Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022 | 9:29

Canh tác lúa thông minh, nhiều hiệu quả thiết thực

Chương trình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2021-2022 tại 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cho đến thời điểm hiện tại đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, lượng giống gieo sạ bình quân của các mô hình so với bình quân đối chứng giảm, chi phí giống, vật tư nông nghiệp giảm, năng suất nâng cao.

Xây dựng 24 mô hình 

Đứng trước sự gia tăng và diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có sản xuất lúa tại ĐBSCL, năm 2016, Công ty CP Phân bón Bình Điền (Công ty Bình Điền) đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau nhiều năm triển khai, mô hình Canh tác lúa thông minh đang phát huy hiệu quả.

 

z3615973833981_c214c11f4a50af63937078b8b1691c83.jpg
Chương trình canh tác lúa thông minh đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp ứng phó với việc biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL.

 

Theo đó, vụ đông xuân 2021-2022, chương trình “canh tác lúa thông minh” được thực hiện 24/26 điểm mô hình tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Mỗi mô hình được thực hiện với 4 ruộng, mỗi ruộng 0,5ha và phần  đối chứng có diện tích tối thiểu tương đương diện tích thực hiện mô hình.

Việc thực hiện các mô hình vụ đông xuân 2021-2022 dựa trên đặc điểm các vùng sinh thái trong từng tỉnh, hiệu quả từ những vụ trước và đặc biệt là tỉ số Ca/Mg theo 3 vùng thượng, trung và hạ lưu ĐBSCL.

Cụ thể, 24 điểm mô hình thực hiện trong vụ đông xuân 2021-2022 được cho là lớn nhất từ khi chương trình “Canh tác lúa thông minh” được triển khai. Mô hình được chọn phân bổ đều trên các vùng sinh thái khác nhau trong canh tác lúa tại vùng ĐBSCL. Kết quả ban đầu từ việc thực hiện mô hình những vụ trước và 24 điểm mô hình trong vụ đông xuân 2021-2022 là cơ sở dữ liệu để giúp các nông hộ tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu trong canh tác lúa tại vùng ĐBSCL.

PGS. TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Thành viên thường trực Hội đồng cố vấn, chia sẻ, chương trình đã tập hợp được các lực lượng, như trồng trọt, khuyến nông, các nhà khoa học nông nghiệp và doanh nghiệp với sự đoàn kết, đồng lòng cao; đạt được hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường sống; vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

“Chương trình vì người nông dân, lấy người nông dân làm trung tâm; giúp nông dân dần trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình. Nông dân tự xử lý được các tình huống phức tạp xảy ra trong sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu…”, PGS. TS Mai Thành Phụng chia sẻ.

Bằng việc giúp nông dân thực hiện đúng, đủ gói kỹ thuật thông minh đã được đúc rút, trong vụ đông xuân, Công ty Bình Điền đã giúp địa phương đầu tư thêm 1 trạm giám sát sâu rầy và 4 trạm quan trắc nước mặn (Công ty Rynan technologies lắp đặt), biên soạn và xuất bản 3.000 quyển sổ tay canh tác lúa thông minh, tặng bút đo độ mặn và giấy quỳ đo pH nước cho cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân ở tất cả các mô hình. Tính đến hết vụ đông xuân vừa qua, Công ty  Bình Điền đã đầu tư lắp đặt 22 trạm quan trắc nước mặn và 1 trạm giám sát sâu rầy.

Những hiệu quả thiết thực từ chương trình

Các ruộng trong mô hình thuộc chương trình Canh tác lúa thông minh áp dụng nhiều biện pháp gieo sạ khác nhau (cấy, sạ cụm, sạ hàng, sạ thừa bằng máy phun hạt...). Sử dụng các dòng sản phẩm phân bón với quy trình được xây dựng cụ thể: Đầu Trâu Mặn Phèn dùng cho bón lót, Đầu Trâu TEA1 (thúc 1 và 2), Đầu Trâu TEA2 thúc đón đòng.

Về lượng giống gieo sạ, với các giống lúa chủ lực được các địa phương khuyến cáo sử dụng hiện nay như ST25, OM18, Đài Thơm 8…. cùng có một số mô hình sử dụng các giống lúa tương đối đặc thù với vùng sản xuất như OC10 tại Ba Tri - Bến Tre, ML202 tại Châu Thành – Đồng Tháp…. Tất cả các mô hình đều sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên với lượng giống gieo sạ bình quân của 75,7 kg/ha, so với đối chứng giảm 36,3 kg/ha (giảm 28,6%). Nếu so với bình quân lượng giống gieo sạ tại ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp và PTNT điều tra công bố khoảng 150kg/ha thì lượng giống gieo sạ như mô hình giảm khoảng 50%.

