Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 8 năm 2015 | 8:0

Cao Bằng, rừng già kêu cứu!: “Vào hang bắt cọp”

Tại Cao Bằng, ngoài tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ lậu ở huyện Bảo Lâm, thì tại huyện Bảo Lạc có một số xã người dân không còn rừng để phá nữa. Họ chuyển sang tìm những gốc cây quý hiếm như kháo đá, dạ hương, thông đỏ để bán cho các đầu nậu thu mua rồi chuyển về xuôi tiêu thụ.

>> Cao Bằng, rừng già kêu cứu! Xuyên đêm săn gỗ lậu;  Không xử lý vì… “tế nhị”

Cùng “lâm tặc” vào rừng xem gỗ

Đến thị trấn Bảo Lạc, hỏi chuyện mua bán gỗ ai cũng nhắc đến một người tên T., chuyên thu mua gỗ bán ra thị trấn, có hộ khẩu thường trú tại thôn Nà Đoỏng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc.

Cùng vào rừng với đầu nậu.

Cách trung tâm thị trấn khoảng 20km, xã Xuân Trường gần như nằm gọn trong một thung lũng bao quanh bởi núi đá. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn hỏi địa chỉ mua gỗ, bà Nông Thị T., người bán nước giới thiệu đến một thanh niên tên N. vì anh này đã từng buôn gỗ.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến thì anh N. cho biết gỗ và các sản phẩm từ gỗ nghiến ở xã Xuân Trường không còn, nếu muốn mua các loại bừu (nu) kháo, gù hương thì đến gặp anh T., người cùng thôn.

Dẫn chúng tôi vào sàn nhà, T. chỉ vào 3 tấm gỗ gù hương rộng khoảng 60cm, dài 1m và cho biết, số gỗ này đã có người đặt tiền mua, nếu muốn mua, đặt cọc tiền, T. sẽ cho người lên rừng lấy về.

T. cho biết, gỗ bây giờ rất khó tìm, phải đi sâu vào trong rừng, đi qua 7 - 10 quả núi mới có, ở đây chủ yếu là gù hương và thông núi đá. Thấy chúng tôi muốn xem tận mắt, T. không ngần ngại chia sẻ: “Bây giờ trong dân cũng không còn, rừng còn vài gốc, nếu muốn xem thì ở xã Hồng An còn một gốc tôi sẽ dẫn các anh đi. Gốc đó do bà con dân tộc ở thôn Cà Rằm phát hiện, họ đang đòi 10 triệu đồng”.

Cầm trên tay con dao phát, T. dẫn chúng tôi đi sâu theo con đường liên xã nối Xuân Trường với Hồng An, chỉ tay về một thung lũng thuộc xã Hồng An, T. cho biết: “Cách đây vài năm tôi đã lấy từ trong thung ­lũng đó ra 3 xe gỗ gù hương, với khối lượng lên đến vài chục tấn”.

Đến thôn Cà Rằm, T. dẫn chúng tôi qua một nương ngô đang độ xanh tốt, rồi những mỏm đá tai mèo sắc lẹm. Qua một gốc cây đã bị xẻ lấy hết, chỉ còn sót lại mùn cưa, T. khoe đây là cây gỗ do chính tay anh xẻ cách đây không lâu.

Anh ta còn giới thiệu ở những khu rừng này có rất nhiều cây cảnh, đặc biệt là tùng la hán. Ở thôn Nà Đoỏng có người đã chuyển hàng xe sang Trung Quốc bán, đó là loại gỗ có giá trị, thân cây gỗ lớn, các đầu nậu mua của bà con và mang sang bên đó bán theo cân.

Giao dịch giữa rừng

Vòng vèo mất hàng tiếng đồng hồ T. mới dẫn chúng tôi đến địa điểm cây gù hương nằm nép mình dưới những tảng đá tai mèo lớn, bên cạnh là những gốc cây có đường kính khoảng 60cm mà T. cho đó là cây dẻ đã bị cưa đổ và xẻ lấy phần thân ra khỏi rừng.

T. thể hiện sự chuyên nghiệp khi dùng dao chặt mạnh vào thân xem cây còn tươi không, chỉ vài nhát dao cây đã tỏa mùi thơm lừng. Anh ta còn lấy trong túi quần dây thước cuốn ra đo cho chúng tôi xem và cho biết: “Nếu gốc này lấy ra khỏi rừng giá có thể lên đến vài chục triệu đồng. Đã có người bên Trung Quốc sang xem nhưng họ yêu cầu lấy cả gốc ra khỏi rừng, vì to quá nên không ai dám nhận, nếu xẻ thành từng tấm thì được”.

T. còn nhắc chúng tôi phải chụp ảnh, quay phim thật kỹ rồi về nghiên cứu, tính toán xem việc buôn bán có hiệu quả kinh tế không. Lấy lý do cần phải bàn kỹ trước khi mua, và cần số lượng lớn nên cả đoàn cùng nhau xuống núi.

Trên đường quay về, như muốn khẳng định mình là người uy tín, T. rút điện thoại và gọi cho một đàn em ở thôn Cà Rằm đưa ra ít gỗ gù hương cho khách xem, khoảng 10 phút sau, một thanh niên đi xe máy chở ra một bao tải, bên trong đựng 4 tấm gỗ gù hương mỏng, khi mở túi mùi hương tỏa ra thơm phức.

Thấy chúng tôi chê gỗ nhỏ lại ít, T. đáp lời: “Đây chỉ là gỗ làm mẫu thôi, nếu muốn to hơn cũng có, chỉ cần đặt cọc, tôi hô anh em làm vài ngày là có hàng, sau khi làm luật là có thể chuyển đi”.

Tôi hỏi: “Nếu làm luật rồi liệu vận chuyển có an toàn không?”. “Cuối năm 2014 tôi “đánh” một chuyến, dù đã làm luật với lãnh đạo từ cấp thôn, xã, rồi huyện Bảo Lạc nhưng “quên” không làm luật với huyện Thông Nông nên khi chuyển sang đó đã bị lực lượng kiểm lâm bắt, xe gỗ trị giá 84 triệu mất trắng”, T. kể lại.

(Còn tiếp)

Nhóm PV

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top