Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 10:6

Cảnh giác với tín dụng đen “núp bóng” doanh nghiệp

Dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến thu nhập và việc làm của người lao động.

Đây cũng là thời điểm tín dụng đen tìm cách len lỏi “núp bóng” doanh nghiệp, cho vay với lãi suất “cắt cổ”, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác.

 

khám-xét-ổ-nhóm-tín-dụng-đen-núp-bóng-doanh-nghiệp-với-số-tiền-cho-vay-nặng-lãi-hơn-500-tỷ-đồng-tại-nghệ-an.jpg
Khám xét ổ nhóm tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp với số tiền cho vay nặng lãi hơn 500 tỷ đồng tại Nghệ An.

 

Chiêu trò tín dụng đen

Đánh vào tâm lý người vay đang cần gấp khoản tiền để chi trả trong thời điểm dịch bệnh, các đối tượng tìm cách dẫn dắt để người cần vay tiền đồng ý vay với lãi suất cao gấp vài chục lần lãi suất vay ngân hàng. Khi người vay không có khả năng chi trả, đối tượng cho vay sẽ tìm mọi cách uy hiếp tinh thần để thu hồi nợ.

Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2020, lực lượng cảnh sát hình sự đã truy quét hơn 300 vụ án liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi và xử lý hơn 600 đối tượng. Mặc dù tính chất, mức độ đã giảm đáng kể, tuy nhiên, diễn biến vẫn còn phức tạp, thực trạng cho vay nặng lãi đang xảy ra ở khắp nơi.

Hiện nay, các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng và có hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến tín dụng đen đã có sự thay đổi, chuyển hướng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Đặc biệt, các đối tượng tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện các hành vi phạm tội như: lập website, các trang mạng xã hội (zalo, facebook,...), app trên điện thoại di động để tiếp cận khách hàng cho vay thông qua các ứng dụng vay tiền trực tuyến.

Một số băng nhóm hiện nay hoạt động núp bóng doanh nghiệp kinh doanh như: công ty tư vấn tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại... được tổ chức chặt chẽ, ngụy trang hành vi cho vay bằng các hợp đồng giả, cho khách vay ký giấy mượn nợ không đúng với lãi suất thực tế.

Mới đây, trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), một đường dây tín dụng đen do các đối tượng có tiền án tiền sự điều hành đã bị lực lượng công an triệt phá. Ổ nhóm 6 đối tượng chuyên cho vay nặng lãi do Lê Xuân Chiên cầm đầu.

Theo tài liệu điều tra, ổ nhóm này đã lợi dụng vào vỏ bọc là các tiệm cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính, để hoạt động ở nhiều quận, huyện ở Hà Nội với số tiền hàng chục tỷ đồng, lãi suất lên đến 300%/năm. Các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ lực để uy hiếp buộc con nợ phải trả.

Với chiêu trò cho vay nhanh gọn, không cần thế chấp, các đối tượng đã chiêu mộ hàng chục người để tìm kiếm khách hàng trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, phát tờ rơi, dưới vỏ bọc công ty tài chính hỗ trợ Covid-19 để tiếp cận người vay tiền.

Trong số hàng trăm người là nạn nhân của ổ nhóm mà công an đã xác định được, có đến gần một nửa là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Gia Lâm, quận Long Biên…

Nhận được lời mời chào cho vay trả góp, thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, một người phụ nữ trong lúc cần tiền đã chấp nhận vay nóng 3 tỷ đồng. Sau khi bị dẫn dắt, chị chấp nhận vay với lãi suất 8.000 đồng cho 1 triệu đồng/ngày, bởi dự kiến chỉ 5 - 10 ngày, chị sẽ có tiền để trả hết khoản vay. Nhưng không may, mọi việc không như dự tính. Sau 3 tháng không có tiền trả, chỉ riêng số tiền lãi chị phải trả cho khoản vay trên đã lên tới 8 tỷ đồng. Chị đã bị ép phải sang nhượng căn nhà đang ở để trả lãi.

Theo đại diện Công an TP. Hà Nội, hiện nay các tổ chức hoạt động tín dụng đen đang có dấu hiệu co cụm, hoạt động bí mật hơn trước. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nhu cầu vay tiêu dùng, cũng như vay tiền khôi phục sản xuất, sau khi dịch bệnh được kiểm soát của doanh nghiệp sẽ gia tăng. Đây sẽ là “đất sống” của loại tội phạm tín dụng đen. Công an thành phố đã lên phương án để trấn áp.

Hiện Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố đã thành lập các chuyên án lớn để triệt phá các ổ nhóm cho vay nặng lãi và khuyến cáo người dân tố giác tội phạm khi phát hiện các đối tượng hoạt động trên địa bàn.

Nâng cao cảnh giác

Với những rủi ro về an ninh trật tự liên quan đến tín dụng đen mà báo chí phản ánh thời gian gần đây, cơ quan công an đã  liên tục phát đi cảnh báo người dân về vấn nạn này. Để bảo vệ mình, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi, biến tướng của tín dụng đen.

Cục Cảnh sát Hình sự khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống trong trường hợp cần vay tiêu dùng. Khi thực hiện hồ sơ vay, người dân cần có các hợp đồng vay cụ thể, có xác thực từ phía doanh nghiệp và người đi vay cũng cần tìm hiểu đầy đủ các quy định về lãi suất, phạt trả chậm,…

Để tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen, người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các tổ chức tín dụng đen và cho vay nặng lãi. Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các đơn vị không được cấp phép. Nếu có nhu cầu vay tiền, cần trực tiếp liên hệ đến các công ty tài chính uy tín, được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật để được hướng dẫn. Khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được can thiệp và bảo vệ kịp thời.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh khuyến cáo: “Để hạn chế tín dụng đen, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, gồm cả ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Đồng thời, cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng”.

Các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính cần tiếp tục mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm, dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận cho người dân qua kênh tín dụng chính thức.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top