Những tháng gần đây, do việc xuất khẩu thuận lợi nên giá cá tra ở ĐBSCL tăng cao, từ đó nhiều người đổ xô nuôi khiến các ngành chức năng phải cảnh báo.
Theo Tổng cục Thủy sản, so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi cá tra công nghiệp quý I/2018 đạt khoảng 3.900 ha, tăng 2,1%; sản lượng khoảng 222.200 tấn, tăng 5,7%. Trong quý I/2018, giá cá tra liên tục đạt mức cao (dao động ở mức 27.000 - 29.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng, kích cỡ và phương thức thanh toán) và có xu hướng tăng. Có nơi giá cá tra lên 29.000 - 32.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao trong nhiều năm qua, người nuôi lãi khá.
Ồ ạt thả nuôi
Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết diện tích nuôi cũng như sản lượng cá tra trong năm 2018 sẽ tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích thu hoạch cá tra trong năm 2018 dự kiến lên khoảng 900 ha, trong khi năm 2017 là 860 ha; tổng sản lượng khoảng 317.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với năm trước. Theo ông Tuấn, diện tích nuôi năm 2018 xấp xỉ mức quy hoạch nuôi cá tra đến tận năm 2015, còn sản lượng thì đã vượt.
Tại TP Cần Thơ, dù đã được khuyến cáo nhưng nhiều hộ dân vẫn cải tạo ao hoặc đào ao mới khiến diện tích thả cá nuôi tăng cao so với năm trước. Đến giữa tháng 5, TP này đã thả nuôi khoảng 530 ha cá tra, tăng hơn 23% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Tháp, ước tính diện tích nuôi cá tra 6 tháng đầu năm lên tới 1.759 ha, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Giá cá tra thương phẩm liên tục tăng cao, dao động 29.000 - 32.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ). Các hộ nuôi lãi từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Do đó, người dân mở rộng diện tích nuôi, thậm chí một số vùng nuôi mới nằm ngoài quy hoạch gây khó khăn trong việc quản lý và nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Gần đây, tại các xã Tân Công Chí, Tân Phước, Tân Thành A, Tân Hộ Cơ của huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra tình trạng đào ao nuôi thủy sản không theo quy hoạch và chưa được huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Từ đầu năm đến nay, huyện này có khoảng 100 ha đất trồng lúa chuyển sang nuôi cá tra.
Nhiều người đào ao để tăng diện tích thả nuôi cá tra. Ảnh: NGỌC TRINH
Không để tự phát
Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT nhận định người dân và doanh nghiệp tại một số địa phương đã tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất lúa sang ương, nuôi cá tra) không theo quy hoạch của địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích nuôi cá tra mà thay vào đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, nuôi đúng diện tích đã quy hoạch theo hướng sạch, an toàn thực phẩm và gắn kết với nhu cầu của thị trường để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vừa ký văn bản yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc hạ thấp lớp đất mặt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản. Trong đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và kiên quyết xử lý việc đào ao nuôi cá ngoài vùng quy hoạch (nhất là cá tra) theo quy định. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người khác mà không xử lý kịp thời thì chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm.
Việc mở rộng diện tích nuôi cá tra có thể dẫn đến thừa nguồn cung khi xuất khẩu mặt hàng này đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc - thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro.
Chỉ thả nuôi thêm khi xác định được đầu ra Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác nuôi cá tra để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, chỉ thả nuôi khi đã xác định được địa chỉ đầu ra hoặc có liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong ương, nuôi cá tra; hướng dẫn người nuôi rải vụ, thả nuôi mật độ phù hợp; chỉ sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục cho phép lưu hành khi cần thiết và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật; không sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặc biệt tại các vùng nuôi, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung để kịp thời cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi và các đối tượng có liên quan. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.