Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương, Nam Bộ đang trong mùa nắng nóng cao điểm (từ tháng 3 đến tháng 5). Bởi vậy, thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.
Xin giới thiệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để bà con nông dân tham khảo.
Đối với cây lúa
Vụ đông xuân, xuống giống sớm từ đầu đến giữa tháng 10 dương lịch đối với vùng có nguy cơ bị hạn mặn. Sử dụng các giống chống chịu mặn như: OM5451, OM2517, OM6976, OM6162, OM9921, GKG1, OM 6677, OM9577, OM11735, OM8959, ST21, OM576,...
Làm đất bằng phẳng, có hệ thống rãnh thoát nước (sâu 10-20cm; rộng 20-25 cm), khoảng cách giữa các rãnh từ 7-10m. Đồng thời tưới nước, tùy vào điều kiện cụ thể có thể áp dụng biện pháp tưới ngập - khô xen kẽ.
Vào giai đoạn cuối vụ, tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trỗ. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 1 phần nghìn) hoặc dùng nước ngọt để tưới phun lá.
Bón bổ sung một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic,...); Plasti Mula 1SL; phân chứa các nguyên tố canxi, magiê, silic.
Đối với vụ hè thu, vùng bị nhiễm mặn trên 3 phần nghìn tuyệt đối không xuống giống. Vùng bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật bằng cách sử dụng các giống chống chịu mặn như: OM5451, OM2517, OM6976, OM6162, OM9921, GKG1, OM 6677, OM9577, OM11735, OM8959, ST21, OM576,... và tiến hành cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn.
Xử lý hạt giống bằng cách sử dụng một số sản phẩm như: Gaucho 600FS, Plasti Mula 1SL, Cruiser Plus 312.5FS.
Tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi (lượng vôi 500 kg/ha) và lân khi làm đất (ưu tiên sử dụng các loại phân lân nung chảy).
Sử dụng các dạng phân urê chậm tan như đạm vàng (urê 46A+) hoặc đạm xanh (urê + NEB26) để chống thất thoát đạm. Tăng cường bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu.
Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trỗ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục nhiều lần. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh; dưới 1 phần nghìn với các giai đoạn lúa làm đòng và trỗ).
Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng, tưới phun nước ngọt cho mạ với lượng nước phun khoảng 800-1.000 lít/ha.
Đối với cây ăn trái
Khi có nguy cơ bị hạn mặn, cần chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình …) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.
Củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn trên 1 phần nghìn cho cây. Đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…, không tưới nước có độ mặn trên 0,5 phần nghìn.
Trong thời gian nhiễm mặn, chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới).
Khi đã bị nhiễm mặn, bà con cần bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột với lượng 500-1.000 kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài, phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01N, Biobeca 0.1 SP, Super Humic,...); phân chứa các nguyên tố canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây.
Không tiến hành xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.