Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 1 năm 2013 | 10:25

Chùa Dơi không hề bị xâm hại

KTNT- Thời gian gần đây, các bài viết trên một số tờ báo tập trung phản ánh về các vấn đề: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty cổ phần 586 Sóc Trăng; Xử lý vi phạm về khai thác cát trên sông Hậu, nổi cộm nhất là Dự án đầu tư Khu du lịch nhà hàng, khách sạn gần Chùa Dơi… với những nhận định, phân tích nhiều chiều khác nhau. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Sóc Trăng, các bài viết này đều hướng tới nội dung chính là kết tội và “đòi xử lý” Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân ông Hiếu và UBND tỉnh Sóc Trăng.


Để bạn đọc có thêm thông tin đa chiều, khách quan và hiểu rõ hơn về những vấn đề trên, PV Kinh tế nông thôn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng xung quanh vấn đề này.


Thông tin thiếu khách quan


Tại buổi làm việc với ông Lê Minh Thượng, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được biết, Chùa Mahatup (hay còn gọi là Chùa Mã Tộc – Chùa Dơi) được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 1999. Do vào thời điểm công nhận di tích, các quy định về bảo vệ di tích chưa chặt chẽ, trên bản đồ kèm theo hồ sơ công nhận di tích chỉ mới thể hiện Khu vực I với diện tích 39.600m2 trên thửa đất số 162 (chiều dài 240m, chiều rộng 165m) có tứ cận: Phía Đông giáp Khu dân cư; Phía Tây giáp Khu dân cư; Phía Nam giáp Đồng ruộng; Phía Bắc giáp Lộ Mã Tộc (nay là đường Văn Ngọc Chính) vàKhu vực II với diện tích 76.582 m2 (nằm cùng phía với Chùa và mở rộng sang các phía: Đông, Tây, Nam của Khu vực I), có tứ cận: Phía Đông giáp Khu dân cư; Phía Tây giáp Khu dân cư; Phía Nam giáp Đồng ruộng; Phía Bắc giáp Lộ Mã Tộc.


Từ lâu, nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch tự phát rất khó kiểm soát, bảo vệ, nên mất trật tự; đường dẫn vào Chùa chật hẹp, việc đi lại rất khó khăn. Hơn nữa, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng người dân địa phương che lều buôn bán ngay trước cổng Chùa, xe lôi, xe ôm chèo kéo khách, trẻ con ăn xin đeo bám khách,... Mặt khác, du khách ở xa đến tham quan có nhu cầu ở lại qua đêm thì không có nơi ăn nghỉ, một số trường hợp phải nghỉ lại trong Chùa, làm ảnh hưởng đến mỹ quan.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Minh Thượng làm việc với các cơ quan báo chí xung quanh những thông tin mà báo chí đã phản ánh.


Người dân sống xung quanh Chùa Dơi đã được hưởng lợi từ sự chỉnh trang đô thị này. Vậy thì tại sao vẫn có dư luận cho rằng việc đầu tư dự án chỉnh trang đô thị, phục vụ du lịch cho khu di tích Chùa Dơi đang xâm hại đến di tích này? Chúng tôi đã trực tiếp gặp Chủ tịch UBND Thành phố Sóc Trăng, ông Võ Thanh Nhàn để tìm hiểu kỹ việc đầu tư chỉnh trang khu vực xung quanh khu di tích Chùa Dơi.


Ông Nhàn cho biết: Trước đây, Công ty Du lịch của tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng nhà khách, nhà hàng và các kiôt bán quà lưu niệm trên phần đất đối diện Chùa. Tuy nhiên, việc đầu tư và cách thức kinh doanh không hiệu quả nên đã dừng hoạt động và khu đất được giao cho UBND thành phố Sóc Trăng quản lý. Khu đất này có diện tích hơn 12.000 m2, UBND thành phố Sóc Trăng giao cho UBND Phường 3 quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả, lại cho 01 hộ dân thuê để nuôi cá, gia súc làm mất mỹ quan. UBND thành phố Sóc Trăng đã nhiều năm mời gọi nhà đầu tư nhưng không có doanh nghiệp nào đăng ký.


Để chỉnh trang đô thị và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút du khách đến tham quan, được sự hỗ trợ của Trung ương, UBND thành phố Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng Cổng chào Khu di tích Chùa Dơi và cải tạo, nâng cấp đường dẫn vào Chùa; đồng thời mời gọi đầu tư xây dựng Khu du lịch để phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp hơn.


Đến đầu năm 2011, Công ty cổ phần Quốc tế Satraco đã khảo sát khu đất, làm việc thống nhất với Ban đại diện Chùa và đề nghị với UBND thành phố Sóc Trăng về việc đầu tư Khu du lịch nhà hàng, khách sạn.


Trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Sóc Trăng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch Khu du lịch Chùa Dơi (đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận thông qua tại Thông báo số 180-TB/TU ngày 05/02/2010); nhằm mục đích phục vụ phát triển đô thị, hướng đến năm 2015 thành phố Sóc Trăng đạt đô thị loại II, Thành uỷ Sóc Trăng đã chấp thuận, giao UBND thành phố Sóc Trăng tổ chức họp thống nhất với các ngành chức năng, sau đó có văn bản (Tờ trình số 28/TTr-UBND ngày 19/5/2011) đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư.

