Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 2020 | 15:12

Chương trình OCOP ở Thái Nguyên, còn nhiều việc phải làm

Cùng với xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia, Thái Nguyên còn triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

tr26.JPG
Đàn gà Hồ lai Mía của gia đình ông Hoàng Văn Dũng.

 

Tiềm năng lớn

Thái Nguyên với vị trí trung tâm của khu vực trung du miền núi phía Bắc, là Thủ đô kháng chiến, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, điều kiện tự nhiên đa dạng phong phú với khoảng 800 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh là tiềm năng, thế mạnh lớn để phát triển du lịch. Bên canh đó, với sự đa dạng phong phú về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, tạo cho Thái Nguyên có nhiều sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, có lợi thế so sánh, có tính độc đáo, là điều kiện tốt để phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng, và sức cạnh tranh cao trên thị trường, thuận lợi để xây dựng các sản phẩm OCOP.

Theo rà soát sơ bộ, Thái Nguyên hiện có khoảng 172 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, thuộc các nhóm: thực phẩm; đồ uống; lưu niệm, trang trí, nội thất; dịch vụ du lịch. Trong đó, nhóm thực phẩm có 128 sản phẩm gồm chè, gạo, rau củ quả, mật ong, nấm, các loại thủy sản, thịt gia súc, gia cầm,... Nhóm đồ uống có 8 sản phẩm gồm rượu men lá, các đồ uống làm từ trà, nước siro hoa quả,... Nhóm thảo dược có 16 sản phẩm được chế biến từ cà gai leo (cao, trà túi lọc), từ quế (tinh dầu quế), từ hoa hồng (nước hoa, cao, kem trị nám),... Nhóm lưu niệm, trang trí, nội thất có 4 sản phẩm như: giường, bàn ghế, đồ thờ, tranh treo,...

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tạo hành lang pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên, người dân và lãnh đạo nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn chưa hiểu sâu, chưa hiểu hết tầm quan trọng của các sản phẩm OCOP; do chưa hiểu nên người dân không mặn mà với việc xây dựng các sản phẩm OCOP cho mình, chủ yếu vẫn do chính quyền các cấp vận động, thuyết phục, thậm chí còn phải động viên, có cơ chế khuyến khích .

Tiến tới xây dựng các sản phẩm OCOP

Ông Hoàng Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ hội chăn nuôi gà thịt xóm Thành Nam (xã Tân Hương, Phổ Yên) cho biết:  Gia đình tôi nuôi gà từ năm 2007, trước đây chủ yếu chăn nuôi theo kinh nghiệm, nhiều khi thất thu do dịch hoặc do thị trường rớt giá. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và lực lượng thú y cơ sở nên công tác chăn nuôi có phần phát triển, nhiều hộ trong xóm cũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà. Tháng 2/2020, chúng tôi thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà, với 14 hộ trong xóm cùng tham gia; tổng đàn gà của THT có khoảng 6 vạn con, với loại gà Hồ lai Mía là chủ yếu. Vừa qua, chúng tôi được chính quyền xã Tân Hương trao đổi và có ý định xây dựng thương hiệu gà của THT là sản phẩm OCOP của địa phương.

“Do mới thành lập, hội viên của THT chủ yếu là những người nông dân, nhận thức và cách triển khai vấn đề này, chúng tôi chưa hiểu rõ nên rất cần sự giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức xã hội để việc sản xuất, chăn nuôi của chúng tôi phát triển hơn”, ông Dũng cho biết.

Ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Hùng Sơn (xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên) chia sẻ: Nói tới OCOP, tôi cũng chỉ nghe qua báo đài, còn để hiểu sâu, hiểu cụ thể thì tôi chưa được một tổ chức nào giới thiệu; nhìn chung chưa rõ nhiều về chương trình này.

 

tr27.JPG

Ông Phạm Quang Hiếu bên hồ nuôi cá của HTX.

 

Được biết, HTX Nông sản an toàn Hùng Sơn được thành lập từ tháng 6/2018 với đăng ký kinh doanh tổng hợp nhưng chủ yếu vẫn là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy cầm và trồng cây ăn quả. Hiện nay, HTX có 10 thành viên, với khoảng 4ha diện tích ao hồ, đất trồng cây ăn quả, đất trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc. Trong nuôi trồng thủy sản, HTX chủ yếu là nuôi cá rô phi đơn tính, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn cá thương phẩm; cũng chính vì sự phát triển đều đặn của HTX nên xã Tân Phú đang có kế hoạch đăng ký xây dựng cá rô đơn tính là sản phẩm OCOP của địa phương.

Cần giúp người dân hiểu sâu về OCOP

Ông Nguyễn Thế Hoàng, Chủ tịch UBND xã Vạn Phái (Phổ Yên) cho biết: Vạn Phái là một xã thuần nông; trong sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu là trồng lúa; địa phương không có làng nghề nên việc chọn một sản phẩm đại diện để xây dựng trở thành sản phẩm OCOP là rất khó.

Trong vấn đề này, chúng tôi dự kiến sẽ chọn cây lạc để xây dựng nếu như được sự thống nhất trong của Thường trực và trong Ban chấp hành; khi đó sẽ ban hành thành văn bản cụ thể để triển khai xuống cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp, việc vận động bà con mở rộng diện tích trồng lạc cũng gặp nhiều khó khăn, do đó chúng ta phải xây dựng được những cơ chế hỗ trợ cho người dân khi tham gia vào các sản phẩm OCOP hay là một hình thức kích thích nào đó để nhân dân hào hứng triển khai như việc chung tay xây dựng nông thôn mới thời gian qua.

Ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao (Phổ Yên) bộc bạch: Trên địa bàn xã hiện có một sản phẩm đủ điều kiện để đạt tiêu chuẩn OCOP, đó là sản phẩm rau của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao. Tuy nhiên, việc phải có bao bì sẽ là rất khó đối với loại sản phẩm này; nếu là bao bì nilon thì rau phải thường xuyên để trong tủ lạnh, để ngoài trời rau sẽ hỏng; nếu là bao bì giấy, rau ướt, bao bì sẽ hỏng ngay. Về phía HTX, họ cũng rất muốn được là đơn vị có sản phẩm OCOP của địa phương; mặc dù sản phẩm rau của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP lần 2 và có hơn 500 nhà trường thường xuyên sử dụng rau của HTX để phục vụ bếp ăn tập thể.

Hết năm 2019, Thái Nguyên đã có 25 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; sắp tới, nhiều sản phẩm khác cũng có điều kiện sẽ đạt. Tuy nhiên, Thái Nguyên cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để các thành phần kinh tế, người dân, cán bộ hiểu sâu hơn về OCOP và các giá trị của nó.

Có như vậy, các địa phương sẽ sớm có nhiều sản phẩm tốt hơn, nhiều công ăn việc làm được tạo ra, thu nhập của người dân và của địa phương ắt cũng sẽ tăng và phát triển bền vững hơn.

 

 

 

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top