Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 8 năm 2013 | 7:28

Chuyện Chủ tịch tỉnh bẻ cong đường và cách hành xử khó hiểu của cơ quan chức năng ở tỉnh Vĩnh Long

KTNT-  Đã mấy năm qua, dư luận người dân ở Vĩnh Long nói riêng, ở trên cả nước nói chung rất quan tâm đến vụ nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu “bẻ” cong đường để đưa nhà mình ra mặt tiền, gây thiệt hại cho một hộ dân hàng chục tỉ đồng. Cùng với hành động “bẻ” đường đó là cách hành xử hết sức vô lý của cơ quan chức năng ở tỉnh này trước việc làm sai trái của ông cựu chủ tịch tỉnh…

Diễn biến vụ việc như sau: Bà Lê Thị Kim Khoa, ngụ tại 56/1 đường Phạm Thái Bường, phường 4, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long gửi đơn khiếu nại về việc ông Phạm Văn Đấu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long bẻ cong đường để đưa nhà ra mặt tiền, làm mất đứt mảnh đất của bà thiệt hại hơn chục tỉ đồng. Mảnh đất nhà bà Khoa rộng gần 1.600 m2 với chiều rộng 30 m nằm trên đường Phạm Thái Bường sát vách nhà Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Đấu. Bà Khoa mở nhà hàng Thiên Tân, kinh doanh phát đạt.

Đường Bạch Đàn hiện nay khi thi công mất hết toàn bộ nhà hàng Thiên Tân.


Năm 1996, đường Bạch Đàn - vốn là con hẻm nhỏ tráng xi măng, được UBND tỉnh quy hoạch mở đường với chiều rộng 30m, dài 480m nối từ đường Trần Phú đấu vuông góc với đường Phạm Thái Bường. Qui hoạch được thông báo công khai cho người dân biết. Với thiết kế này, con đường sẽ đâm thẳng vào nhà ông Phạm Văn Đấu, lúc đó làm Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long sau đó là Phó Chủ tịch rồi nay là Chủ tịch UBND tỉnh. Nhà ông Đấu mất 17m chiều ngang, chỉ còn lại hơn 1m. Còn bà Khoa nhà sát bên cũng bị mất 13m. Như vậy, bà Khoa cũng còn lại khoảng 17m. Cứ tưởng quy hoạch sẽ được thực hiện đúng theo… “quy hoạch”.

Nhưng sau khi ông Đấu lên làm Chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan tham mưu đã điều chỉnh thiết kế con đường từ rộng 30m xuống còn 18m. Đường Bạch Đàn cũng đã được bẻ cong để “né” nhà Chủ tịch tỉnh. Điều lạ lùng là việc điều chỉnh này hoàn toàn không công khai để dân biết! 

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, đến năm 2007, nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Đấu lại một lần nữa được điều chỉnh để tim đường trệch khỏi nhà ông nên con đường Bạch Đàn từ chỗ đang thẳng bỗng dưng bị bẻ cong hình chữ S. 

Bà Khoa cho biết: Khi có dự án đường Bạch Đàn và bị bẻ cong thì đường lấn vào căn nhà và mảnh đất của bà, bà phải mướn đất nơi khác để tiếp tục kinh doanh. Việc mất đất đã gây thiệt hại cho bà khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra còn chưa tính đến thiệt hại do phải thay đổi vị trí kinh doanh. Còn mảnh đất nhà ông Đấu chỉ còn 1m theo quy hoạch nay có đến 2 mặt tiền ở đường Phạm Thái Bường và ở đường Bạch Đàn.

Khi chúng tôi hỏi về việc điều chỉnh quy hoạch thì Giám đốc Sở GT-VT Trần Hoàng Tựu cho rằng: Đường có cong queo nhưng vẫn trong phạm vi 30m của dự án cũ. Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Quang Khải nói thêm: Điều chỉnh dự án được UBND tỉnh duyệt, chứ không cơ quan nào dám tự tiện, và vẽ quy hoạch do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chính. GĐ Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thế Truyền giải thích: Đường cong queo để tránh chùa Long Viễn. 

