Khi hội nhập sâu và rộng, nước ta sẽ gặp phải nhiều thách thức như thể chế, chính sách, cơ chế quản lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lợi thế - dân số vàng
Hiện nay, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, Việt Nam có khoảng 94 triệu người, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 55,16 triệu người. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước 54 triệu người, bao gồm 20,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 38,6%); khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người (chiếm 26,7%); khu vực dịch vụ 18,7 triệu người (chiếm 34,7%).
Đồng thời, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành, năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017.
Song song, chất lượng lao động Việt Nam trong những năm qua cũng đã từng bước được nâng lên; lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài…
Năm 2020, ngành nông nghiệp thiếu 3,2 triệu lao động chất lượng
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.
Lao động trẻ, có trình độ, tay nghề, kỹ thuật, thông thạo ngoại ngữ… là nhu cầu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tại những ngày hội tuyển dụng việc làm, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng nhân lực thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng để đào tạo lại. Mặc dù vậy, có đến 46% nguồn nhân lực trong nông nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong nông nghiệp nói riêng.
Từ góc độ nhà tuyển dụng, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam, cho biết: Nhìn chung, sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp hiện nay về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có hai kỹ năng mà sinh viên cần được tiếp tục bổ sung để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây chính là sự bất cập, tác động không nhỏ đến sự phát triển đang có xu hướng chậm lại của nông nghiệp nước ta. Do đó, cần nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp để có thể thích ứng sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.
Thời đại cạnh tranh về nhân lực
Phát biểu tại Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định, ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên trí thức và công nghệ, với quy mô 100 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỷ USD, xuất siêu trên 25 tỷ USD và với xấp xỉ 1 triệu lao động.
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh. Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.
Để có nhân lực tốt, doanh nghiệp như Viettel đã phải chi 5-10% (500-1.000 tỷ đồng/năm) cho đào tạo. Đào tạo tại doanh nghiệp bởi chuyên gia, bởi cán bộ của doanh nghiệp hoặc gửi vào nhà trường để đào tạo hoặc thiết kế chương trình để nhà trường đào tạo. Nguồn chi phí lớn như vậy lại tạo ra thị trường cho nhà trường và giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Cơ hội và thách thức
Việc các nước thành viên FTA, nhất là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu) và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu) mà Việt Nam vừa ký kết, phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, cũng như thực hiện quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội - công đoàn, đặc biệt là về những điều kiện tối thiểu: An toàn vệ sinh lao động, tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và nghỉ ngơi,...
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, mỗi năm có hơn 1 triệu người tham gia vào thị trường lao động. Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng việc có tới gần 80% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc có bằng cấp đang cản trở Việt Nam khai thác hiệu quả cơ hội này.
Trong khi đó, lợi thế và hàm lượng về chi phí nhân công rẻ đang giảm dần cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, áp lực cạnh tranh thị truờng và nhu cầu tăng lương, cải thiện chất lượng sống của ngưòi lao động. Sự tham gia các hiệp định FTA sẽ tác động mạnh tới tất cả các hoạt động kinh tế, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.
Trước hết, lao động Việt Nam vừa có cơ hội dịch chuyển chỗ làm, cải thiện thu nhập trong các nước thành viên các FTA khác theo quy định; đồng thời, cũng chịu áp lực việc làm do dịch chuyển lao động đến từ những nước này ngay trên “sân nhà”. Doanh nghiệp có cơ hội thu hút nhân lực cao từ các nước khác, nhưng cũng chịu áp lực từ hoạt động “săn đầu người” của các công ty nhân lực hay tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới.
Xu thế chuyển dịch lao động giữa các nước thành viên vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho ngành giáo dục - đào tạo và tự nâng cao trình độ để tìm kiếm và giữ cơ hội việc làm của người lao động, nhất là lao động trẻ.
Phát triển thị trường lao động có tổ chức, chất lượng cao đang và sẽ ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc và công cụ đắc lực để hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, lực lượng lao động Việt Nam nói chung trong bối cảnh đó.
Chia sẻ giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, ông Stephan Ulrich, Quản lý Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho rằng, Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, giáo dục - đào tạo và khởi nghiệp cần phải cải cách. Sự kết nối giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực đào tạo để làm sao lĩnh vực tư có thể đưa phản ứng, thúc đẩy cho lĩnh vực công thay đổi, cải tiến.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Lao động, nguồn nhân lực là yếu tố sống còn để thu hút các nhà đầu tư, có thêm nhiều nhà máy để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, từ đó tăng năng suất lao động”.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.