Với lưu lượng người qua lại khá đông, công trình cầu treo tại thôn 3, xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái) có vai trò rất lớn trong phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nhưng hiện xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cũng đã biết việc này nhưng vì kinh phí không có nên “lực bất tòng tâm”, còn người dân hàng ngày vừa qua cầu vừa lo sợ tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Cầu treo ở thôn 3 xã Động Quan là con đường chính đi lại cho trên 700 hộ dân
Nhiều người dân ở xã Động Quan vẫn chưa hết bàng hoàng về câu chuyện ông Trần Văn Quang ở thôn 12 khi đi bộ qua cầu treo thôn 3 vào buổi tối bị thụt chân xuống lỗ hổng do miếng gỗ ở sàn cầu bị mục khiến ông rơi tự do từ độ cao 7m. Rất may có người phát hiện cứu kịp thời nên ông Quang giữ được tính mạng.
Ông Hoàng Đình Lực, người dân thôn 13, cho biết: “Hôm đó vào khoảng 9 giờ tối, tôi chuẩn bị bước lên cầu thì nhìn thấy phía bên kia có người đi bộ sang, sợ cầu yếu nên tôi đứng chờ để người kia sang rồi mới dám đi nhưng ai ngờ đến giữa cầu thì thấy người đó rơi xuống suối. Sợ quá, tôi hô hoán mọi người chạy xuống suối, may mà cứu được. Giờ đây cứ đi trên cây cầu là tôi thấy hãi lắm”.
Các ốc vít ở, dây néo ở bị hoen gỉ, đứt rời.
Cầu treo ở thôn 3 là tuyến đường chính để phục vụ việc đi lại của trên 700 hộ dân ở các thôn 3, 4, 12, 13, 14, 15 của xã Động Quan và 2 thôn của xã Phúc Lợi. Là tuyến đường ra trung tâm xã Động Quan nối với Quốc lộ 70 nên trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt người, xe cộ qua lại trên cây cầu này. Mỗi khi hộ nào trong khu vực có công việc lớn như đám cưới, ma chay thì UBND xã phải cử lực lượng công an đứng hai bên đầu cầu để điều tiết, nhắc nhở người dân không đi lên cầu cùng một lúc, tránh tình trạng quá tải gây ra tai nạn. Người dân chở hàng hóa không dám đi trên cầu thì cũng đành phải liều mình băng qua dòng suối.
Ông Kiều Văn Thông ở thôn 3 kể: “Nếu chúng tôi chở hàng hóa thì chỉ có cách đi xuống suối. Thế nhưng nhiều hôm nước dâng cao, chảy siết thì cũng chỉ biết đứng bên này nhìn bên kia thôi. Ai liều mạng mà sang thì chắc cũng bị cuốn trôi cả người lẫn hàng”.
Sàn cầu bị mục nát người dân phải thay bằng tre, vầu thường xuyên nhưng vẫn không đảm bảo
Được xây dựng từ năm 2006, đến nay cầu treo ở thôn 3 đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, sàn gỗ mục nát hoàn toàn, dầm cầu cũng như một số dây néo bị hoen gỉ, đứt rời, những chiến ốc còn lại cũng chỉ bám vào cho có chứ không còn tác dụng. Cực chẳng đành, các thôn phải huy động người dân lấy tre, vầu ra để làm lại sàn cầu, nhưng với vật liệu như vậy cũng chỉ được 1 - 2 tháng là lại gãy, mục nát. Người dân bất đắc dĩ trở thành diễn viên xiếc, nhắm mắt liều mình đi xe qua cầu, bất chấp tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Đỗ Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Động Quan, cho biết: “Chúng tôi đã treo biển cảnh báo để nhắc nhở bà con khi đi qua cầu, huy động các thôn tu sửa thường xuyên. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, bà con đã tiến hành sửa chữa ghép sàn cầu bằng tre, vầu 5 lần. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con có ý kiến, đề xuất xây dựng một cây cầu kiên cố hoặc ngầm tràn để an toàn đi lại hơn nhưng vẫn chưa thể thực hiện”.
Cầu yếu, người dân muốn vận chuyển hàng hóa phải lội qua suối
UBND huyện Lục Yên đã tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng của cầu treo ở thôn 3. Tuy nhiên, là huyện miền núi ngân sách hạn hẹp, hơn nữa kinh phí để xây dựng cầu mới hoặc ngầm tràn cũng khá cao nên huyện Lục Yên cũng chỉ tiến hành tu sửa vài lần và chỉ đạo UBND xã Động Quan đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân cẩn thận khi đi qua cầu.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, thiết nghĩ, tỉnh Yên Bái và ngành giao thông cần quan tâm sớm đầu tư xây dựng cầu mới hoặc ngầm tràn, đừng để “mất bò mới làm chuồng”, khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra mới thực hiện việc xây cầu.
Duy Khánh - Hoàng Hữu
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.