Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 3 năm 2018 | 16:21

Phòng chống cháy rừng, cúm gà, khôi phục thảo quả sau rét

Nguy cơ cháy rừng mùa hanh khô 2017 -2018 đang ở mức cao, đây cũng là thời điểm khó lường của dịch cúm gia cầm, và khẩn trương khôi phục thảo quả sau rét hại, của bà con 3 tỉnh phía Bắc.

Điện Biên: Chủ động phòng, chữa cháy rừng mùa hanh khô

Hiện, đang là cao điểm mùa hanh khô năm 2017  -  2018, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao. Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chính quyền địa phương, các chủ rừng đã chủ động chuẩn bị phương án phòng cháy, phương tiện, bố trí nhân lực sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Những năm qua, nhận thức của người dân, chủ rừng về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã được nâng lên. Người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc xử lý thực bì, đốt nương theo quy trình, đúng giờ, phát đường băng cản lửa góp phần phòng ngừa các nguy cơ cháy rừng. Ðối với rừng sản xuất, người dân quản lý khá tốt. Rừng tự nhiên đã tổ chức quản lý theo cộng đồng dân cư, có xây dựng hương ước quản lý, bảo vệ, trữ lượng rừng được tăng lên. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ cháy rừng vẫn luôn thường trực. Nguy cơ xảy ra cháy rừng cao là địa bàn các huyện: Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Chà, Ðiện Biên và các khu rừng giáp ranh với các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 7,4ha rừng.

 

b-11.jpg

 Kiểm lâm địa bàn và người dân xã Thanh Nưa  phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng.

Ông Chữ Bá Huy, Phó phòng Quản lý, bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Từ đầu mùa khô năm 2017 - 2018, Chi cục đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các phương án PCCCR, bảo vệ rừng và chỉ đạo các Hạt kiểm lâm chủ động thực hiện. Theo đó, Hạt Kiểm lâm các huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai cụ thể các phương án, kế hoạch PCCCR đến chính quyền cấp xã, các chủ rừng và nhân dân trên địa bàn. Ðến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn, bổ sung 10/10 ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện, 100% ban chỉ huy cấp xã, củng cố trên 1.000 tổ đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR cấp thôn, bản.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR được quan tâm thực hiện góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm phòng cháy của người dân, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi được huy động.

Kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng; chính quyền các cấp kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ phương tiện chữa cháy rừng. Hạt kiểm lâm các huyện cũng thường xuyên theo dõi diễn biến tăng giảm của rừng, phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến các xã, bản và các chủ rừng trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát rừng và xử lý vi phạm. Khi cháy rừng xảy ra, ban chỉ huy PCCCR cơ sở phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhanh chóng dập tắt đám cháy, không để cháy lan rộng. Trong trường hợp cháy rừng lớn, quá tầm kiểm soát, Ban chỉ huy PCCCR cơ sở phải báo cho Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện để huy động lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy.

Huyện Mường Chà có 40.223ha diện tích đất có rừng. Trong đó, có 39.025ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Ngay từ đầu mùa hanh khô năm nay, Ban Chỉ đạo PCCCR huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ huy PCCCR do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, kiểm lâm địa bàn làm phó ban, các ban, đoàn thể là các thành viên; củng cố, kiện toàn 109/109 tổ, đội PCCCR tại các thôn, bản với 1.628 người tham gia. Mỗi tổ, đội từ 3 - 5 người có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát rừng, phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng trên địa phận thôn, bản mình quản lý. Tổ chức ký cam kết không để xảy ra cháy rừng với 7.591 hộ dân.

Ông Lường Văn Toàn, Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: Triển khai các phương án PCCCR mùa khô năm 2017 - 2018, huyện Mường Chà đã nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác PCCCR, lấy phòng ngừa là chính. Hạt Kiểm lâm chỉ đạo kiểm lâm địa bàn luôn bám sát địa bàn, tăng cường tuần tra, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về sản xuất trên nương tại các vùng đã quy hoạch: Thực bì phát nương phải được vun thành đống, luống để đốt; phát đường băng cản lửa trước khi đốt nương; đốt nương lúc trời râm mát, lặng gió; khi đốt phải có người canh gác và phải báo cho trưởng bản trước khi đốt...

Vĩnh Phúc: Kịp thời phòng chống bệnh cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của những chủng cúm gia cầm, thời điểm này, các ngành chức năng trên địa bàn Vĩnh Phúc đang tích cực vào cuộc, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm nâng cao ý thức chủ động phòng chống, không để vật nuôi nhiễm bệnh và làm lây lan ra cộng đồng.

 

c-g-2.jpg

Nhân viên thú y xã Hồ Sơn (Tam Đảo) tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.

Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt gần 10 triệu con. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, từ năm 2017 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thu thập và phân tích 60 mẫu gộp (300 mẫu đơn) tại 30 chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn 9 huyện, thành, thị gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương phân tích, trong đó, có 10/60 mẫu (16,7%) dương tính với virus cúm gia cầm; tiếp tục tiến hành giám định 10 mẫu, cho kết quả 2 mẫu dương tính với virus gây bệnh cúm gia cầm H5N6.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, ngày 13/2/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1120/UBND - NN3 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống virus cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm nguy hiểm khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh, bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm và sức khỏe của người dân. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về tình hình dịch cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm khác.

