Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2016 | 12:38

Thanh Trì thay đổi toàn diện

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Thanh Trì trở thành huyện đầu tiên của Thủ đô Hà Nội có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM...

Đường giao thông tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì được nâng cấp khang trang. Ảnh: QUANG THIỆN

Cuối tháng 10/2015, người dân huyện Thanh Trì đón tin vui khi UBND TP.Hà Nội chính thức công nhận 3 xã Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai và Vạn Phúc đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã của huyện về đích NTM lên 13/15 xã. Niềm vui nối tiếp, tháng 11/2015, Hội đồng thẩm định của thành phố sau khi kiểm tra, chấm điểm, đã công nhận hai xã Duyên Hà và Hữu Hòa đủ điều kiện công nhận NTM. Như vậy là cả 15/15 xã của Thanh Trì đã về đích.

Anh Nguyễn Văn Thường, người dân xã Duyên Hà phấn khởi chia sẻ, là địa phương nằm ở vùng bãi sông Hồng, từ nhiều năm qua, việc phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ có chương trình XDNTM, được huyện, thành phố hỗ trợ nguyên vật liệu, người dân đóng góp công sức, hệ thống giao thông nông thôn đã được cải tạo, nâng cấp khang trang, rộng rãi. Cùng với đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cũng được nâng cấp, đổ bê-tông, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều khu vực sản xuất, người dân dễ dàng đưa xe máy, ô-tô vào vận chuyển các loại rau an toàn mang đi tiêu thụ, hạn chế được tình trạng bị thương lái ép giá.

Theo Ban chỉ đạo XDNTM huyện Thanh Trì, khi bắt tay vào thực hiện chương trình, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang trong tình trạng xuống cấp, thiếu đồng bộ. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao dẫn đến đời sống của không ít người dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Thanh Trì đã lựa chọn phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông làm khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy XDNTM. Ngay từ năm 2011, huyện đã thí điểm mô hình làm đường giao thông ngõ xóm theo phương châm Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân tổ chức thi công tại thôn Vĩnh Trung (xã Đại Áng) với tuyến đường dài hơn 2.000m. Người dân đã đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia tất cả các phần việc, từ khâu thiết kế đến giám sát và trực tiếp thi công, tổng kinh phí thực hiện tuyến đường chỉ còn 7,6 tỷ đồng, giảm khoảng 2,4 tỷ đồng so với dự toán được phê duyệt. Kết quả này đã tạo không khí phấn khởi trong nhân dân và nhanh chóng được mở rộng ra nhiều xã khác trong huyện. Đến khi thành phố có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư giao thông nông thôn, Thanh Trì tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách vào tình hình cụ thể tại từng xã, nhất là ưu tiên các địa phương khó khăn đầu tư các tuyến đường trục rộng từ 3,5m trở lên. Nhờ vậy, sau 5 năm phát động thi đua XDNTM, toàn huyện đã xây dựng được hơn 160km đường giao thông nông thôn, tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng so với dự toán. Người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 200 nghìn ngày công và hiến hơn 11.000m2 đất.

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, Thanh Trì đã tập trung hoàn thành dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Đến nay, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao như vùng trồng cây ăn quả tại Vạn Phúc, Yên Mỹ; trồng lúa chất lượng cao tại Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh và Đại Áng; rau an toàn tại Yên Mỹ, Duyên Hà; nuôi trồng thủy sản tại Đông Mỹ, Tứ Hiệp...

Thanh Trì là địa phương đầu tiên của Thủ đô thực hiện thành công xã hội hóa đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Vạn Phúc với công suất 1.500 con lợn/ngày đêm, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn.

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện chương trình XDNTM, Thanh Trì đã thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất của người dân. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/năm, gấp đôi so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết, xuất phát từ nhận thức XDNTM không phải là dự án xây dựng cơ bản mà là chương trình phát triển toàn diện khu vực nông thôn, trong đó người dân trực tiếp tham gia và trực tiếp hưởng thụ, cùng với kinh phí của Nhà nước, cần phát huy tối đa nội lực trong dân. Vì thế, từ quy hoạch XDNTM đến việc thực hiện các dự án đều được công khai, minh bạch. Người dân có quyền bàn bạc dân chủ, đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch, quản lý việc thực hiện quy hoạch cũng như giám sát các dự án tại địa phương. Qua đó, người dân đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp ngày công, tiền của, đất đai XDNTM. Đây là nhân tố quan trọng giúp huyện Thanh Trì sớm về đích NTM.

Bình Mỹ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top