Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 8 năm 2018 | 15:26

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tôm, cá tra VN liệu có hưởng lợi?

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được cho là sẽ có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thủy sản Việt Nam trong đó có tôm, cá tra cũng sẽ có ảnh hưởng.

Chiến tranh thương mại khiến hai nước Mỹ - Trung đều nâng các mức thuế nhập khẩu (NK) nên dòng chảy thương mại tôm giữa Mỹ và Trung Quốc chậm lại. Các nước cung cấp tôm cho Trung Quốc như Canada, Nga, Australia, New Zealand, và các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam sẽ được lợi.

Hiện nay, Mỹ vẫn áp dụng mức thuế 0% đối với các sản phẩm mã HS 03061700, 16052110, 16052910 NK từ Trung Quốc và mức 5% đối với các sản phẩm mã HS 16052105, 16052905. Tuy nhiên, gói 200 tỷ USD Mỹ dự kiến áp thuế các mặt hàng Trung Quốc gồm đồ nội thất, nông sản và thủy sản. Trong đó, Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc với các mã HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

 Những sản phẩm này có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Nên đây có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam tăng xuất khẩu (XK) những mặt hàng này sang Mỹ. Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà NK Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế.

Tuy nhiên, VASEP cho biết, do phải chịu thuế cao khi XK sang Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ giảm NK tôm nguyên liệu để chế biến và tái XK. Điều này có thể ảnh hưởng tới XK tôm nguyên liệu Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi, NK tôm nguyên liệu tươi/sống/đông lạnh (HS 03) chiếm tới 94% tổng XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc năm 2017.

1.jpg
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

 

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi XK sang cả hai thị trường này. Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ tôm từ Việt Nam. Cũng có khả năng DN tôm Trung Quốc sẽ "mượn" Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để có thể giành được thị phần từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm tăng thêm áp lực chi phí sản xuất cho DN khi tỷ giá biến động và mất thị trường Trung Quốc với vai trò cung ứng nguyên phụ liệu để sản xuất thành phẩm, XK sang Mỹ.

Chiến tranh thương mại đã và đang diễn biến một cách khó lường và mức độ ảnh hưởng của nó còn là câu hỏi mở. Các DN XK tôm cũng nên coi đây là cơ hội để khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương và tận dụng mạnh mẽ hơn các FTA đã ký kết. DN cũng cần chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá đồng USD và NDT để có đối sách kịp thời.

Doanh nghiệp cá tra nhen nhóm hy vọng giành thêm thị phần ở Mỹ

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hi vọng có thể giành thêm thị phần từ cá thịt trắng trong đó có sản phẩm cạnh tranh mạnh nhất là cá rô phi Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP),chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử Mỹ - Trung đang thực sự "nóng" trên "diễn đàn" thương mại thủy sản toàn cầu. Nhiều cơ hội đang đem tới cho nhiều nguồn cung và nhiều "cái được - mất" cho hai "nhân vật chính" khi "tham chiến". Còn với cá tra Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) cũng đang nhen nhóm thêm hi vọng rằng có thể giành thêm thị phần từ cá thịt trắng (trong đó có sản phẩm cạnh tranh mạnh nhất là cá rô phi Trung Quốc) trên thị trường Mỹ.

Theo một DN xuất khẩu (XK) lớn cá tra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung châm ngòi và leo thang, Mỹ áp đã quyết định áp thuế 10% đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc. Kể từ đó, doanh số cá rô phi Trung Quốc tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ đã giảm 20-30% so với trước. Tranh thủ cơ hội này, nhiều nguồn cung đã đẩy mạnh XK cá thịt trắng sang Mỹ để giành giật thị phần.

2.jpg
Giá thành sản phẩm cá tra đang tăng do nguyên liệu khan hiếm. (Ảnh: Chí Nhân)

 

Trong khi Mỹ NK hầu hết cá rô phi tươi từ châu Mỹ Latinh, các sản phẩm đông lạnh từ nguồn cung Châu Á (trong đó có Trung Quốc) đã thu hút nhiều hơn vì chi phí thấp hơn. Sự có mặt của cá rô phi đến khắp nơi trên khắp các nhà hàng và ngành thủy hải sản của Mỹ trong thập kỷ vừa qua đã phát triển nhanh chóng. Và hiện tại khi chính quyền Trump đã nhắm mục tiêu vào thủy sản Trung Quốc khi áp thuế suất 10%, rất có thể ngành cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ sẽ đến ngày kết thúc.

"Sự sụt giảm tỷ trọng của cá rô phi tại thị trường Mỹ đang "thắp" niềm hi vọng cho các nhà cung cấp cá rô phi khác như Indonesia, Đài Loan, Mexico hay Việt Nam. Và cũng giúp cho cá tra, basa Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ", VASEP nhận định.

Ngược lại với một số ý kiến chủ quan và lạc quan khi đặt hi vọng vào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại cơ hội cho cá tra, basa Việt Nam tại thị trường Mỹ, một số DN XK cá tra cho rằng, rào cản thương mại của Mỹ đang dựng lên cho các nguồn cung là như nhau và chỉ khác nhau về cách thức và "tên gọi". Do vậy, các DN cần phải nhìn nhận vào thực tế thị trường, tranh thủ thời cơ nhưng cũng không quá kỳ vọng vào cuộc chiến tranh đó.

