của những ví tự xưng trên. Theo đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định:”VĐT chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền cho đơn vị chấp nhận thanh toán hoàn trả tiền cho khách hàng. Do vậy, không được phép sử dụng VĐT để huy động vốn tài chính của khách hàng và cũng không được sử dụng số tiền của khách hàng”.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng, không có VĐT nào tên là Payasian.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện chỉ có 30 trung gian thanh toán được cấp phép, trong đó có 27 VĐT. Toàn bộ các ví “tự xưng” khác nằm ngoài danh sách này như Payasian với mục đích huy động vốn, hay Hahalolo dù được cho là phục vụ mục đích thanh toán trong nội bộ, đều là những hoạt động không đúng quy định và không được phép.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho biết, gần đây, xuất hiện đồng tiền ảo iFan, Pincoin của Công ty Modern Tech và Paya của Công ty Pay Asian hoạt động theo mô hình gọi vốn đầu tư đa cấp nhưng gắn mác tham gia “ví điện tử” có “lãi suất” cao.  Trong các vụ việc này, người dân được mời gọi bỏ tiền đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số với kỳ vọng đồng tiền này sẽ tăng giá mạnh khi được triển khai chính thức.

Ở đây, các “VĐT” được nói đến chỉ là những tài khoản hay VĐT tại sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đặt ở nước ngoài, được sử dụng để nhà đầu tư chuyển tiền bằng tiền pháp định (fiat currency) hoặc đồng tiền kỹ thuật số đã được lưu hành khác. Điểm này hoàn toàn khác với việc đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có VĐT) được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hiện nay như Momo, Moca… Bên cạnh đó, từ “lãi suất” cũng sử dụng không chính xác. Đây được xem là lợi nhuận dự kiến mang lại từ kỳ vọng đồng tiền kỹ thuật số sẽ tăng giá trong tương lai.

Định hướng tài chính cho cư dân nông thôn

Ông Cấn Văn Lực khẳng định, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận tiền kỹ thuật số cũng như các hoạt động gọi vốn cộng đồng. Do đó, có thể nói, khả năng lấy lại tiền là rất thấp, gần như không thể khi số tiền thường được chuyển ra nước ngoài, thông qua các VĐT (cũng đặt tại nước ngoài) nên việc tìm ra nguồn tiền lại càng trở nên khó khăn hơn.

Để phòng tránh và giảm thiểu tổn thất ở mức thấp nhất, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, nhà đầu tư không nên tham và đề cao cảnh giác với những lời chào mời đầu tư có tỷ lệ sinh lời rất cao. Vấn đề này đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng đáng tiếc là vẫn liên tục có những trường hợp sập bẫy lừa đảo. Theo đó, người dân cũng cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính.

Từ thực tiễn đó, nhiều gợi ý được đưa ra rằng, các ngân hàng cần ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ phù hợp với người dân nông thôn. Hiện người dân đã sử dụng điện thoại Smartphone nhưng mới chỉ để nghe gọi, lướt Facebook, chat Zalo, duyệt Web, vì thế, ngân hàng không cần đầu tư quá nhiều vào ATM, POS mà nên tăng cường giao dịch qua Internet banking, mobile banking, QR Code…

Theo đó, ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân thấy được tiện ích, sự hiện đại của giao dịch ngân hàng qua các thiết bị di động, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán qua điện thoại, internet. Cần giúp cho người dân hiểu rõ tiện ích của phương tiện thanh toán này, và khi đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, giá trị của các khoản giao dịch, thanh toán thông thường là rất thấp nên cần phải nghiên cứu những công cụ và phương thức TTKDTM phù hợp với đặc điểm này. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho người dân xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.

Đặc biệt, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi, lĩnh vực phi ngân hàng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong đó bao gồm việc xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính),  mô hình thanh toán mới như dịch vụ tài chính số, thanh toán qua đi động.

Và cần có chính sách định hướng khuyến khích người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ hiện đại như điện thoại di động, Internet, dịch vụ 3G, 4G…, nhờ đó họ dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ TTKDTM qua các kênh ngân hàng hiện đại như mobile banking, Internet banking.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top