Mới khai thác từ tháng 9/2014 nhưng đến nay mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã có dấu hiệu xuống cấp, xuất hiện hàng chục điểm sạt lở taluy.
Mặt đường vá loang lổ, ta luy sạt trượt nhiều nơi
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai được gọi là cao tốc dài nhất Việt Nam, đi qua 5 tỉnh, thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1,5 tỉ USD được đưa vào khai thác từ tháng 09/2014. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, khai thác, con đường này đang trở thành “tấm áo vá” loang lổ trên mặt đường với vô số vệt hằn lún, hư hỏng nền đường.
Trong suốt 3 năm năm qua, tuyến đường này vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng hằn lún mặt đường. Hơn nữa, đoạn đường từ Yên Bái lên Lào Cai, không chỉ mặt đường bị hư hỏng, ở đây mái taluy dương đang bị sạt trượt nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn của người và xe tham gia giao thông…
Theo đại diện một nhà xe ở Lai Châu cho biết, hiện công ty có 25 xe khách giường nằm chuyên chạy tuyến Lai Châu - Hà Nội. Mỗi tháng nhà xe này phải bỏ ra khoảng 600 triệu tiền phí đường bộ cho 25 xe khách này.
“Tôi thấy đây là tuyến đường cao tốc, nhưng hiện mặt đường bị hằn lún nhiều, xe chạy trên đường cao tốc mà không dám chạy nhanh vì sợ hằn lún, ổ gà. Đoạn từ Lào Cai xuống đến Yên Bài thì không có giải phân cách cứng, xe không dám chạy nhanh, vì rất nguy hiểm. Do đó, đề nghị chủ đầu tư cần thực hiện việc cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho các phương tiện đi lại trên tuyến cao tốc này, cho đúng nghĩa là cao tốc”, đại diện doanh nghiệp vận tải kiến nghị.
Còn anh Trần Đức Dương, tài xế xe khách chuyên chạy tuyến Mỹ Đình – Lào Cai phàn nàn: “Chúng tôi phải trả tiền phí đường bộ cho đường cao tốc nhưng chất lượng đường thì lại xuống cấp, không tương xứng với số tiền chúng tôi phải bỏ ra. Nhiều lúc chạy xe trên những đoạn đường hằn lún rất dễ bị lạc tay lái, nguy hiểm”.
Nhiều lái xe tải, xe khách thường xuyên chạy tuyến này cho rằng, mặt đường bị xuống cấp cũng chính là một phần nguyên nhân dẫn tới việc thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến đường này.
Cần sớm xử lý…
Vài ngày sau khi thông xe, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xuất hiện một số vết rạn nứt kéo dài hơn chục mét, chạy dọc theo cao tốc tại km83 đoạn từ Yên Bái về Phú Thọ. Sau đó, tuyến đường này tiếp tục bị hằn, lún mặt đường.
Vết rạn nứt kéo dài hơn chục mét, chạy dọc theo cao tốc tại km83 đoạn từ Yên Bái về Phú Thọ ngay sau ngày thông xe 21/9/2014. |
Trước tình trạng đó, tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng đã ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư khắc phục trước ngày 31/10/2015, nếu không sẽ dừng thu phí đối với toàn tuyến.
Tuy nhiên, cho tới nay, việc khắc phục này của chủ đầu tư và các nhà thầu dường vẫn không được tốt. Hiện nay, tình trạng hằn lún vẫn còn tồn tại rất nhiều và gần như trên toàn bộ chiều dài của tuyến đường và tùy nơi, chỗ lún sâu, chỗ lún ít.
Theo một số chuyên gia giao thông, cần phải xem xét, đánh giá lại tổng thể về thiết kế thi công nền, mặt đường và thiết kế, thi công taluy hai bên mái đường xem đã đảm bảo đủ các yếu tố chưa. Khi thi công đã đánh giá hết tác động của yếu tố địa lý, thời tiết vùng núi hay chưa, từ đó mới có kết luận và phương án khắc phục hiệu quả.
Một số chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn tới tình trạng hằn lún, bong tróc mặt đường bê tông nhựa gồm một số nguyên nhân như: do sử dụng vật liệu (bao gồm các thành phần vật liệu, độ nhám bề mặt cốt liệu, hình dạng hạt và cỡ hạt, loại nhựa sử dụng, độ rỗng dư, độ rỗng cốt liệu, phần trăm lỗ rỗng lấp đầy bằng nhựa đường, cấp phối trộn) có thể không tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế, dẫn đến không đảm bảo chất lượng mặt đường bê tông nhựa.
Tại một số vị trí mặt đường bị bong tróc, có thể do công tác trộn, rải bê tông nhựa tại công trường, nhiệt độ bê tông rải không đảm bảo yêu cầu. Vì bê tông nhựa ra khỏi trạm và đến công trường phải tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế về nhiệt độ cũng như độ kết dính mới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
“Công tác rải bê tông nhựa không đảm bảo, khi trời mưa mà vẫn rải; phần tiếp giáp giữa bê tông nhựa và lớp kế tiếp ẩm ướt, bụi bẩn dẫn tới không dính bám làm giảm chất lượng, dễ bong tróc. Thi công phần chuyển tiếp hai đầu cống thường xảy ra tại các dự án, do chất lượng thi công phần chuyển tiếp không đạt chất lượng, gây hiện tượng lún 2 đầu cống, dẫn đến mặt bê tông nhựa bị lún gãy. Do chất lượng thi công nền đường, nền đường không đảm bảo chất lượng, gây ra hiện tượng lún, làm mặt đượng nhựa bị nứt gãy....”, vị chuyên gia này phân tích thêm.
Còn về nguyên nhân sạt lở taluy trên tuyến đường này có thể do từ khâu khảo sát địa chất chưa chính xác nên khó đưa ra thiết kế chuẩn cho từng vị trí và quan trọng hơn là cách thức thi công có đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà dự án đưa ra hay không? Kèm theo một số yếu tố khác như vật liệu đắp taluy không đạt hoăc phần xử lý thoát nước bề mặt kém nên khi gặp mưa gây ra sạt lở mái taluy.
“Thực tế thi công không tuân thủ thiết kế, độ dốc mái taluy không đảm bảo, bố trí các rãnh dọc, rãnh ngang, các ống thoát nước không đúng thiết kế, không đảm bảo số lượng ống thoát nước....Công tác khảo sát không đánh giá đúng địa chất thực tế tại công trình, dẫn đến thiết kế sai độ ổn định của taluy, đặc biệt taluy có mạch nước ngầm hay không cần phải được tính toán kỹ”, một chuyên gia giao thông phân tích.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả các công đoạn từ lựa chọn nhà thầu, tư vấn khảo sát thiết kế; lựa chọn nhà thầu thi công cho đến thuê đơn vị tư vấn giám sát đều do chủ đầu tư (VEC) đảm nhận và lựa chọn. Cho nên, cần xem xét lại tiền sửa chữa thời gian qua là bao nhiêu, chi phí đó do chủ đầu tư chi trả hay vẫn đang trong giai đoạn bảo hành nhà thầu chi trả.
Việc một công trình đầu tư hơn 1 tỉ USD đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuống cấp nghiêm trọng thì chủ đầu tư (VEC) phải chịu trách nhiệm chính./.
Theo Nhóm phóng viên/VOV.VN
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.