Cụ thể, khoảng 8h35 cùng ngày, cơ quan chức năng nhận được tin báo cháy xảy ra tại hộ sản xuất, kinh doanh chăn ga, gối đệm ở Đội 7, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín.
Ngay lập tức, Công an huyện Thường Tín đã điều động phương tiện và cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường, đồng thời Công an thành phố đã chi viện thêm phương tiện cứu hoả từ Công an huyện lân cận.
Khi lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường, vụ cháy đã tăng mạnh và lan ra 4 hộ kinh doanh.
Theo Công an TP Hà Nội, vụ cháy diễn biến phức tạp do chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu chăn, ga, gối, đệm dễ bắt cháy, sinh ra nhiều khói khí độc. Các mũi chữa cháy thông qua cơ sở dữ liệu quản lý, khai thác về nguồn nước của công an thành phố để tổ chức triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan sang nhà dân và hộ kinh doanh lân cận.
Đến 9h35, vụ cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích xảy cháy khoảng gần 300m2. Bước đầu, vụ cháy không gây thiệt hại về người, nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ.
Trước đó, sáng 1/5, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) Công an TP.Hà Nội cho biết, lực lượng này đang tích cực khắc phục đám cháy ở xưởng gỗ tại xã Yên Viên (H.Gia Lâm, Hà Nội).
Theo thông tin ghi nhận, khoảng 4 giờ 10 ngày 1/5, Trung tâm chỉ huy Công an TP.Hà Nội nhận được tin báo cháy tại xưởng gỗ dán thuộc Công ty TNHH Hải Nam đóng tại thôn Yên Viên (xã Yên Viên). Nhận định đám cháy phức tạp, khả năng cháy lan sang nhà dân rất cao, PC07 Công an TP. Hà Nội đã huy động 11 xe chữa cháy và hơn 80 cán bộ chiến sĩ của nhiều quận, huyện lân cận.
Ngoài ra, PC07 Công an TP.Hà Nội cũng xuất 1 xe chỉ huy và 5 cán bộ tới hiện trường chỉ huy chữa cháy. Công an TP.Hà Nội cũng huy động hàng chục cán bộ công an địa phương, lực lượng CSGT phân luồng, đảm bảo an ninh trong quá trình dập lửa.
Khu vực xảy ra cháy có diện tích lớn, với nhà 1 tầng khung thép, mái tôn. Chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu dễ bắt cháy, vận tốc cháy lan nhanh, ngoài việc dập lửa, lực lượng chức năng cũng triển khai nhiều mũi chống cháy lan.
Đến khoảng 5 giờ 10 ngày 1/5, đám cháy cơ bản được khống chế, không để cháy lan. Đến 8 giờ ngày 1/5, lực lượng PCCC và CNCH vẫn đang tích cực dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Bước đầu, PC07 Công an TP.Hà Nội xác định không có thương vong, tuy nhiên nhiều tài sản bị thiêu rụi, khung thép, mái tôn của xưởng gỗ bị đổ sập.
Xảy cháy liên tiếp, do đâu?
Chỉ trong 2 ngày nghỉ là mùng 1 và 2/5, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy kho, xưởng lớn với diện tích từ 300m2 đến gần 1.000m2, gây thiệt hại về tài sản. Những vụ cháy này gióng lên hồi chuông báo động về sự mất an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở.
Trong hai vụ cháy nói trên cho thấy sự lơ là, chủ quan của người dân, chủ sơ sở. Đặc biệt, trong vụ cháy tại địa bàn huyện Gia Lâm còn cho thấy sự bất chấp quy định về an toàn PCCC của những người có trách nhiệm tại cơ sở này. Sở dĩ, xảy cháy vì không đủ điều kiện an toàn PCCC, mà cơ sở này đã được cơ quan công an tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý tạm đình chỉ 2 lần. Tuy nhiên, với lợi ích trước mắt chủ nhân đã không chấp hành quy định, tiếp tục hoạt động dẫn đến hậu qủa đáng tiếc xảy ra.
Phân tích nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ, chỉ huy CAH Gia Lâm cho biết: “hỏa hoạn rình rập vào mùa nắng nóng bởi thiết bị điện sử dụng gia tăng, vì thế ngay cả những cơ sở đáp ứng đủ điều kiện an toàn PCCC theo quy định cũng vẫn ẩn chứa nguy cơ, chứ không phải cứ đủ điều kiện là không thể xảy cháy.
Chính vì thế, những cơ sở đã bị cơ quan chức năng tạm đình chỉ và đình chỉ là để đảm bảo đúng quy định về an toàn PCCC, cũng như bảo đảm tính mạng của chính chủ nhân và người lao động”.
Chấp hành an toàn PCCC là quy định bắt buộc
Đảm bảo an toàn PCCC không phải chỉ là hành động cụ thể của người lao động, mà trong đó có vai trò trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu cơ sở. .
Đối với kho xưởng, cơ sở sản xuất tiềm ẩn rủi ro cháy, nổ thì việc nắm vững và chấp hành nghiêm quy định về PCCC phải được coi là sự sống còn.
Xác định rõ sự nguy hiểm của hỏa hoạn, lực lượng Công an luôn đưa ra các biện pháp phòng ngừa từ xa, từ sớm và trong ý thức của người dân. Còn ở cơ sở kinh doanh, sản xuất, vai trò người đứng đầu cơ sở rất quan trọng, phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC thì nơi đó sẽ an toàn.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trước khi tiến hành công việc, phải thực hiện kiểm tra an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sản xuất do mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn cháy, nổ, phải tìm mọi cách để khắc phục và báo ngay người quản lý trực tiếp biết.
Công việc thường xuyên để đảm bảo an toàn PCCC mà bất kể ai cũng phải thực hiện là tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt, đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực mình quản lý khi không dùng.
Sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu, xăng, dầu, khí cháy thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định. Hàng hóa trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC.
Lắp đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng các nguồn điện chiếu sáng, phục vụ thoát nạn, chữa cháy, sản xuất…
Trên đây là những quy định bất di, bất dịch, nếu tuân thủ nghiêm ngặt thì sẽ phòng ngừa hỏa hoạn đạt hiệu quả và thiệt hại sẽ được kiềm chế.
Hỏa hoạn thường do con người gây ra vì tác động vào những thiết bị mà không tuân thủ quy định, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế và kiểm tra. Chỉ một suy nghĩ đơn giản, chủ quan “cháy làm sao được” là hậu quả lớn. Một hành vi tự ý như câu mắc điện không quấn băng dính, không lồng trong ống gen cũng có thể chập và dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Khi tiến hành hàn, cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy, di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn, cắt, không để vảy hàn tiếp xúc với các vật dễ cháy và phải cử người trông coi thường xuyên trong suốt quá trình hàn, cắt. Nếu bỏ qua việc này cũng sẽ là hậu họa không lường, bởi chỉ sơ suất nhỏ có thể gây cháy lớn.
Con người luôn là yếu tố cốt lõi trong thực hiện các quy định về PCCC và ngay từ mỗi bộ phận, phân xưởng, ca làm việc đều cần phải có tổ, hoặc người tham gia Đội PCCC cơ sở và phải bố trí lực lượng thường trực chữa cháy 24/24 giờ, bảo đảm điều kiện chữa cháy tại chỗ.
Cùng với con người thì việc trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn phải phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm tại từng khu vực sản xuất là điều kiện tiên quyết. Để tăng tính chủ động, bất cứ sơ sở nào cũng cần xây dựng phương án PCCC, CNCH để cứu người trong tình huống khẩn cấp khi hỏa hoạn xảy ra.