Thanh long Việt khó tiêu thụ vì Trung Quốc mở rộng diện tích

Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo sẽ chững lại. Mặt khác, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, dự báo Trung Quốc sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 7/2018, việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dự báo sẽ chững lại. Đó có thể là lý do thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra.

Cụ thể, đối với trái loại 1, đóng vào thùng xuất khẩu có giá từ 14.000 – 15.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, 26.000 – 27.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ. Còn giá mua tại vườn (mua xô) thấp hơn nhiều, thanh long ruột trắng chỉ đạt 8.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ bán xô có giá 13.000 đồng/kg, trong khi đó vụ nghịch thanh long ruột trắng có giá từ 20.000- 25.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg.

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm. Đặc biệt ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm; Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, nhu cầu nhập khẩu giảm xuống; có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường này.

3.jpg

 

Phát hiện 300 tấn phân urê không rõ xuất xứ

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết ngày 31-7, tại khu vực tọa độ 10o27’445’’N - 106o45’687’’E gần phao số 2, luồng Soài Rạp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (TP.HCM), Đồn biên phòng Long Hòa - Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.HCM kiểm tra phương tiện LA-070.00 do Phạm Công Bằng (sinh năm 1980, trú Bến Tre) làm thuyền trưởng.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện chứa khoảng 300 tấn phân urê đều là phân rời trong hầm sà lan, không đóng riêng thành từng bao.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Phạm Công Bằng không xuất trình được giấy tờ về người điều khiển phương tiện, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của số phân urê trên phương tiện.

Vụ việc đã được BĐBP TP.HCM lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện, lấy lời khai những người trên phương tiện...

Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

4.jpg
Ảnh minh họa. 

 

Bán đấu giá 168 tấn thịt trâu đông lạnh để sung công quỹ ?!

Tổng cục Hải quan khẳng định, việc thông báo bán lô hàng hơn 168 tấn thịt trâu đông lạnh bị tịch thu để tái xuất hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là đúng quy định của pháp luật.

Theo thông báo vừa được Tổng cục Hải quan công bố ngày 1/8, trước đó, ngày 26/7, Tổng cục Hải quan đã đăng tin bán đấu giá 168,25 tấn thịt trâu đông lạnh để tái xuất.

Ngay sau khi thông tin này đưa ra, dư luận và truyền thông xôn xao bởi hàng hoá trên được xác định không có hoá đơn, chứng từ được coi là hàng vi phạm thì theo quy định của pháp luật phải tiêu huỷ để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho con người, không lây nhiễm bệnh dịch động vật, gia súc trong nước.

Tuy nhiên, trả lời thắc mắc trên, Tổng cục Hải quan khẳng định: Theo quy định của luật an toàn thực phẩm và Luật Thú y thì lô hàng nêu trên nếu bán tiêu thụ trong nước thì phải có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật.

Chi cục Thú y vùng II - Cục Thú y cho biết lô hàng thịt trâu đông lạnh nêu trên bị tịch thu không khai báo kiểm dịch và không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của nước xuất khẩu. Cơ quan này không lấy mẫu để kiểm dịch và đề xuất biện pháp buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ thịt trâu đông lạnh nêu trên.

Tổng cục Hải quan khẳng định, theo Điều 33 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Tuy nhiên, sau khi giám định chất lượng hàng hóa, kết quả xác định lô hàng đảm bảo các chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu kim loại nặng phù hợp với quy chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây hại cho sức khỏe con người. Do vậy, không thuộc trường hợp buộc tiêu hủy mà sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Tổng cục Hải quan khẳng định thông báo bán lô hàng thịt trâu đông lạnh bị tịch thu nêu trên của Cục Điều tra chống buôn lậu để tái xuất hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là đúng quy định của pháp luật.

 

5.JPG
Cận cảnh lô thịt trâu đông lạnh do lực lượng Hải quan thu giữ. Ảnh: Q.H 

 

Giá lợn hơi tăng kỷ lục do mất cân đối cung - cầu

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng; mức tăng so với tháng trước từ 3.000-5.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng chạm mốc 56.000 đồng/kg. Giá này đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017 và đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Giá lợn tăng cao không đồng đều tại các địa phương và tùy thuộc chất lượng lợn: tại Phổ Yên (Thái Nguyên), Hải Hậu (Nam Định), Khoái Châu (Hưng Yên), Ứng Hòa (Hà Nội), Hải Dương, Quảng Ninh đạt mức cao nhất là 56.000 đồng/kg đối với lợn chất lượng cao, có trọng lượng trên 100kg /con; tại Ninh Bình tăng 5.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung (tại Hà Tĩnh) dao động ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại các tỉnh miền Nam giá lợn hơi thấp hơn và mức tăng không nhiều: tại tỉnh Bạc Liêu giá 46.000 đồng/kg; tại Tiền Giang, giá từ 47.000 - 48.000 đồng/kg; tại Đồng Nai giá khoảng 50.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi trong tháng 7/2018 tăng được nhận định chủ yếu vẫn do mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương (hiện ngành Chăn nuôi đang phối hợp từng địa phương để khắc phục việc này); riêng giá tăng cao kỷ lục ở miền Bắc còn do thời tiết mưa lũ đã ảnh hưởng tới việc giết mổ cũng như hoạt động vận chuyển thịt lợn đến nơi tiêu thụ.

6.jpg
Lợn hơi tăng giá mạnh. (Ảnh: Internet)./.

 

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top