Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 10 năm 2018 | 9:11

Chủ tịch quận Thanh Xuân bất lực trước vi phạm?

Từ đường Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào các ngõ 207, 271 từ vài năm nay đã là chợ bán đất nông nghiệp nhộn nhịp.

Giao dịch mua, bán đất, nhà xây trên đất nông nghiệp trái phép với đủ loại, đất quây tôn chưa xây móng, đất đã xây xong móng, nhà xây trái phép đã hoàn thiện...

Đáng chú ý, thời điểm tháng 5.2016, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ông Nguyễn Xuân Lưu đã báo cáo Thành uỷ Hà Nội xử lý các vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn phường Khương Đình, khi đó ông Lưu khẳng định, nếu phát sinh sai phạm sẽ xử lý nghiêm cán bộ. Tuy nhiên, theo tài liệu PV Lao Động có trong tay, từ năm 2015 đến 2018, tại ngõ 271 phường Khương Đình, số công trình vi phạm mọc lên ngày càng nhiều hơn. Có nghĩa, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân biết thực trạng, nhưng vẫn không xử lý được.

Xây nhà trái phép tràn lan

Theo các hộ dân sống gần 2 ngõ này, chỉ cách đây chục năm trước, đi vào cuối ngõ 271 còn sót lại một cánh đồng rộng lên đến vài chục hécta được bao bọc xung quanh là những dãy nhà cao tầng. Tuy nhiên, đất dần hẹp đi khi người dân đua nhà làm nhà tạm, rồi dần dần cơi nới thành nhà kiên cố, nhà cao tầng. Đến khi nhà cửa đông đúc thì phường tạo thành tổ dân phố, hiện các tổ dân phố 13, 14, 15, theo người dân, đa phần xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng có người đã tới ở cả chục năm.

Gần cuối đường Bùi Xương Trạch đi sâu vào các tổ 13, 14, 15 phường Khương Đình, tại đây mỗi quán trà đá, quán càphê là sàn giao dịch đất nông nghiệp. Tại tổ 15, bà Hoa chủ đất giới thiệu về thửa đất với diện tích 117m2 với mặt tiền chạy dài 6m với giá 2,3 tỉ đồng, khu đất đang được dựng khung nhôm. Tại một ngôi nhà khác tại ngõ 13 có diện tích 40m2, đã hoàn thiện cao 3 tầng 1 tum, được rao bán giá 1,7 tỉ đồng. Theo các chủ đất, sở dĩ giá nhà đã hoàn thiện cao hơn nhiều so với đất mới được dựng tạm bởi ngoài đơn giá xây dựng thì để hoàn thiện được chủ nhà phải bỏ chi phí khá lớn. “Tuỳ vào quan hệ, nếu có quan hệ thì rẻ hơn, nếu không có quan hệ thì giá chung khoảng 200 triệu đồng/suất”, bà Lan, một chủ đất khác tại ngõ 13 nói.

Các hộ dân ở đây cho biết, với những người có nhu cầu ở thật thì muốn xây thì phải bỏ tiền làm luật nhưng đã làm luật rồi thì cũng phải kín đáo để được xây. Nghĩa là quây tôn kín rồi xây lén lút bên trong. Bà Lan, một chủ đất cho biết, quy trình đầu tiên quây tôn xung quanh khu đất, rồi tiến hành xây móng, sau đó khi đổ mái tầng 1 thì dỡ tôn tầng 1 rồi tiếp tục dựng tôn xây tầng 2, tầng 3. “Khi nào xong hẳn, hoàn thiện nội thất thì dỡ tôn vào ở, còn có kiểm tra hay lập biên bản gì chị lo”, bà Lan nói.

Khi làm việc với Đội trật tự xây dựng quận Thanh Xuân, ông Nguyễn Hữu Tuân, cán bộ của đội trật tự xây dựng phụ trách phường Khương Đình, một mực khẳng định, hiện tại không có công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Khi PV Lao Động đưa ra các hình ảnh về các trường hợp vi phạm có địa chỉ cụ thể, thì ông Tuân cho rằng, “việc này do lịch sử để lại”. Khi được hỏi về số trường hợp vi phạm trật tự trên đất nông nghiệp tại ngõ 207, 271 đến nay là bao nhiêu thì ông Tuân cho biết, không có con số cụ thể. “Chỉ có thống kê các trường hợp vi phạm đã giải quyết được, còn những trường hợp vi phạm từ các năm trước thì không có thống kê cụ thể vì tôi mới nhận nhiệm vụ làm việc tại phường Khương Đình vào tháng 3.2018”, ông Tuân nói.


Để xây được nhà trái phép, người dân bịt tôn kín mít bên ngoài rồi lén lút xây dựng bên trong. Ảnh: THÔNG CHÍ

Bất lực trước vi phạm?

Về thực trạng vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Khương Đình, vào tháng 5.2016, ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cũng đã có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, từ đầu năm đến tháng 5.2016, đã chỉ đạo phá dỡ nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường Khương Đình. Trong trường hợp phát sinh vi phạm, quận Thanh Xuân sẽ xử lý nghiêm cán bộ, tập thể có liên quan.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế và các tài liệu PV Lao Động có trong tay, việc vi phạm trật tự xây dựng tại phường Khương Đình diễn ra nhiều năm, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã biết nhưng vẫn không xử lý được triệt để các vi phạm mà ngày càng phát sinh nhiều hơn. Gần nhất vào ngày 22.5.2018, tại văn bản gửi Cty CP Hồn Đất Việt, UBND phường Khương Đình cho biết, hiện tại không có phần diện tích đất nào trong khu đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và có 32 hộ dân đã xây dựng công trình kiên cố sử dụng ổn định từ lâu.

Như vậy, qua văn bản trên, có thể thấy, chỉ riêng trong phạm vi một dự án nhà tang lễ quận Thanh Xuân đã có thay đổi từ năm 2015 từ có một “số công trình lều lán tạm”, tới tháng 5.2018 đã lên tới “32 hộ dân đã xây dựng công trình kiên cố sử dụng ổn định từ lâu”. Với vi phạm xảy ra trong nhiều năm, người đứng đầu UBND quận Thanh Xuân cũng đã có báo cáo Thành uỷ xử lý nhưng đến nay vi phạm vẫn tiếp diễn.

Mua nhà trên đất nông nghiệp, gặp rủi ro gì?

Trao đổi với Lao Động, luật sư Vũ Văn Biên (Cty luật Khoa Tín) cho biết, khi mua nhà được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì bên mua có thể gặp nhiều rủi ro về pháp lý. Cụ thể, việc mua bán thường được thực hiện bằng “giấy tay” nên không có giá trị pháp lý, không được công nhận. Quyền sử dụng đất do người khác đứng tên, nhà xây dựng không phép nên bên mua không có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất hợp pháp.Nếu nhà đất bị Nhà nước thu hồi theo quy hoạch thì bên mua có thể sẽ được không được bồi thường về đất. T.C

 

 

VÂN GIANG
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top