Trao đổi với phóng viên, Thượng tọa Thích Thiện Trí, trụ trì chùa Long Viễn, cho biết, chùa xây lại năm 2001 đã nằm ngoài dự án con đường rồi nên nói làm đường cong để né chùa “thì oan cho chùa lắm”.

Bà Khoa khiếu nại đến các cơ quan chức năng ở tỉnh Vĩnh Long với mong muốn được giải quyết đúng pháp luật. Thế nhưng, tháng 12/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long có quyết định bác toàn bộ yêu cầu của bà Khoa. 

Được biết, có hơn chục căn nhà của các quan chức đầu ngành tỉnh như: Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Giám đốc Sở GT-VT, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Chánh Thanh tra tỉnh,... trở thành mặt tiền nhờ có sự kiện bẻ cong đường. Có phải vì thế nên việc khiếu nại của bà Lê Thị Kim Khoa bị tỉnh Vĩnh Long bác bỏ?

Sau khi báo chí phản ánh vụ “ăn theo” này, ngày 12/8/2010, UBND tỉnh Vĩnh Long có công văn do Phó Chủ tịch Trương Văn Sáu ký, gửi Bộ TT-TT giải trình việc này, tuy nhiên vẫn né tránh sự thật.

Công văn của UBND tỉnh Vĩnh Long đưa ra nhiều lý giải cho việc bẻ cong đường, né nhà Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Đấu. Tuy nhiên, những lập luận đều căn cứ vào các văn bản do UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành. Vấn đề công luận đặt ra vẫn chưa được làm rõ: Tại sao phải bẻ cong đường? 

Khi công bố quy hoạch con đường Bạch Đàn, rộng 30m, chạy giữa đất của ông Đấu và bà Lê Thị Kim Khoa, khiến đất của ông Đấu mất gần hết. Đó là khi ông Đấu còn lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước. Sau khi ông Đấu lên làm Chủ tịch UBND tỉnh, cuối năm 2009, con đường hoàn thành giai đoạn một thì hiện rõ giai đoạn hai sẽ đâm vào nhà của bà Khoa, lấy gần hết đất của bà Khoa. Trong khi đó, đất của Chủ tịch Đấu lại chỉ mất có 4m, còn gần 15m chạy dài khoảng 100m theo con đường sẽ mở. 

Công văn của UBND tỉnh Vĩnh Long giải thích, do quy hoạch được điều chỉnh, con đường chỉ còn rộng 18m. Nhưng nhiều người tự hỏi tại sao không giữ vị trí tim đường, để Chủ tịch Đấu và bà Khoa đều bớt thiệt hại, mà phải nắn tim đường sang đất bà Khoa để Chủ tịch Đấu được hưởng trọn lợi ích của việc điều chỉnh? Điều này công văn không đề cập.

Một điều nữa khiến dư luận địa phương bất bình là đường Bạch Đàn giai đoạn một dài 480m đã làm xong lại cong hình chữ S. Việc uốn cong này, công văn của UBND tỉnh Vĩnh Long giải thích khá dài dòng, nhưng chưa phản bác được nghi vấn giai đoạn hai của dự án, vì sao đường né nhà Chủ tịch Đấu.

Công văn cho rằng, giữa năm 2002, bà Khoa cam kết thực hiện quy hoạch mở rộng đường và không khiếu nại gì cả. Tuy nhiên, lúc đó bà Khoa căn cứ vào quy hoạch được công khai, con đường thẳng tắp chạy giữa nhà bà và nhà ông Đấu. Bây giờ, bà Khoa nói bà khiếu nại vì nắn đường khiến bà thiệt hại gần 10 tỷ đồng và giá trị ấy “nhảy sang nhà Chủ tịch Đấu”. Bà khiếu nại cả việc quy hoạch (như trong công văn của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo phải làm rõ vụ việc đã đề cập), chứ không phải chỉ khiếu nại giá bồi thường như công văn của UBND tỉnh Vĩnh Long giãi bày.

