Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 14:35

Cho phép sử dụng pháo hoa: Hiểu thế nào cho đúng?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt là Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009.

anh-minh-hoa.jpg
anh-minh-hoa.jpg

 

Nghị định 137 đưa ra một số điểm mới phù hợp tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm pháp luật.

Bài 1: Những lưu ý khi sử dụng pháo hoa

Nghị định 137 với nhiều điểm mới đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có  nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, an ninh trật tự.

Vì vậy, người dân cần hiểu và cần lưu ý gì để sử dụng pháo hoa đúng quy định pháp luật và đảm bảo an toàn.

Cẩn thận kẻo... hiểu nhầm nghị định

Mới nghe thông tin về Nghị định 137, có không ít người hiểu lầm thành sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa, “mùi thuốc pháo đã trở lại” trong dịp lễ, Tết. Cùng với đó, nhiều người còn băn khoăn muốn đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật có phải đăng ký với chính quyền?...

Anh Nguyễn Minh Thái (Tân Yên - Bắc Giang) thể hiện sự vui mừng khi hiểu rằng những loại pháo hoa đang bị cấm đốt sẽ được phép sử dụng sau khi nghị định có hiệu lực.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này vì thực tế có cấm thì lâu nay trong dịp Tết hay đám cưới nhiều nơi người dân vẫn đốt.

Cứ cuối năm thì người dân lại mua pháo lậu để đốt lúc giao thừa. Ở quê tôi, chính quyền còn đặt ra quy định mỗi gia đình trước khi chuẩn bị đám cưới phải đóng trước 2 triệu đồng để đảm bảo không đốt pháo thì được trả lại. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận “nộp phạt trước” để được đốt pháo”, anh Thái kể.

Còn anh Lê Hoàng Long (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn việc cho phép người dân đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật, cưới hỏi sẽ gây ra nhiều tiêu cực đối với xã hội.

Theo anh Long, những năm gần đây, người dân không được phép đốt pháo hoa nhưng vào dịp Tết ở nhiều thành phố, vùng quê, hiện tượng này vẫn diễn ra tự phát.

“Bây giờ Chính phủ cho phép người dân đốt pháo hoa với những loại nhất định hay loại nào cũng được đốt? Nếu người dân được phép đốt pháo hoa thì có thể sẽ gây nên nhiều vụ tai nạn đáng tiếc như bị thương, cháy, nổ, tiếng ồn...

Sẽ có một bộ phận người dân có suy nghĩ, trong lễ cưới, tiệc sinh nhật... nhất định phải có pháo hoa để thể hiện sự sang trọng, “đẳng cấp”, điều này gây lãng phí nhiều tiền bạc.

Và công tác quản lý cũng đặt ra nhiều lo ngại như muốn đốt pháo hoa thì có phải đăng ký trước với chính quyền?”, anh Long nói.

Anh Nguyễn Văn Nhân (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, những nội dung được nêu trong Nghị định 137 là phù hợp, chặt chẽ. Nếu người dân được phép đốt pháo nổ, pháo hoa nổ một cách tràn lan, thiếu an toàn thì có thể sẽ gây nên nhiều vụ tai nạn đáng tiếc như bị thương, cháy, nổ, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, gây rối an ninh trật tự. Cứ tổ chức bắn pháo hoa đúng luật, tập trung trong mỗi dịp lễ, Tết như trước đây thì mới tạo được khí thế, tâm lý háo hức và an toàn cho mọi người...".

Pháo hoa nào được phép sử dụng?

Theo Nghị định 137,  pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Như vậy, pháo hoa được sử dụng phải không gây ra tiếng nổ, tránh nhầm lẫn với pháo hoa nổ, bao gồm: Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120m.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo đã quy định cụ thể tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 và được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.

Để đảm bảo sử dụng pháo hoa theo đúng quy định này thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đảm bảo 03 yếu tố sau:

Một, cơ quan, tổ chức cá nhân chỉ sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Không sử dụng vào các mục đích khác, đặc biệt nếu sử dụng ở nơi công cộng mà gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Hai, người sử dụng pháo hoa phải có đủ năng lực hành vi dân sự, tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên không phải là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi hoặc người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình mà Tòa án đã có quyết định tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (theo quy định tại các điều 20, 22, 24 Bộ luật Dân sự 2015).

Ba, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã được cấp phép kinh doanh pháo hoa. Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì  sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thời gian tới, nhằm tránh việc người dân mua nhầm, sử dụng nhầm pháo hoa không được cho phép, cơ quan quản lý nhà nước cần lưu tâm kiểm soát chặt các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm sản phẩm bán đến tay người dân sử dụng chỉ là pháo hoa theo quy định. Phải đảm bảo người dân mua được pháo hoa đúng quy định.

 

Bài 2. Người dân mua pháo hoa ở đâu?

 

Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ


Theo Nghị định 137, các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ bao gồm:

  1. Tết Nguyên đán: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
  2. Giỗ Tổ Hùng Vương: Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 9/3 âm lịch.
  3. Ngày Quốc khánh: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 2/9.
  4. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 7/5.
  5. Ngày Chiến thắng (30/4 dương lịch): Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30/4.
  6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  7. Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
  8. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top