Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 8 năm 2021 | 14:18

Chữa Covid-19 theo MHX, dùng kit test nhanh không rõ nguồn gốc: Hiểm họa khôn lường!

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Với tâm lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, một số người tự mua kit test nhanh không rõ nguồn gốc về sử dụng, một số khác lại chữa bệnh theo các bài thuốc “trôi nổi” trên mạnh xã hội (MXH), có thể khiến tiền mất, tật mang.

1-copy.JPG
Đội QLTT số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) thu giữ 400 hộp dụng cụ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: QLTT

Hệ lụy khôn lường

Hiện nay, nhiều địa phương yêu cầu người dân từ vùng dịch khi đi qua hoặc vào địa phương mình phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, khiến nhu cầu xét nghiệm tăng cao. Hay tâm lý sợ đến nơi đông người nên nhiều khách hàng tự mua test nhanh Covid-19 về nhà tự kiểm tra. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã bán kit test nhanh không nguồn gốc  cho người dùng.

Gần đây, lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ buôn bán kit test nhanh Covid-19 không nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, ngày 6/8, Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra điểm bốc xếp hàng hóa đầu ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn và phát hiện Đ.X.T. (SN 1995, trú tại xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang bốc xếp 3 thùng carton có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra các thùng hàng, lực lượng liên ngành phát hiện 1.100 bộ test nhanh SARS-CoV-2 có chữ nước ngoài ở vỏ hộp. Tại thời điểm kiểm tra, Đ.X.T. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.

Sáng 3/8, qua tuần tra kiểm soát dịch tại khu vực Khu đô thị Ciputra (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm), Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm) đã phát hiện P.A.T. (SN 1992, trú tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang giao hàng là các bộ test nhanh SARS-CoV-2 do nước ngoài sản xuất có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua điều tra và kiểm đếm, bước đầu xác định lô hàng có 1.000 bộ test nhanh SARS-CoV-2.

 

Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với lực lượng Công an TP.HCM vừa phát hiện số lượng lớn thuốc tân dược nhập lậu sau khi kiểm tra căn nhà nằm trong hẻm đường An Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

Qua kiểm đếm ban đầu, lô thuốc có hơn 67.200 viên thuốc tân dược có dấu hiệu nhập lậu. Toàn bộ lô thuốc này có tên là Liên hoa thanh ôn, bao bì toàn chữ Trung Quốc.

Theo cơ quan chức năng, chủ lô hàng khai nhận mua thuốc từ một người phụ nữ ở TP Móng Cái, Quảng Ninh với giá 78.000 đồng/hộp, sau đó đem về TP.HCM rao bán trên mạng kiếm lời.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán lô thuốc trên nên lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ lô thuốc để tiếp tục điều tra.

Theo thông tin đăng trên mạng, người bán quảng cáo thuốc này có thể chữa trị các bệnh như ho, sốt, đau họng…, một số thông tin còn đăng tải thuốc có thể điều trị bệnh Covid-19.

 

Theo khai nhận của P.A.T., nguồn gốc số test nhanh SARS-CoV-2 được thu mua gom về Việt Nam từ nhiều nước và không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 30G-848.08 do bà T. H.A. điều khiểu khi xe dừng đỗ tại toà nhà Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên), phát hiện 400 hộp dụng cụ xét nghiệm do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính bà T.H.A. 60 triệu đồng.

Tại Phú Yên, chiều 29/7, trong lúc đang thực thi nhiệm vụ tuần tra bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống dịch Covid-19, tổ công tác phát hiện N. T. X. H. (phường Phú Lâm, TP. Tuy Hòa) đi rao, bán dạo bộ kit test nhanh tại khu vực bến xe phía Nam TP. Tuy Hòa. Tổ công tác tạm giữ 50 bộ kit test nhanh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Liên quan đến tình trạng kit test nhanh Covid-19 rao bán tràn lan, mập mờ về nguồn gốc, chất lượng, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đưa ra ý kiến: người dân cần hết sức thận trọng, không nên sử dụng các sản phẩm không được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép.

“Hiện nay, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành Y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.

Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Như vậy, không những mất tiền oan mà nếu tin tưởng vào những kết quả này còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Có thể chết người từ các bài thuốc trên mạng

Hiện nay, trên một số diễn đàn, hướng dẫn đủ loại thuốc tự chữa, phòng chống dịch Covid-19. Người sử dụng MXH chỉ cần hỏi mua thuốc gì cho người thân dùng khi đang là F0 nhưng chưa được đưa đi bệnh viện? Ngay sau đó, có rất nhiều câu trả lời, đưa ra các bài thuốc để mách nước điều trị.

Điển hình như: Xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng càphê giấm (con virus nấm nó sợ chua), xông 2 lần mỗi ngày. Uống nước chanh nóng hàng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp. Một ngày 1 viên vitamin C, sốt thì uống Paracetamol hạ sốt, uống Aspirin chống đông máu cục.

 

3-1.jpg
Bài thuốc điều trị Covid-19 được lan truyền trên mạng xã hội.

Một số người khác lại hướng dẫn sử dụng kết hợp cả  Đông, Tây y như: ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Khi khó thở thì uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin.

Một số tài khoản còn đưa ra nhận định, việc điều trị Covid-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra bài thuốc điều trị. Cụ thể, trong trường hợp F0, không triệu chứng, đến ngày thứ 5, 6, 7, 8 mà phát hiện triệu chứng khó thở, nặng ngực, hãy tự điều trị cho người nhà theo đơn thuốc gồm: Medrol 16mg, uống 1 lần 1 viên; Salbutamol 4mg, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên; Theophyline 100mg uống 1-2 lần x 1 viên.

Việc dùng bài thuốc điều trị bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính áp dụng cho việc điều trị Covid-19, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai, đây là hành động nguy hiểm, bởi bản chất tổn thương cơ bản ở 2 nhóm bệnh này là khác nhau. Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có cơ chế sinh bệnh là do sự co thắt và dày thành đường dẫn khí (khí quản) khiến bệnh nhân bị khó thở, cần dùng thuốc giảm co thắt, giảm viêm để giãn chúng ra.

Còn tổn thương phổi do Covid-19 là tổn thương nhu mô, do nhiều cơ chế khác nhau dẫn đến hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ, đặc biệt là mạch máu phổi vào ngày thứ 7-10 kể từ khi nhiễm bệnh. Hậu quả là phổi vẫn đưa không khí vào bình thường nhưng ôxy không trao đổi được. Việc áp phác đồ dùng corticoid và thuốc giãn phế quản trong trường hợp mắc Covid-19 hoàn toàn vô tác dụng, thậm chí gây chết người.

Liên quan tới việc dùng Paracetamol liều cao để điều trị Covid-19, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, nếu dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất paracetamol, dẫn tới tổng liều paracetamol hằng ngày vượt quá quy định sẽ dẫn tới quá liều và ngộ độc lúc nào không biết.

Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã có tình trạng vàng da, chán ăn... tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn. Việc lạm dụng paracetamol có thể dẫn tới co mạch, xuất hiện cơn tăng huyết áp, đau tim, gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim...

 

Cảnh giác với tin giả

Trong khi cả xã hội đang căng mình đối phó với dịch bệnh Covid-19 thì có nhiều đối tượng tung tin giả như: “Sử dụng 5 máy bay trực thăng để phun chất khử trùng vào không khí để diệt trừ virus...”, “12 giờ đêm nay Hà Nội sẽ có chỉ thị mới về việc giãn cách”, mạo danh những phát ngôn của lãnh đạo về tình hình dịch bệnh… Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng dịch. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khuyến cáo người dân cần thận trọng, có kiểm chứng khi sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin về tình hình dịch bệnh.

 

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol để chữa Covid-19. Do đó, người dân nên cẩn trọng trước các bài thuốc lan truyền không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý sử dụng.

Theo BS. Lưu Quang Minh (Khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia y tế. Việc người dân tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức liên quan đến bệnh là đáng khuyến khích, tuy nhiên không nên tùy tiện áp dụng.

 

anh-truong-dung-anh-nay-nhe.jpg

 

Người dân nên tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, hoặc liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu thông tin trước khi sử dụng. Tuyệt đối không chia sẻ các thông tin không chính xác để tự điều trị bệnh.

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top