Cuối tháng 6/2010, bà Khoa gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư và Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ về việc ông Phạm Văn Đấu có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn thay đổi quy hoạch để trục lợi. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (lúc đương chức) cũng đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Long làm rõ và báo cáo kết qủa cho Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2009. Thế nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa giải quyết xong.
Khiếu nại không xong, bà Lê Thị Kim Khoa khởi kiện đến TAND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu hủy 3 quyết định phê duyệt quy hoạch, phương án bồi thường, thu hồi đất “không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho tôi”.

Ngày 01/8/2011, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có Công văn số 364, gửi TAND tỉnh Vĩnh Long “giải quyết theo thẩm quyền” đơn tố cáo “dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn thay đổi quy hoạch để trục lợi” của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 25/10/2011, TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm vụ kiện hành chính “nắn đường né nhà chủ tịch tỉnh”, sau hai lần hoãn vì vắng mặt đại diện VKSND và UBND tỉnh Vĩnh Long hồi tháng 9/2011. Chánh tòa Hành chính Nguyễn Thành Mới làm chủ tọa. 

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử dành nhiều thời gian làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch. Đại diện UBND tỉnh giải thích, bản đồ có con đường thẳng, rộng 30 m, do Sở Xây dựng cung cấp cho bà Khoa chỉ là tài liệu tham khảo, vì căn cứ vào quy hoạch tổng thể năm 1996; còn con đường cong với chiều rộng 18m, căn cứ quy hoạch chi tiết năm 2003 do UBND tỉnh phê duyệt, mới có giá trị thực hiện.

Khi Luật sư của bà Khoa hỏi, tại sao căn nhà của bà Khoa xây dựng năm 2002, chỉ được bồi hoàn 80% giá trị? Đại diện UBND tỉnh lại giải thích, căn cứ quy hoạch tổng thể năm 1996 và “các quy định của UBND tỉnh”.

Bà Khoa cho rằng, thu hẹp con đường khi ông Đấu làm Chủ tịch tỉnh và dành hết lợi ích cho ông Đấu là không công bằng.

Người được Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long ủy quyền trả lời “đã ưu tiên hết mức cho bà Khoa”. 
Đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Long cũng hùa theo khi nói, thu hẹp đường cho phù hợp nhu cầu còn để tiết kiệm ngân sách đầu tư, không nên nghĩ là né nhà Chủ tịch tỉnh.

Bà Khoa đáp lại, nếu tiết kiệm ngân sách thì phải lấn vào đất của ông Đấu, lúc đó mới có một căn nhà cấp 4, còn lại là đất trống, không thể lấn vào cơ sở kinh doanh của bà để phải bồi thường lớn hơn và cơ sở đang nộp nhiều thuế hàng năm.

Kết thúc phiên tòa, Chủ tọa Nguyễn Thành Mới đọc bản án, tuyên đình chỉ một phần vụ án hành chính của bà Khoa về yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Vĩnh Long vì không phải đối tượng khởi kiện hành chính, và bác yêu cầu của bà Khoa đòi tăng tiền bồi thường. Vì vậy, bà kháng án đến TANDTC tại TP Hồ Chí Minh. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ mở vào ngày 10/7/2013.

Thế nhưng, ngày 9/7, cán bộ Toà phúc thẩm TANDTC tại TPHCM cho biết, đã nhận được công văn xin tạm hoãn phiên phúc thẩm xử vụ “nắn đường né nhà chủ tịch tỉnh” với lý do là đã ủy quyền cho PGĐ Sở TN&MT Nguyễn Văn Đấu đại diện UBND tỉnh tham dự phiên toà nhưng ông Đấu “bị bệnh đột xuất phải nhập viện” (Công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Diệp, ký ngày 5/7).

Thế là, một lần nữa, bà Lê Thị Kim Khoa cũng như dư luận lại phải chờ để “xem hồi sau” sẽ như thế nào?

Xuân Thái

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top