Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 8 năm 2015 | 3:49

Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm có dấu hiệu trốn thuế?

Thu các khoản lát sàn gỗ, ốp trần thạch cao, sửa lại nhà… nhưng chỉ sử dụng phiếu thu mà không xuất hóa đơn hợp pháp, rõ ràng Ban quản lý Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm (Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên) đang có dấu hiệu trốn thuế.

>> Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thu phí nhưng không xuất hóa đơn: Đúng hay sai?

>> Tréo ngoe những khoản phí ở chung cư Mường Thanh

Báo Kinh tế nông thôn đã có loạt bài phản ánh bức xúc của nhiều cư dân tại các toàn nhà thuộc Khu đô thị Linh Đàm (do Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư) khi phải “còng lưng” nộp những khoản phí bất hợp lý mà Ban quản lý dự án đưa ra.

Giới luật sư cho rằng, các văn bản ban quản lý tòa nhà đưa ra buộc cư dân đóng tiền là không đủ cơ sở pháp lý.

Theo đó, khi bắt đầu dọn đồ đến đây ở, các cư dân phải nộp các khoản phí như: Ốp trần thạch cao: 500.000 đồng/căn, lát sàn gỗ 500.000 đồng/căn; cải tạo xây dựng căn hộ gần 2 triệu đồng/m3… Trước sự việc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm mập mờ các khoản thu và có dấu hiệu trốn thuế, luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, đã có những bình luận xác đáng.

Những văn bản được soạn ẩu, vô pháp lý

Theo luật sư Lê Văn Trung, các văn bản thông báo của Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm gửi đến các hộ dân về khoản phí vệ sinh môi trường, thu gom vận chuyển rác thải phát sinh không có giá trị pháp lý. “Văn bản đề ngày 25/5/ 2015 đã được gửi đến các hộ dân, tại văn bản này tôi còn không thấy số văn bản”, luật sư Trung cho hay.

Theo luật sư Trung, về nguyên tắc, không chỉ khoản thu này mà bất kỳ khoản thu nào cũng phải rõ ràng, minh bạch. “Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm căn cứ vào đâu để thu tiền của chủ sở hữu hay người sử dụng căn hộ. Trong văn bản này không hề có bất kỳ căn cứ nào cả, nói cách khác là Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm chưa đưa ra được căn cứ dựa vào đâu để thu tiền của dân?”, luật sư Trung đặt câu hỏi.

Không chỉ vậy, luật sư Trung còn cho rằng, mức giá mà Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thông báo trong văn bản này quá cao và vô lý.  “Nhìn vào giá đưa ra này ta thấy hoàn toàn là giá áp đặt và quá cao đến mức không tưởng và vô lý, làm gì mà vệ sinh đã mất trên cả trăm triệu đồng”, luật sư Trung nhận định.

Khuôn viên chung cư Linh Đàm ngổn ngang rác khiến nhiều cư dân bức xúc.

Trước việc đại diện Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thừa nhận việc thu tiền chỉ xuất phiếu thu mà không có hóa đơn đi kèm theo đúng quy định của pháp luật, luật sư Trung cho rằng: “Phiếu thu được hiểu là một chứng từ hợp pháp được dùng để ký nhận trong việc thanh toán cho bên nhà cung cấp. Có nghĩa rằng, phiếu thu chỉ thể hiện quá trình giao dịch tiền mặt. Sau đó, họ phải có hóa đơn tài chính kèm theo. Phiếu thu chỉ là một hình thức giúp cho cả hai bên hiểu là mình đã thanh toán và bên khách hàng đã trả tiền”.

Theo luật sư này, nếu vị Phó giám đốc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thừa nhận những khoản phí này chỉ có phiếu thu và không hề xuất hóa đơn thì phải trả lời nhiều câu hỏi tiếp theo như: Thu cho ai? Khoản tiền này để vào đâu hay hạch toán vào đâu? Cơ quan thuế căn cứ trên hóa đơn để tính thuế của doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp đã thu tiền mà không xuất hóa đơn thì cho thấy có dấu hiệu trốn thuế.

Đừng lầm tưởng phiếu thu với hóa đơn

“Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mã số thuế 5600128057-025. Do đó, đơn vị này phải có trách nhiệm xuất hóa đơn thu chi. Việc ông Đặng Hữu Kỳ, Phó giám đốc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm, thừa nhận không xuất hóa đơn là sai luật, cần bị xem xét trách nhiệm”, luật sư Trung nói.

Một vấn đề khác cũng được cư dân đặt nghi vấn, liệu những khoản thu này có trái với các quy định của pháp luật? Phân tích về nghi vấn này, luật sư Lê Văn Trung cho rằng, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tại đây đang được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật như Luật Nhà ở, Thông tư số 37/2009/TT-BXD ngày 1/12/2009 hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư, Quy chế số 01/2013/QĐ-UBND ngày 4/11/2013về quản lý và sử dụng nhà chung cư cùng các văn bản khác có liên quan.

