Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 12 năm 2020 | 15:43

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi bền vững ở Bắc Ninh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh tổ chức hội thảo nhằm bàn giải pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, đảm bảo bền vững, ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

t43.jpg
 Đàn bò chăn thả của nhà ông Hồng.

 

Chăn nuôi đem lại thu nhập cao, ổn định

Bà Phạm Thị Vượng (xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, gia đình hiện nuôi 4 lợn nái, thường xuyên có 16 - 20 lợn thịt. Thời gian có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), giá thịt lợn có lúc lên đến 115.000 đồng/kg, hiện chỉ ở mức khoảng 70.000 đồng/kg.

Đợt DTLCP vừa qua, gia đình bà không bị ảnh hưởng, do chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát, cách xa khu dân cư và tuân thủ lịch tiêm phòng tốt, theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y xã, huyện.

Việc giết mổ cũng liên kết với nhóm thợ chuyên giết mổ phục vụ chợ dân sinh địa phương. Tất cả cùng đồng lòng phòng chống dịch tốt, nên đàn lợn của nhiều hộ vẫn bình yên và duy trì tốt.

“Ngoài ra, những hộ nuôi bằng thức ăn tăng trọng cũng được thú y xã hướng dẫn phải cách ly 10 ngày sau mới được giết mổ; ngoài thức ăn công nghiệp còn phải bổ sung thêm rau xanh, cám gạo. Hiện, gia đình đang tìm đối tác để chuyển sang chăn nuôi hữu cơ, an toàn cho người sử dụng, giúp người chăn nuôi có thu nhập cao, bền vững, vì đây là hướng đi tất yếu trong tương lai”, bà Vượng nói.

Ông Lê Đăng Hồng (thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong), cho biết, gia đình hiện nuôi 53 con bò, trong đó có 28 bò cái đang tuổi sinh sản; năm 2020, 18 bò mẹ sinh được 18 bê con, số còn lại sang năm mới đến tuổi sinh sản. Giá bê con cả đực và cái trung bình 20 triệu đồng/con.

Do chăn nuôi ngày càng phát triển nên trang trại của ông Hồng chủ yếu bán bò giống và bò thịt; bò giống đực 25 triệu đồng/con, bò cái 15 - 20 triệu đồng/con. Thức ăn cho đàn bò, ngoài việc chăn thả ngoài đồng, tối lùa về chuồng còn bổ sung cám gạo, cám mạch, ngô. Ngoài ra, còn cho ăn thêm bã đậu, bình quân 1,5 tạ/tháng (70 - 80.000 đồng/tạ). Chưa kể, đầu năm nay còn được huyện hỗ trợ 3 tấn cám.

“Đây là đàn bò thịt, bò giống hướng sạch, an toàn, ngày cho ăn ngoài đồng, tối về bổ sung thêm thức ăn tinh như đã kể trên, vì vậy, sức khoẻ của đàn bò rất tốt. Mặt khác, cán bộ thú y của xã cũng thường xuyên tư vấn, nhắc nhở  tiêm phòng bệnh cho bò. Bình thường, có cán bộ thú y đến tiêm tại chuồng, song, có lúc bò sợ người lạ, không cho tiêm, gia đình phải mua thuốc và tự tiêm cho đàn bò theo hướng dẫn”, ông Hồng cho biết thêm.   

Còn tại Dabaco, ông Nguyễn Đức Toản, Giám đốc Phụ trách kỹ thuật chăn nuôi lợn, cho biết, Dabaco hiện có 15.000 lợn nái, 150.000 lợn thịt. Song, tình hình DTLCP vẫn hết sức phức tạp, diễn biến giống thời kỳ đầu mới vào Việt Nam, gây áp lực cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, Công ty vẫn chủ động trong việc phòng tránh, do đã có kinh nghiệm.

Điều mà Dabaco chia sẻ với bà con vẫn là việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, gồm 10 bước bắt buộc như: Chuồng kín, có lưới chắn ruồi, chuột; có hàng rào bảo vệ xung quanh tốt; có hệ thống khử trùng người khi ra, vào trang trại; xử lý phương tiện vận chuyển; sát trùng dụng cụ, vật tư đem vào trang trại (khử trùng bằng tia UV)…

Ngoài ra, còn phải đảm bảo sức khoẻ đàn lợn bằng cách tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, trong đó có dịch bệnh: Tai xanh, lở mồm, long móng, hen suyễn… Đặc biệt, phải theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, nếu lợn bỏ ăn phải tiêu huỷ ngay cả ngăn chuồng đó. Đồng thời, phải thường xuyên dọn chuồng sạch sẽ, sát trùng ngày 4 lần, trước và sau khi ra ngoài về. 

“Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên đàn lợn của Dabaco vẫn bình an. Giá lợn thịt trong siêu thị 66.000 đồng/kg, lợn giống trung bình 9 triệu đồng/con (khoảng 1 tạ)”, ông Toản cho biết thêm.

Chú trọng ứng dụng công nghệ cao

Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng bộ và chính quyền Bắc Ninh đặc biệt quan tâm. Đáng ghi nhận là các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ngày càng được sửa đổi và bổ sung kịp thời, để phù hợp với tình hình thực tế. Đây chính là động lực để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước nói chung, và Bắc Ninh nói riêng.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, ông Nguyễn Công Trình, cho biết: “Ngành chăn nuôi đã và đang có nhiều đóng góp tích cực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân khu vực nông thôn.

 

t42.JPG

Chuồng trại chăn nuôi lợn của Dabaco.

 

Song, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như: Sản xuất cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế, năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, tiêu thụ bấp bênh và thiếu ổn định. Đặc biệt, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn thường xuyên xuất hiện và gây hại. Do vậy, để phát triển bền vững, song song với việc liên kết chuỗi sản xuất, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là áp dụng công nghệ cao vào sản xuất”.

TS. Hạ Thuý Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: “Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn ở mức cao, từ 5 -6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Tính từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng trên 3,3 lần, trứng tăng 3,9 lần, sữa tươi tăng 18,6 lần; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 4,4 lần.

Sở dĩ có được kết quả đáng khích lệ đó là nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó, có phần không nhỏ của hoạt động khuyến nông về việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bao gồm các lĩnh vực: Giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, thiết bị chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh”.

 

 

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
Top