Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 2 năm 2021 | 15:25

Chàng trai trẻ với trại cá tầm dưới núi Hằng Nga

Liêng Srônh, xã vùng sâu của huyện Đam Rông (Lâm Đồng) bắt đầu được biết đến với những trang trại cá tầm, loại cá nước lạnh nổi tiếng. Và một gia đình còn rất trẻ đang khởi nghiệp với loại cá kén môi trường nuôi này.

ca.jpg
Nguyễn Duy Khánh trong trang trại cá tầm.

 

Nguyễn Duy Khánh sinh năm 1994 nhưng có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi cá tầm. Vốn phụ giúp cha mẹ nuôi cá, khi lập gia đình riêng, Khánh cũng theo nghề, mở trang trại cá tầm ngay tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông.

Khánh bảo: “Các trang trại cá tầm tại Đam Rông tập trung ở xã Rô Men là chính. Nhưng tôi chọn đất Liêng Srônh, vì đây cũng là nơi có khí hậu và nguồn nước  phù hợp với loại cá này. Hiện trại cá của tôi là trại cá tầm đầu tiên ở vùng này. Trang trại chuyên nuôi cá tầm Siberi lai Nga, chủng giống thích hợp với nhiệt độ nước 22-24 độ C, phù hợp với khí hậu Liêng Srônh”. 

Nằm ngay dưới chân núi Hằng Nga, nơi con suối Đạ Jam rì rào chảy, trang trại cá tầm của Nguyễn Duy Khánh rộng 5.000m2, có mái che được làm cẩn thận và hệ thống máy lạnh. Trang trại được chia làm hai phần rõ rệt, phần đặt các bể nhựa composite tròn ương cá bột, cá nhỡ và bể lớn, xây bằng xi măng nuôi cá thương phẩm. Khánh đặt tất cả 14 bể chăm cá giai đoạn nhỏ. Khánh bảo, trang trại nuôi cá bột với mật độ 700 con/ thùng. Cá tầm là loài khá đặc biệt, chuyên sống ở những vùng nước lạnh chảy xiết. Vì vậy, thùng nuôi cá bột cũng đòi hỏi phải có hệ thống áp lực nước xoáy, tạo môi trường gần với tự nhiên nhất cho cá phát triển. Tới khi cá lớn hơn, sẽ được chuyển tới các bể tương ứng. Cá tầm từ khi nhập tới khi bán có 4 giai đoạn phát triển, phải chuyển tới 4 loại bể khác nhau. Phải luôn đảm bảo mật độ cá vừa phải, tránh để quá dày, cá va chạm, xây xát sẽ chậm lớn. 

Ở giai đoạn sau cùng, khi đạt 500g, cá được chuyển xuống nuôi trong bể xi măng với diện tích 100m2/bể, chiều cao 1,2m và thường xuyên duy trì mức nước 1m. Thay vì phải sử dụng bơm áp lực để nước lưu chuyển, bể lớn được lấy nước trực tiếp từ suối Đạ Jam, dùng chênh lệch độ cao tự nhiên để tạo dòng chảy. Nguyễn Duy Khánh cho biết: “Nước trong bể cá tầm được lấy từ suối trên cao, nước vừa lạnh, vừa sạch, chảy ngày đêm qua bể và cũng tự chảy ra ngoài. Trại có xây một bể chứa nước thải, lọc sơ rồi nước chảy trở lại suối. Thực sự cá tầm chỉ chịu được nước sạch nên nước trong bể phải đảm bảo sạch, không ảnh hưởng đến môi trường”. 

Từ khi nhập cá bột về, Khánh chỉ sử dụng cám chuyên dùng cho cá nước lạnh, cho ăn với lượng vừa đủ. Nếu cho ăn thiếu, cá chậm phát triển; cho ăn dư sẽ làm nước bị ảnh hưởng, lại lãng phí vì cám cho cá nước lạnh giá khá cao. Một tuần/lần, trang trại xả sạch nước trong bể, để lại khoảng 30cm nước, “tắm” cho cá bằng thuốc tím và muối theo tỷ lệ quy định. Với cách nuôi đảm bảo nước sạch, áp lực nước chảy tốt và cho ăn hợp lý, chăm sóc đúng chuẩn, cá của trang trại phát triển khá tốt. Khánh cho biết, trang trại xây dựng và bắt đầu thả cá từ tháng 4/2020. Tới tháng 12/2020, trang trại đã xuất bán được 2.500 con, trọng lượng trung bình 1,8 kg/con, tổng trọng lượng xấp xỉ 5 tấn với giá 135 ngàn đồng/kg. Từ mức đầu tư 7 tỷ đồng, nhẩm tính sau 3 năm hoàn vốn ban đầu và sau đó là có lãi.

Là người trẻ, Nguyễn Duy Khánh mày mò tìm cách tự ấp cá bột từ trứng. Khánh bảo, các trại cá tầm thường nhập cá của các công ty lớn, có công nghệ ấp trứng ra cá bột. Khánh đang thử nghiệm ấp trứng cá tầm với công nghệ sục tuần hoàn, để trứng trôi nổi theo vòng xoáy nước. Trứng nào nở, cá con sẽ tự động trôi vào phễu. Công nghệ không dễ với người “tay ngang” nhưng Khánh đang mày mò và hy vọng sẽ có ngày trang trại tự ấp được cá bột từ trứng. 

Ông Bùi Tiến Viết, Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh, đánh giá, trang trại cá tầm của anh Khánh là trang trại cá tầm đầu tiên của xã. Thành công của trang trại mở hướng mới cho bà con trong xã cũng như thu hút những nhà đầu tư nơi khác tới Liêng Srônh phát triển sản xuất.

 

 

Diệp Quỳnh
Ý kiến bạn đọc
Top