Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 12 năm 2017 | 8:0

Chủ trương làm đường giao thông nông thôn tại Nam Sách (Hải Dương): ​ Vì sao vẫn còn ý kiến chưa đồng thuận?

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng  nông thôn mới ở mỗi địa phương thì việc phát triển giao thông nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội cho nhân dân giao thương, làm thay đổi bộ mặt làng xã, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, sự góp sức của người dân bản địa là rất quan trọng.

Tuy nhiên, tại thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), dù chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư, một số cá nhân mang tính tự phát đã tiến hành phá dỡ, xô đổ bức tường do gia đình ông Nguyễn Duy Hoan cùng chị gái là bà Nguyễn Thị Phương Hiến (trú tại số 3/2 đường Nguyễn Đăng Lành, khu Nguyễn Văn Trỗi)  xây dựng. Điều đáng nói, bức tường này đã tồn tại từ rất lâu và trước đó không hề xảy ra tranh chấp. Sự việc tưởng chừng như nhỏ, nhưng đã gây rạn nứt tình làng, nghĩa xóm, có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đoạn đường vào gia đình ông Nguyễn Duy Hoan trước khi bị phá dỡ.

Từ năm 2016 đến nay, xuất phát từ câu chuyện những người hàng xóm tại khu Nguyễn Văn Trỗi cùng nhau vận động làm một đường nhỏ nối từ ngõ này sang ngõ khác, thế nhưng, thay vì bàn bạc, đả thông tư tưởng, phân tích điều hay lẽ phải, cái được cái mất cho nhau nghe thì họ lại chọn cách tự xử, gây áp lực, xô xát rồi tự cưỡng chế thu hồi đất… trong khi đó chính quyền sở tại đứng “ngoài cuộc”, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bất bình dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự tại địa phương.

Theo đó,  ông Nguyễn Duy Hoan cho rằng, gia đình mình bị xử ép, bị gây áp lực, thiếu tôn trọng và có dấu hiệu sai phạm trong nguyên tắc Quy chế dân chủ cơ sở trong công cuộc vận động hiến đất làm mương kết hợp làm đường giao thông nông thôn.

“Gia đình tôi sinh sống trên mảnh đất đường Nguyễn Đăng Lành, khu Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Nam Sách từ năm 1978 đến nay. Lối vào duy nhất từ ngõ số 2 đến cổng có chiều dài khoảng 35m, được gia đình chúng tôi tôn tạo, xây dựng bằng bê tông rộng hơn 2,0m, chiều dày 10cm. Phần còn lại của đoạn đường này nối liên thông sang ngõ số 3 đường Nguyễn Đăng Lành do lâu ngày không được bảo trì, nâng cấp đã bị sạt lở không thể đi được.

Bên cạnh đó, gia đình chúng tôi đã tôn tạo, san lấp diện tích trũng bên cạnh đường đi để trồng hoa màu. Từ năm 1990 đến năm 1992, gia đình tôi đã xây dựng toàn bộ tường bao phía Đông và phía Tây. Năm 2001, xây tường bao phía Nam và phía Bắc. Toàn bộ diện tích đã được UBND huyện Nam Sách cấp sổ đỏ năm 2003. Từ đó đến nay, gia đình không có bất cứ một hoạt động xây dựng công trình nào ngoài diện tích đã được giao nêu trên. Cũng từ khi gia đình chúng tôi được cấp đất ở đến nay, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào khiếu kiện gì về diện tích đường đi, diện tích đất ở cũng như diện tích trồng hoa màu nêu trên”, ông Hoan nói.

Sơ đồ vị trí thửa đất đã cấp sổ đỏ cho gia đình ông Hoan.

Sau đó, xuất hiện thông tin triển khai dự án thi công đường nối ngõ số 2 và ngõ số 3 theo chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí bằng xi măng. Lúc này, có một số ý kiến yêu cầu nhà ông Nguyễn Duy Trếnh (bố đẻ ông Nguyễn Duy Hoan) bàn giao lại mặt bằng và tự ý phá dỡ diện tích trồng hoa màu. Ngay sau đó, một số cá nhân ở khu dân cư Nguyễn Văn Trỗi đã điều động máy xúc đến phá dỡ một phần đường bê tông, phá dỡ hoa màu, nạo vét mương ngay sát chân tường rào.

Làm việc trực tiếp với ông Hoan, thì ông Hoan nhận thấy đây là việc làm chưa minh bạch. Được biết, lối đi này rất nhỏ, duy nhất chỉ có mình gia đình ông Hoan đi, còn các gia đình khác đã có lối đi khác thuận lợi hơn, không nhất thiết phải đi qua đây.

Để rộng đường dư luận, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Vịnh, Trưởng khu dân cư Nguyễn Văn Trỗi và được ông Vịnh cho biết: Bức tường do gia đình ông Nguyễn Duy Hoan xây dựng sát mép mương, xuống tận mặt nước, không có bờ. Trước khi làm, nhân dân còn có clip và chụp lại hiện trạng của mương đó. Mương này có sẵn từ lúc chuyển về thị trấn từ năm 2007 (trước đây thuộc xã Nam Hồng). Khi chúng tôi thực hiện kế hoạch về việc sửa chữa mương máng, chỉnh trang đồng ruộng thì nó liên quan đến bờ tường rào của ông Nguyên Duy Trếnh đã được xây dựng từ trước khi chia cho các con. Ông Trếnh lúc đó là chủ hộ chứ không phải là ông Hoan.

“Hôm bức tường bị phá đổ, tôi đang ra tháo nước ở ngoài cánh đồng ở gần cơ quan công an. Khi đó có người gọi điện nói tình hình giữa gia đình ông Hoan và nhân dân đang cãi nhau và hất xăng vào người. Tôi về thì thấy gia đình ông Phát và ông Hoan đang xảy ra sự việc. Tôi liền trấn an tất cả dừng lại, không ai được có hành vi gì để ổn định lại an ninh trật tự. Tại thời điểm bức tường đổ thì tôi không có mặt ở đấy, chắc nhân dân ở đấy bức xúc và có hành vi đẩy đổ tường…”, ông Vịnh nói.

Hiện trạng của thửa đất trước khi bị một số người dân đến cưỡng chế tự phát.

Ông Nguyễn Tiến Vịnh thừa nhận hành động của một số người dân tại khu dân cư Nguyễn Văn Trỗi là chưa đúng và do bức xúc nhất thời. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hoan không đồng ý với cách nói mà ông Vịnh đưa ra và cho rằng, hành vi trái luật của các cá nhân và tổ chức đó đã gây ảnh hưởng về mặt kinh tế và tinh thần của gia đình ông. Đồng thời, ông đề nghị UBND huyện Nam Sách, Công an huyện Nam Sách làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của gia đình ông.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Khởi Nguyên

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top