Các địa phương, ngành liên quan tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói, rét cho vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
Theo đó, ngày 29/11, UBND huyện Quảng Điền cho biết, địa phương đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp các ngành, các địa phương khẩn trương áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói rét cho vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Cụ thể, địa phương này đã thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét; giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, phối hợp với các đoàn thể để huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống đói, chống rét cho vật nuôi.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương; thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi.
Đặc biệt, khuyến cáo người dân vào những ngày mưa lạnh, không thả rong trâu, bò, phải che kín chuồng trại, giữ ấm cho các loại vật nuôi. Bên cạnh đó, công tác chống đói cũng được quan tâm khá chu đáo, người dân đã dự trữ lượng cỏ khô, rơm rạ đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc mỗi khi rét lạnh.
Liên quan đến việc này, ngày 08/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành công văn số 10572/UBND-NN gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế về việc chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo công văn trên, mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng và một cây rơm, rạ đảm bảo bình quân 5-7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét; đồng thời, nông dân không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi xảy ra rét hại; đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát và chuẩn bị thêm thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.