Tại khoản 2 Điều 106 Luật Nhà ở thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và các chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Thông tư số 37/2009/TT-BXD ngày 1/12/2009 hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư cũng đã quy định các chi phí sử dụng nhiên liệu, điện, nước, điện thoại, internet và các dịch vụ khác của từng căn hộ không tính trong giá dịch vụ nhà chung cư, mà do người sử dụng căn hộ trực tiếp chi trả với đơn vị cung cấp dịch vụ đó (nếu có hợp đồng sử dụng riêng) hoặc trả cho doanh nghiệp quản lý vận hành (nếu không có hợp đồng sử dụng riêng) theo khối lượng thực tế tiêu thụ và được tính toán cộng thêm phần hao hụt (nếu có).

Từ những quy định trên cho thấy, việc ốp trần thạch cao, lát sàn gỗ, cải tạo xây dựng căn hộ…, hiểu một cách đơn giản là theo nhu cầu của từng chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư mà không nằm trong phí dịch vụ của nhà chung cư. Do đó, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không nhất thiết phải thuê Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm dọn vệ sinh cho mình mà có thể thuê bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Việc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm ra thông báo về giá vệ sinh, nhưng chủ sở hữu hay người sử dụng có thể không sử dụng dịch vụ này mà sử dụng dịch vụ vệ sinh ngoài cho thuận lợi và rẻ hơn là quyền của họ. Nếu Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm có bất kỳ hành vi nào ngăn căn việc sử dụng dịch vụ vệ sinh của chủ sở hữu, người sử dụng từ bên ngoài cho các công việc trên là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Một góc chung cư Linh Đàm đang trong quá trình hoàn thiện.

Nói về những khoản phí mà Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thu, chi nhưng cư dân lại không biết và cũng không ai giám sát được, luật sư Trung cho rằng, về vấn đề nhằm giải quyết vệ sinh môi trường như ông Kỳ nói thì tại điểm b khoản 1 Điều 11 Luật Nhà ở đã có quy định rõ nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng nhà ở phải thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. Nếu chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng nhà ở không thực hiện việc bảo đảm vệ sinh, môi trường thì chính họ phải chịu chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó, chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở phải có trách nhiệm thuê tổ chức, cá nhân có chức năng để thực hiện dịch vụ đảm bảo vệ sinh, môi trường đó là nghĩa vụ của họ. Nếu Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm có đủ chức năng và khả năng thực hiện dịch vụ vệ sinh trong những trường hợp này thì họ phải thỏa thuận giá với người sử dụng dịch vụ. Nhưng ở đây họ không làm như vậy mà ra thông báo về giá và gần như bắt buộc nhưng người dân tại đây phải chấp nhận giá mà họ đưa ra là không đúng.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật ?

"Việc ông Kỳ cho biết số tiền thu được bao nhiêu, chi phí như thế nào thì cư dân không được biết và cũng không có ai giám sát thì quả là rất “bất thường”. Bởi như trên tôi đã nói, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm là một doanh nghiệp và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, do đó tài chính phải được minh bạch, nếu cư dân không được biết và cũng không ai giám sát thì tiền ở đây chẳng khác nào của một cá nhân. Qua đây cho thấy đang có sự vô tình hay cố ý nhầm lẫn giữa công việc của doanh nghiệp và công việc của cá nhân, nói cách khác là đang có sự lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp để thực hiện công việc của cá nhân, đang thực hiện các khoản thu cho cá nhân", luật sư Trung nói.

“Lời khuyên cho người dân đang sống tại các nhà chung cư do Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biện nói riêng, cho người dân đang sống tại các khu chung cư nói chung là phải tách bạch được các chi phí cấu thành giá dịch vụ nhà chung cư và chi phí không cấu thành giá dịch vụ nhà chung cư. Theo quy định tại Thông tư số 37/2009/TT-BXD ngày 01/12/ 2009 thì chi phí cấu thành giá dịch vụ nhà chung cư bao gồm các hoạt động cung cấp các dịch vụ như: điều khiển và duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung hoặc sử dụng chung nhà chung cư, bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác đảm bảo cho nhà chung cư hoạt động bình thường. Vậy ngoài các dịch vụ trên thì chủ sở hữu nhà chung cư và người sử dụng có thể sử dụng dịch vụ ở bất cứ đâu.

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết các quy định pháp luật của người dân để tự cho mình rất nhiều quyền, xâm phạm quyền của người dân tại các tòa nhà chung cư. Chẳng hạn như chủ đầu tư tự cho mình có quyền sở hữu phần sử dụng chung như cầu thang máy, cầu thang bộ… thậm chí có chủ đầu tư còn đòi quản lý và vận hành nhà chung cư, mặc dù căn hộ trong nhà chung cư đó đã bán hết và đã có Ban quản trị. Phải hiểu Ban quản trị do hội nghị nhà chung cư bầu ra, là đại diện cho các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư, họ mới là người đứng ra đại diện cho các chủ sở hữu và người sử dụng để ký kết các hợp đồng thuê dịch vụ vận hành nhà chung cư, tiền thuê dịch vụ này là do người dân đang sinh sống tại đây đóng góp chứ không phải chủ đầu tư”, luật sư Lê Văn Trung đưa ra lời khuyên. 

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Lê Duy

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top