Cầu treo Xóm Bin, xã Tử Nê (Tân Lạc - Hòa Bình) có tổng mức đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, mặc dù chưa nghiệm thu nhưng đã bị hư hỏng.
Văn bản Sở GTVT Hòa Bình gửi Tổng cục Đường bộ đề nghị đơn vị thi công sửa chữa cầu.
Ngày 24/12/2015, Tổng cục Đường bộ có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình cầu Xóm Bin, sử dụng nguồn vốn của Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”.
Theo đó, cầu treo dân sinh Xóm Bin được xây mới do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng. Chiều dài nhịp cầu 40m; khổ cầu 1,5m. Cầu được thiết kế 3 phần chính gồm: kết cấu phần trên; kết cấu phần dưới và đường đầu cầu.
Nhiều vết nứt chạy dài bao quanh cột tháp.
Khi cầu được khởi công xây dựng, người dân ở Xóm Bin ai cũng vui mừng, phấn khởi vì sẽ được đi lại thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, cầu chưa được nghiệm thu đã bị hư hỏng 2 đường dẫn lên cầu, khiến người dân bức xúc.
Ngày 18/3/2016, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi Ban quản lý dự án 4 (Tổng cục Đường bộ) có ý kiến chỉ đạo nhà thầu thi công xây dựng (Tổng công ty 36 - Bộ Quốc phòng) khẩn trương tiến hành khắc phục, sửa chữa các phần hư hỏng để đưa cầu vào sử dụng. Tưởng rằng sau khi sửa chữa, cầu sẽ không bị hư hỏng như trước, ấy vậy mà sau nghiệm thu đưa vào sử dụng được khoảng 1 tháng thì 2 đường dẫn lên cầu tiếp tục bị hư hỏng, xuống cấp.
Bậc thang đi lên mặt đường dẫn bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo người dân phản ánh, ngày nào họ cũng đi làm qua đây chứng kiến đơn vị thi công làm rất ẩu phần đường dẫn, bà con bức xúc nhưng không biết kêu ai. Có thể nói chính sự giám sát lỏng lẻo của chủ đầu tư là nguyên nhân dẫn tới việc cầu chưa nghiệm thu đã hỏng.
Có mặt tại cầu treo Xóm Bin, có thể dễ dàng nhận thấy 2 đường dẫn lên cầu xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài bao quanh cột tháp. Nhiều vị trí bị lún sâu so với ban đầu 20 - 40cm; nhiều vị trí bê tông bị bong tróc. Theo ông Bùi Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tử Nê thì cách đây 1 tháng xã có biết thông tin cầu bị hư hỏng nhưng chưa xuống kiểm tra báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý.
Có vị trí đất bị sụt lún từ 20 - 40cm.
Ông Đinh Duy Khải, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tân Lạc, cho biết, trước khi nghiệm thu cây cầu đã bị hư hỏng, Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công xuống sửa chữa. Còn thông tin cầu bị hư hỏng lần 2 này huyện chưa nắm được. Qua hình ảnh phóng viên cung cấp thấy mức độ xuống cấp khá nghiêm trọng và phải xem lại chất lượng công trình vì trong thời gian ngắn có tới 2 lần bị hỏng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ), cho biết, cầu treo Xóm Bin nằm trong Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT phát động, là một trong 5 cây cầu treo được Tổng công ty 36 nhận tài trợ, đến nay, 3/5 cầu đã được đơn vị này xây dựng. Tuy Tổng cục Đường bộ là chủ đầu tư nhưng chỉ kiểm tra, thẩm định, khảo sát, giám sát, còn toàn bộ các khâu còn lại từ vốn đến thi công đều do Tổng công ty 36 thực hiện.
Từ bên này có thể nhìn thấu sang bên kia mép đường.
Theo ông Sỹ, nguyên nhân việc cầu chưa nghiệm thu đã hư hỏng là do đơn vị thi công lu, lèn chưa đúng theo kỹ thuật dẫn tới 2 đường dẫn lên cầu bị sụt, lún. Đáng ra khi sửa chữa phải bóc toàn bộ bê tông ra rồi lu, lèn, làm lại từ đầu nhưng đơn vị thi công chỉ trát lại những chỗ bị hỏng nên mới xảy ra tình trạng này. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí và người dân, Tổng cục sẽ có văn bản đề nghị Tổng công ty 36 khắc phục phần hư hỏng.
Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT phát động là việc làm đầy ý nghĩa nhằm kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay xây dựng cầu treo dân sinh quy mô nhỏ tại vùng sâu, vùng xa. Mùa mưa lũ đã đến, mong đơn vị thi công sớm khắc phục triệt để phần hư hỏng của cầu treo Xóm Bin để niềm vui của người dân nơi đây được trọn vẹn.
Hoàng Văn
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.