Chi phí đầu tư cũng được tiết giảm, ngoài việc giảm giống để giảm chi phí, các ruộng mô hình cũng chủ động trong việc tiết giảm chi phí vật tư nông nghiệp như số lần phun thuốc không cần thiết cũng như chọn loại thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả với giá rẻ hơn. Trong nhiều nông hộ thực hiện mô hình, có ruộng giảm chi phí đầu tư trên 3 triệu đồng/ha, cá biệt giảm gần 8 triệu/ha.

Về năng suất, chương trình vừa trình diễn vừa thử nghiệm các nghiệm thực phân bón khác nhau nên có sự biến động về năng suất thu được giữa các ruộng. Tuy nhiên, gần như tất cả các ruộng mô hình đều tăng năng suất so với đối chứng. Cụ thể,  ruộng mô hình  tăng năng suất so với bình quân đối chứng trên 15%, các mô hình khác phổ biến ở mức từ 10-20%.

Về lợi nhuận, do việc tiết giảm chi phí sản xuất và năng suất tăng nên tất cả 24 mô hình đều thu về lợi nhuận cao hơn so với năng suất bình quân đối chứng. Một số mô hình lợi nhuận  tăng lên gần 10 triệu đồng, phần lớn các mô hình còn lại tăng 2-5 triệu đồng/ha.

Chương trình Canh tác lúa thông minh vùng ĐBSCL vụ đông xuân 2021-2022 đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, các nông hộ đã mạnh dạn ứng dụng nhiều giải pháp canh tác trong quy trình canh tác lúa thông minh vào đồng ruộng từ đó giảm chi phí, tăng năng suất thu hoạch.

Cùng với đó, các mô hình không chỉ giúp cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng cho nông dân tham gia mà còn tác động lớn đến các nông hộ lân cận. Một số nơi nông dân chủ động áp dụng các kỹ thuật trong mô hình ngay trong vụ đông xuân vừa qua khi thấy cây lúa trong các mô hình sinh trưởng tốt. 

Nhân rộng mô hình

Từ những hiệu quả thiết thực của chương trình “Canh tác lúa thông minh”, TS.  Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: “Chúng ta đang tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh, nông dân hiện đại. Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo phải giảm hơn nữa chi phí đầu vào sản xuất, phải tăng hơn nữa năng suất cây trồng. Hiện, chương trình “Canh tác lúa thông minh” đang được hoàn thiện trên đồng ruộng của bà con nông dân tại khắp 13 tỉnh ĐBSCL. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai đề án xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn trái, do đó, giải pháp canh tác thông minh chắc chắn sẽ được áp dụng rộng rãi”.

Chương trình “Canh tác lúa thông minh” thích ứng với biến đổi khí hậu đến nay ngày càng chứng tỏ hiệu quả của nó. Thời điểm hiện tại, Công ty Bình Điền có hơn 100 loại sản phẩm phù hợp với từng loại đất đai, chuyên dùng cho từng loại cây trồng như: Chuyên dùng cho cây lúa, cà phê, cao su, mía, cây ăn trái, điều, rau - màu, chè, ngô, đậu phộng…, làm tăng năng suất và chất lượng nông sản. Để tăng chu kỳ sống của sản phẩm, các sản phẩm của Công ty Bình Điền được bổ sung về hàm lượng kỹ thuật để người nông dân khi sử dụng các sản phẩm của Bình Điền luôn đạt hiệu quả cao nhất.

Tổng Giám đốc Công ty Bình Điền Ngô Văn Đông khẳng định: “Chương trình canh tác lúa thông minh được triển khai từ năm 2016, giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2022. Chương trình đã thành công cả về hiệu quả kinh tế và xã hội. Các sản phẩm phân bón của Bình Điền luôn có hàm lượng trí tuệ cao, cộng với gói kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, bón phân khoa học, hợp lý. Giảm lượng phân bón, tức giảm doanh số, doanh thu, nhưng vì trách nhiệm đồng hành với nhà nông, Bình Điền luôn mong muốn có nhiều nông dân được sử dụng phân bón Đầu Trâu chất lượng cao, giá thành hợp lý, giúp nông dân vượt qua thách thức để sản xuất hiệu quả. Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của nông sản cũng chính là nâng cao đời sống nông dân vì một nền nông nghiệp phát triển hiện đại và bền vững”.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tại vùng ĐBSCL, vụ đông xuân 2021 - 2022 và vụ hè thu 2022, phân bón Bình Điền luôn được người nông dân tin tưởng do có hàm lượng kỹ thuật cao, giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận khoảng 300kg thóc/ha/vụ, lợi nhuận tăng 5,3 triệu đồng/ha.

 

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top