Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 7 năm 2018 | 9:19

Chuyện khó tin ở ngành thực thi pháp luật tỉnh Bình Định

Trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại 234 đường Xuân Diệu, phường Trần Phú, TAND TP. Quy Nhơn và Phòng Công chứng số 1 Bình Định chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

Tòa án nhân dân (TAND) TP. Quy Nhơn và Phòng Công chứng số 1 là hai đơn vị thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại 234 đường Xuân Diệu, phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn, hai đơn vị này chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

 

Kỳ I: TAND TP. Quy Nhơn vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự?


py.jpg
Lô đất đang tranh chấp được xây dựng khách sạn, đã hoàn thành đến  tầng 10.

 

Bị đơn “khoán trắng”?

Ngày 8/12/2015, ba anh em ông Nguyễn Long Phú, ông Nguyễn Phấn và bà Nguyễn Thị Thơm phát hiện vợ chồng ông Nguyễn Xuân Hương và bà Bùi Thị Sen (Hương là em trai cùng mẹ, khác cha) đem di sản (nhà và đất) của cha mẹ để lại chuyển nhượng cho vợ chồng ông Trần Thanh Hùng và bà Nguyễn Hoàng Mai Hương. Ba anh em ông Phú có đơn yêu cầu hòa giải tại phường vào ngày 12/1/2016, được UBND phường Trần Phú trả lời không đủ thẩm quyền giải quyết.

Ngày 2/4/2016, ba anh em ông Phú có đơn khởi kiện vợ chồng ông Hương, bà Sen. Ngày 11/4/2016, TAND TP. Quy Nhơn ra thông báo trả lại đơn khởi kiện “Vì chưa qua thủ tục hòa giải tại phường”, theo quy định tại khoản 2, Điều 202, Luật Đất đai.

Ba anh em ông Phú tiếp tục quay trở lại phường, được UBND phường tiếp nhận đứng ra tổ chức hòa giải, nhưng nhiều lần vợ chồng ông Hương, bà Sen đều vắng mặt. Chỉ riêng điều này, TAND TP. Quy Nhơn đã bỏ qua quy trình thủ tục hành chính ban đầu là phải có “Biên bản hòa giải” thành hay bất thành tại hồ sơ.

Từ khi thụ lý hồ sơ đến khi đưa ra xét xử, TAND TP. Quy Nhơn chỉ có một bộ hồ sơ do 3 anh em ông Phú sưu tra, photo cung cấp, với đầy đủ chứng cứ pháp lý để tòa căn cứ tuyên xử theo yêu cầu của nguyên đơn. Trong quá trình này, lẽ ra TAND TP. Quy Nhơn phải căn cứ vào các điều 205, 206, 207, 208 và 209 của Bộ luật Tố tụng dân sự để các bên đương sự được quyền tham gia “phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Đằng này, TAND TP. Quy Nhơn gần như được bị đơn “khoán trắng” trong vụ này, năm lần bảy lượt chỉ duy nhất mời bên nguyên đơn - 3 anh em ông Phú.

Ngay từ đầu thụ lý, TAND TP. Quy Nhơn vẫn coi đây là vụ án dân sự giữa các anh em ông Phú với nhau qua hai hợp đồng: “Hợp đồng cho nhà ở”, ngày 04/12/2004 và  “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất”, ngày 8/12/2015. Tất cả đều là di sản của cha mẹ để lại.

Có sự khuất tất hay không trong việc “khoán trắng” của bị đơn, dẫn đến thẩm phán được phân cấp giải quyết vụ án đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc xử lý đơn khởi kiện; tiến hành thu thập chứng cứ, xác minh chứng cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 3, Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Lẽ ra, thẩm phán phải thấy: Vụ án có những tình tiết không đơn giản, quan hệ pháp luật dân sự không rõ ràng qua tài liệu chứng cứ tại hai hợp đồng nói trên. Cả hai hợp đồng đều là sản phẩm của Phòng công chứng số 1, tỉnh Bình Định có mâu thuẫn, không rõ ràng để hướng dẫn nguyên đơn khởi kiện hành chính, tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Đó là, văn bản công chứng của “Hợp đồng cho nhà ở” chưa hề bị tranh chấp trong các hợp đồng thừa kế (các anh em ông Phú), nên chưa được tòa tuyên bố vô hiệu, nó vẫn còn nguyên hiệu lực. Do đó, “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất” của công chứng viên Mai Hữu Hòa là vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội… được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 12: Các hành vi bị nghiêm cấm (Luật công chứng năm 2006).

Có trục lợi?

Bằng văn bản công chứng “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất”, tọa lạc 234 đường Xuân Diệu, phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn, giữa vợ chồng ông Hương, bà Sen với vợ chồng ông Hùng, bà Mai Hương, bị 3 anh em ông Phú liên tục có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền ngăn chặn việc đập phá ngôi nhà, xây dựng công trình trái phép. Ngày 21/9/2017, ba anh em ông Phú có đơn đề nghị UBND TP. Quy Nhơn ngăn chặn “v/v cấm xây dựng trên đất đang tranh chấp”. Ngày 27/9/2017, UBND TP. Quy Nhơn có Công văn số 775/PC-UBND đề nghị “Phòng QLĐT thành phố và UBND phường Trần Phú lưu ý trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với nhà và đất tọa lạc tại 234 đường Xuân Diệu”. Lúc này, công trình đang xây dựng phần móng buộc phải dừng thi công và đóng cửa. Vài tháng sau không hiểu vì lý do gì, công trình tiếp tục thi công trở lại, từ tầng trệt và hiện nay cơ bản hoàn thành đến tầng 10, mở ra mặt tiền đường Xuân Diệu, với bờ biển Quy Nhơn rộng lớn.

Ngày 17/04/2018, ba anh em ông Phú có đơn đề nghị TAND TP. Quy Nhơn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đình chỉ ngay việc thi công xây dựng công trình khách sạn tại số nhà 234 đường Xuân Diệu. TAND TP. Quy Nhơn vẫn phớt lờ yêu cầu này, vẫn tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Với hành vi nói trên, TAND TP. Quy Nhơn đã vi phạm Điều 122, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 : “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó”.

Mong rằng ở cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Định sẽ có bản án rõ ràng, minh bạch theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, với hai hợp đồng: “Cho nhà ở” và “Chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất”.

 

Kỳ II: Sự mâu thuẫn của hai hợp đồng ở một phòng công chứng


 

Phi Công
Ý kiến bạn đọc
Top