Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 25 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 2 năm 2015 | 7:11

Câu chuyện đẹp ngày cuối năm

Cuối năm, người Việt thường ôn lại những vui, buồn trong năm để rút kinh nghiệm cho một năm mới với những điều tốt đẹp. Ngày cuối năm âm lịch, tôi lại muốn kể một câu chuyện hoàn toàn mới, chuyện về nghĩa cử đẹp của một vị thẩm phán. Một số người có thể cho là chuyện bình thường vì đó là hành động tối thiểu của thẩm phán không cần phải khen. Riêng tôi lại cho rằng hành động đẹp phụ thuộc vào văn hoá cá nhân nhiều hơn nghề nghiệp.

Tôi đến Toà án nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) theo giấy triệu tập làm việc vào một ngày cuối năm âm lịch. Hà Nội ngày giáp Tết, mọi người tất bật như cố níu giữ những khoảng khắc cuối cùng của năm vì luyến tiếc. Ngược với lòng người, cái lạnh cuối Đông với những hạt mưa phùn lại như muốn tiễn đưa ngày cũ để sớm đón Xuân về.

Tôi từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội trong tâm trạng của một người vừa quen, vừa lạ. Cái lạnh của Hà Nội như càng tăng thêm đối với người mới đến, chưa quen với nó. Với tôi, thời tiết như càng lạnh thêm khi phải mang bên mình sứ mệnh đối thoại với đại diện của chính quyền mà người ta vẫn quen gọi “con kiến kiện củ khoai”. Thế nhưng, không khí làm việc thoải mái đã xoá dần khoảng cách của mọi người. Tuy nhiều lúc tôi và đại diện chính quyền căng thẳng, nhưng được sự giải thích khéo léo của thẩm phán nên hai bên càng lúc càng hiểu nhau hơn.

Kết thúc buổi đối thoại, tôi ra về trong tâm trạng phấn khởi vì buổi làm việc cuối năm tuy chưa thật thoả mãn, nhưng đã ít nhiều có kết quả. Vì lâu ngày ra Hà Nội lại nhân dịp cuối năm nên tôi nhanh chóng rời toà án để thăm một số bạn bè thân hữu và cũng để thưởng thức Hà Nội ngày cuối năm.

Một thẩm phán tuyên đọc công khai bản án. Ảnh minh họa

Đến nhà bạn, thấy cành đào Tết rất đẹp, tôi tranh thủ lấy máy ảnh để ghi lại những khoảng khắc của Tết miền Bắc. Lục hết túi vẫn không thấy nó đâu, tôi hốt hoảng và bắt đầu lục lọi trong trí nhớ để tìm chiếc máy ảnh xấu số. Hy vọng duy nhất là tôi bỏ quên ở phòng làm việc của thẩm phán, nhưng càng nghĩ càng thấy lo vì toà án đông người, sợ có ai đó “cầm nhầm”. Chiếc máy ảnh ấy rất có giá trị với tôi về tinh thần cũng như vật chất nên nỗi buồn, lo càng nhiều thêm .

Tôi ở nhà bạn nhưng tâm trạng lại miên man nghĩ về chiếc máy ảnh đang nằm lạnh lẽo vô chủ ở đâu đó. Đang buồn và thất vọng, bỗng điện thoại của tôi réo lên với số máy lạ chưa mặc định tên. Người gọi thông báo chiếc máy ảnh để quên và hỏi tôi lúc nào quay lại lấy. Tôi mừng quá và vội quay lại tòa án ngay sau đó. Trời Hà Nội vào chiều, cái lạnh như càng lạnh hơn và mưa cũng như thêm nặng hạt. Vậy mà lòng tôi lại thấy ấm dần hơn khi nghĩ về “đứa con” đi lạc sắp tìm được.

Dọc đường tôi miên man suy nghĩ làm cách gì để cảm ơn vị thẩm phán tốt bụng? Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới, tôi gửi bao “lì xì” cho vị thẩm phán với lời cảm ơn và chúc Tết chân thành. Vị thẩm phán cảm ơn tôi về lời chúc Tết nhưng lại từ chối khéo không nhận bao “lì xì”. Anh gửi đến tôi nụ cười thân thiện và trao cho tay tôi chiếc máy ảnh còn nguyên vẹn.