Thực hiện phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm quyết liệt, triệt để ngay từ cơ sở, hộ chăn nuôi, hộ giết mổ, kinh doanh và người dân nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; nghiêm cấm các hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm và ở người, nhằm phát hiện nhanh, xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh.

Khẩn trương rà soát, quy hoạch cụ thể khu vực buôn bán gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống; tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và các biện pháp xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9 tại chợ. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2018 theo kế hoạch của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện nay, do đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng, do vậy nguy cơ xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm là rất cao. Với quy mô chăn nuôi trên 2.000 gà, gia đình anh Phạm Ngọc Bảo, thôn Vỏ, xã Hoàng Lâu (Tam Dương) luôn cẩn trọng trong công tác phòng trừ dịch cúm gia cầm, giảm thiểu thiệt hại do bệnh cúm gia cầm gây ra.

Trong diện tích chuồng nuôi 2.300m², anh Bảo định kỳ vệ sinh khử trùng chuồng trại chăn nuôi 1 lần/tuần bằng các loại hóa chất như: Cloramin, vôi bột... trước cửa chuồng hoặc cổng ra vào khu chăn nuôi có hố sát trùng. Đối với những con gia cầm mới được nhập về, cách ly trong vòng 10 ngày để theo dõi sau đó mới cho nhập đàn.

Trong quá trình nuôi cách ly, gia đình thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, các chất điện giải chống mất nước. DDàn gà của gia đình anh sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, xuất chuồng khoảng 5 lứa/năm, cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tăng cường công tác tổ chức lấy mẫu giám sát virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác tại các chợ gia cầm sống nhằm phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn tỉnh; xử lý các trường hợp buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Hà Giang:  Khôi phục diện tích thảo quả sau rét hại

Những năm gần đây, ngoài thế mạnh chè Shan tuyết, người dân  xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) còn đẩy mạnh phát triển trồng Thảo quả. Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, các thôn Nà Thác, Khuổi Mi, Lùng Vài có khí hậu rất phù hợp với cây Thảo quả.   

 

hg-3.jpg

 Bà con chăm sóc thảo quả sau rét

Đồng chí Lý Văn Ơn, Bí thư Chi bộ thôn Nà Thác cho biết: Đợt rét đậm, rét hại năm 2016 ảnh hưởng nhiều đến sản lượng Thảo quả, toàn thôn có gần 45ha, nhưng có tới hơn 20 ha bị chết, bà con đã chủ động ươm giống, trồng bổ sung. Dẫn chúng tôi lên đồi Thảo quả, anh Lý Văn Thiệp, người thôn Nà Thác tâm sự: Trước đây, mỗi lần lên chăm sóc Thảo quả, bà con phải mang cơm nắm, chăn màn, leo cả buổi mới lên tới nơi. Hai năm gần đây, thôn Nà Thác đã vận động bà con làm đường, xe máy có thể đi lại nên rất thuận tiện chăm sóc rừng Thảo quả.

Bí thư Chi bộ thôn Nà Thác, Lý Văn Ơn cho biết thêm: Ngày xưa Thảo quả mọc hoang, thi thoảng lên rừng, các cụ lấy về nướng qua than lửa rồi giã với ớt làm nước chấm trong bữa cơm. Lúc ấy, cây Thảo quả cũng chỉ như những thứ gia vị bình thường rừng núi ban cho con người nơi đây. Nhưng sau này, nền kinh tế phát triển, các thương lái trong và ngoài nước liên tục tìm mua, bà con nhận ra đây là  giống cây đem lại lợi ích kinh tế cao nên bắt đầu trồng, chăm sóc. Thảo quả giờ trở thành cây trồng chủ lực của ba thôn người Dao, giá bán dao động từ 270-400 nghìn đồng/kg quả khô nên đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Thôn Khuổi Mi có 110 ha Thảo quả, trong đó, 50ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 2,3 tấn khô năm vừa qua; hộ anh Lý Văn Ơn thu hoạch nhiều nhất thôn, ước đạt 100 triệu đồng/vụ.

Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Mi, Tương Văn Kẻng cho biết, đợt rét đậm cuối tháng 1 vừa qua, 20% diện tích Thảo quả đang ra hoa bị băng giá làm rụng hết, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng năm 2018.

Nhận thấy lợi ích kinh tế từ cây Thảo quả, chính quyền xã Phương Độ đã tạo điều kiện, vận động bà con mở rộng diện tích. Hiện xã đã giao cán bộ khuyến nông đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân chăm sóc, phục hồi Thảo quả bị chết rét. Chị Trần Thị Thấm, cán bộ khuyến nông xã cho biết, hiện xã đang triển khai dịch vụ hỗ trợ phân bón trả chậm cho bà con, đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông, lâm sản mũi nhọn.

Dù gặp không ít khó khăn về thời tiết trong mùa Đông vừa qua, nhưng với sự phối hợp đồng bộ của bà con 3 thôn và các cấp chính quyền xã Phương Độ, tin tưởng rằng cây Thảo quả sẽ tiếp tục đem lại nguồn thu lớn.

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top