Hòa thượng Kim Rêne khẳng định, không có chuyện di tích quốc gia này bị xâm hại


Khi tiếp nhận đề nghị của UBND thành phố Sóc Trăng và Công ty cổ phần Quốc tế Satraco, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành chức năng thẩm định, đề xuất (Phiếu chuyển số 837/PC-VP ngày 24/5/2011 của Văn phòng UBND tỉnh). Sau khi tổ chức họp và thống nhất ý kiến với các ngành liên quan như: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng... (Biên bản số 12/BB.SKHĐT ngày 23/6/2011), Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Quốc tế Satraco triển khai thực hiện Dự án với các lý do sau: Đây là dự án trọng điểm của thành phố Sóc Trăng để phục vụ phát triển đô thị, hướng đến năm 2015 thành phố Sóc Trăng đạt đô thị loại II; việc triển khai dự án nhằm phục vụ phát triển du lịch tại tỉnh, tạo nơi lưu trú khi khách đến tham quan tại Chùa. Trong quá trình xem xét, thẩm định, các sở ngành và UBND tỉnh đã có tính đến việc bảo vệ khu di tích và không làm ảnh hưởng đàn Dơi (Công văn số 317/SKHĐT-TTXTĐT ngày 23/6/2011).


Bà Lê Thị Huyền Trang, Phó giám đốc công ty cổ phần Quốc tế Satraco chia sẻ, chúng tôi đã đầu tư vào đây theo lời kêu gọi đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Sóc Trăng và đã bỏ ra biết bao tâm huyết cho dự án này, cụ thể là đã đầu tư khoảng 45 tỷ đồng từ nguồn vốn của chính công ty cho dự án. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng việc kinh doanh của mình muốn tồn tại và phát triển thì phải luôn gắn liền với việc bảo tồn văn hoá của di tích, đồng thời góp phần đưa giá trị văn hoá của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.


Dơi bay đi không phải do tiếng ồn


Tiếp xúc với PV KTNT, Trụ trì Chùa Dơi, Hòa thượng Kim Rêne khẳng định, không có chuyện di tích quốc gia này bị xâm hại, các hoạt động dịch vụ du lịch đều hoàn toàn nằm phía bên ngoài chùa và không ảnh hưởng đến di tích này.


“Dơi ở đây không sợ tiếng ồn. Hàng năm Chùa đều tổ chức nhiều buổi lễ, trong đó đều có phát loa khuếch đại cả ngày thì dơi cũng không bay đi”, Hòa thượng Kim Rêne cho biết.


Giải thích về việc đàn dơi ngày càng ít đi, Hòa thượng Kim Rêne cho biết: “Sở dĩ đàn dơi ngày một ít hơn là do khi dơi bay đi ăn thì bị người dân có vườn cây ăn trái (thức ăn dơi ưa chuộng) chăng lưới bắt dơi mang đi bán cho các nhà hàng.


Hòa thượng Kim Rêne và các cộng sự cũng đã gửi thư đến Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Biên tập một tờ báo, phản ứng về những thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của Phật tử và ảnh hưởng đến uy tín của chùa.


Người dân sống quanh khu vực Chùa Dơi vẫn thường đưa những hình ảnh trước và sau khi chỉnh trang đô thị để minh chứng cho sự đổi thay ở một vùng đất nghèo của phường 3, Thành phố Sóc Trăng. Hơn nữa, việc chỉnh trang lại đường xá, hạ tầng đã góp phần quan trọng thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến tham quan khu di tích Chùa Dơi.

Thư của Hòa thượng Kim Rênei gửi cho Ban Tôn giáo Chính phủ và các đơn vị liên quan


Bà Nguyễn Thị Mười Một, ở Phường 3, Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng cho biết, kể từ khi được chính quyền địa phương và doanh nghiệp đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng như: đèn, đường xá sạch đẹp, góp phần làm cho đường phố khang trang, sạch đẹp, để lại nhiều ấn tượng cho du khách thập phương mỗi khi đến thăm Sóc Trăng nói chung và Chùa Dơi nói riêng làm cho người dân nơi đây rất phấn khởi,. “Là người dân địa phương, chúng tôi rất tự hào về điều này”, bà Mười Một chia sẻ.


Anh Thạch Thái Hùng, người dân tộc Khmer ở cùng phường cho biết, chúng tôi rất tự hào về ngôi Chùa của dân tộc mình và vui khi được chính quyền cho đầu tư xây dựng đường xá sạch đẹp như hiện nay, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân trong vùng nhất là đồng bào dân tộc Khmer.


Cũng tại buổi làm việc, ông Thượng cho rằng việc một số thông tin trên báo chí phản ánh về những vấn đề trên của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian vừa qua là thiếu tính khách quan và không trung thực, cụ thể là trước khi viết các tác giả chưa hề làm việc với UBND tỉnh cũng như các cấp chính quyền ở địa phương.


Dư luận đặt ra câu hỏi rằng, trong khu di tích Chùa Dơi thì Ngôi Chùa là di tích hay “con dơi” là di tích? Có hay không những sai phạm, sai phạm đến mức nào liên quan đến bảo tồn di sản tại Chùa Dơi là việc sẽ được Bộ văn hóa – thể thao và du lịch kết luận chính thức trong thời gian tới.


Thiết nghĩ, việc cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp được triển khai đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng, làm nhà hàng, làm các bãi giữ xe, xây dựng khu nghỉ dưỡng hay đưa vào sử dụng xe điện phục vụ khách du lịch theo đúng quy hoạch… sẽ giúp tạo nên một khối tổng thể các công trình phục vụ phát triển du lịch lấy điểm di tích, di sản văn hóa làm trung tâm, đồng thời chủ động hạn chế tối đa các hành động xâm hại di tích tại địa phương. Khi việc đầu tư này được chính quyền địa phương cân nhắc kỹ, nó sẽ hỗ trợ tích cực cho việc bảo tồn, phát triển giá trị di tích Chùa Mahatup (Chùa Dơi), một biểu tượng của người Khmer cũng như của tỉnh Sóc Trăng.

Nhóm Phóng viên

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top