Trên đường về khách sạn, trời Hà Nội với cái rét 120C chan trong những hạt mư­­a cuối Đông nhưng sao lòng tôi thấy ấm áp và bồi hồi lạ. Tôi đọc trên báo nhiều chuyện không hay về một số vị thẩm phán, về những vị quan tham. Thế nhưng hôm nay tôi được gặp một con người bằng xương, bằng thịt là thẩm phán lại hoàn toàn trái ngược với những gì tôi nghe, tôi đọc.

Thêm hành động đẹp để tạo nên những con người có ích, thêm những con người có ích để tạo nên những tổ chức tốt và thêm nhiều tổ chức tốt để xây dựng một xã hội văn minh. Mong rằng ngành toà án hãy xây dựng những chương trình có sức lan toả để tôn vinh những tấm gương tốt trong ngành. Họ là những bông hoa đẹp giữa vườn hoa của ngành toà án, nơi mà mọi người luôn nhìn vào, gửi trọn niềm tin và số phận.

Chia tay vị thẩm phán, rời xa Hà Nội và cái rét cuối Đông nhưng lòng tôi luôn ấm áp khi nghĩ về cử chỉ đẹp của vị thẩm phán và nhớ mãi câu nói của anh: “Không phải anh, mà tất cả những ai để quên tài sản ở đây, chúng tôi đều có trách nhiệm giữ gìn và trả lại cho họ”. Càng nghĩ tôi càng thấy tin tưởng hơn vào những người bảo vệ công lý của ngành toà án. Phía sau công việc bảo vệ công lý mà Đảng, Nhà nước giao họ còn giữ một trọng trách lớn hơn là xây dựng và giữ lòng tin cho dân.

Tôi thầm cảm ơn vị thẩm phán và mong cho những tấm gương ấy ngày càng được nhân rộng để mọi người học tập. Hãy cùng nhau hành động đẹp thay cho những lời nói sáo rỗng để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

Việc làm đẹp không phân biệt lớn nhỏ, lại càng không phụ thuộc vào vị trí công việc. Thay lời bình luận, tôi xin trích mẫu chuyện nhỏ về Bác Hồ kính yêu: Có lần Bác đến thăm một ngôi chùa, vào ngày đại lễ người rất đông và ai cũng để dép ngoài cửa khi vào chánh điện. Thấy Bác cúi xuống cởi dép, vị trụ trì nài nỉ Bác không phải cởi cứ đi vào tự nhiên. Bác từ tốn bảo, mọi người để dép ở ngoài là đúng, Bác cũng phải theo chứ. Trên đường về qua ngã tư đèn đỏ, cảnh vệ của Bác đề nghị cho xe qua nhưng Bác cản lại và nói mình phải gương mẫu chấp hành.

Mãi kể về hành động đẹp mà quên giới thiệu về người thực hiện, chắc sẽ thật thiếu sót khi không giới thiệu về anh đầy đủ, một vị thẩm phán còn rất trẻ, anh là: Nguyễn Mạnh Tiến - Thẩm phán toà án nhân dân quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Tết sắp đến, cầu chúc sự tử tế cho tất cả mọi người. Chúc cho một năm mới hạnh phúc, bình an!

Luật sư Thanh Tâm (VP. Luật sư HL NGHI XUÂN)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Qua đó, đã phát hiện 2 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với số lượng hơn 33kg và 1 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng trên 50kg. Tuy nhiên, những gì được phát hiện và xử lý chỉ là phần nổi của “tảng băng”!

  • Bột xương động vật từ nơi có dịch bò điên qua Campuchia vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo nóng

    Bột xương động vật từ nơi có dịch bò điên qua Campuchia vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo nóng

    Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chủ tịch UBND 6 tỉnh: Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, chấm dứt việc vận chuyển trái phép sản phẩm động vật được cho có nguồn gốc từ châu Âu (nơi có dịch bò điên) qua biên giới với Campuchia.

  • Huyện Cư Kuin: Sầu riêng non bị kẻ gian cắt phá

    Huyện Cư Kuin: Sầu riêng non bị kẻ gian cắt phá

    Lãnh đạo UBND xã Ea Hu (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc kẻ gian cắt phá hàng loạt trái sầu riêng non của người dân.

Top