Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 11 năm 2015 | 9:40

Chính quyền xã Nhân Thịnh từ chối cung cấp thông tin

Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh thực trạng xây nhà trên đất lúa ở xã Nhân Thịnh (Lý Nhân - Hà Nam), sự việc chưa được xử lý thấu đáo thì mới đây báo lại nhận được đơn kêu cứu của một hộ dân.

Ngôi nhà của ông Chiu bị phá tan tành mà không được báo trước.

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Kinh tế nông thôn, ông Đặng Văn Chiu ở xóm Nội 1, xã Nhân Thịnh trình bày: Năm 2006, chị gái ông là Đặng Thị Toan bị bệnh hiểm nghèo nên không thể tiếp tục canh tác trên diện tích đất mà bà sở hữu, vì vậy bà đã đồng ý chuyển nhượng để vợ chồng ông toàn quyền sử dụng, trong đó có mảnh ruộng thuộc xứ đồng Nách Nội mà UBND xã Nhân Thịnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 4069292 ngày 18/07/2002. Dần dần khu đất này được người dân chuyển đổi mục đích sử dụng, từ trồng lúa sang hình thức đa canh, người đào ao, người làm vườn... Rồi những ngôi nhà tạm, nhà cấp 4, mái bằng, biệt thự xuất hiện, tất cả đều không bị chính quyền nhắc nhở gì (Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh).

Năm 2014, ông Chiu cũng đổ móng làm nhà như các hộ khác. Xây xong móng 1 năm, ông quyết định xây nhà ở kiên cố, chỉ duy nhất một lần một số cá nhân tự xưng là an ninh xã và đại diện chính quyền đến yêu cầu dừng xây dựng. “Tuy nhiên, họ không đưa ra bất kỳ văn bản, tài liệu nào liên quan đến việc cấp có thẩm quyền buộc chúng tôi phải tháo dỡ”, ông Chiu nói.

Đến ngày 28/10/2015, khi gia đình ông đi vắng thì Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cùng công an xã/huyện và nhiều cán bộ mang máy móc đến cắt cổng rồi ý tự phá dỡ toàn bộ công trình của gia đình ông, tổng thiệt hại lên tới 500 triệu đồng.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Chiu vô cùng bức xúc: “Chúng tôi biết làm nhà trên đất lúa là sai nhưng hàng trăm hộ xây nhà kiên cố trước đó có sao đâu. Hơn nữa, xây nhà đâu phải ngày một ngày hai, khi chúng tôi làm không hề có cơ quan chức năng nào đến nhắc nhở hay xử phạt hành chính, thế mà vừa đổ mái xong được một hai hôm, chúng tôi khóa cổng đi làm thì ở nhà chính quyền xã mang máy móc phá nát mà không có văn bản thông báo nào”.

Để làm sáng tỏ thông tin người dân phản ánh, chiều 6/11/ 2015, phóng viên có buổi làm việc với ông Trần Hữu Tân, Chủ tịch UBND xã và ông Trần Tiến Thiều, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh. Ông Tân cho biết, xã đã làm đúng quy trình. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tiếp cận các văn bản như: Biên bản xử phạt, quyết định thành lập đoàn cưỡng chế, quyết định cưỡng chế..., ông này thẳng thừng từ chối cung cấp thông tin: “Chúng tôi không cung cấp cho các anh được. Các anh muốn thì lên cấp trên mà lấy, tôi chịu trách nhiệm về việc không cung cấp tài liệu này”.

Cách làm việc của lãnh đạo xã có phải là né tránh báo chí? Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Trung Hiếu

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top