Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 7 năm 2022 | 9:24

Chuyển mục đích sử dụng đất cho cao tốc Bắc-Nam: Không để phá rừng, lấn đất

Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp bất thường vào đầu năm nay (Nghị quyết 44/2022/QH15).

Tại Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, UBTVQH đã xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Việc UBTVQH thông qua Nghị quyết sẽ tạo nền tảng quan trọng cho dự án về đích đúng hẹn.

Cần đảm bảo chuyển đổi đúng mục đích

Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp bất thường vào đầu năm nay (Nghị quyết 44/2022/QH15).

 

z3564025222629_259de7b866b656876feb14b25f30e0a0.jpg
Quyết tâm hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào năm 2030.

 

Theo đó, Nghị quyết 44 xác định Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố, với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ được xác định là 5.481ha; trong đó đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên 1.532ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất 1.436 ha.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Nghị quyết số 44 xác định nhu cầu sơ bộ sử dụng đất của dự án khoảng 5.480 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.530 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất 1.436 ha; giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.

Do đó, Chính phủ kiến nghị diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng 1.054,63ha, bao gồm: 111,84ha rừng phòng hộ, 4,45ha rừng đặc dụng, 802,91ha rừng sản xuất, 135,43ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89ha, rừng đặc dụng 0,22ha,  rừng sản xuất 120,32ha); diện tích đất lâm nghiệp 1.863,94ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10ha, đất rừng đặc dụng 4,61ha, đất rừng sản xuất 1.721,23ha; diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 1.721,96ha.

Giải trình về sự chênh lệch diện tích đất rừng so với báo cáo tiền khả thi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đất lúa nằm trên địa hình bằng phẳng nên trong báo cáo sơ bộ xin chủ trương đầu tư có sự tính toán tương đối chính xác. Đối với 7 tỉnh, thành có rừng, diện tích địa hình phức tạp, đồi núi không tránh được sự sai lệch về số liệu (tăng hơn 300 ha đất rừng). Tuy nhiên, Chính phủ đã tính toán để không tăng thêm tổng diện tích và đảm bảo nguồn kinh phí đã được Quốc hội thông qua. Đến thời điểm này, hồ sơ dự án đã được chuẩn bị, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ ký phê duyệt tất cả 12 dự án để các địa phương triển khai, đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, so với hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi, trong bước nghiên cứu khả thi, hướng tuyến đã điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm kinh tế-kỹ thuật. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cơ bản không thay đổi nhiều về số liệu chiếm dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án. Đồng thời, khu vực tuyến cao tốc đi qua chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên chỉ phân bố tại một số vị trí cục bộ, chiếm diện tích rất nhỏ (39,83 ha/1054,63ha tổng diện tích rừng đề nghị thu hồi) và đây là khu vực bìa rừng nên chủ yếu là rừng tự nhiên có trữ lượng rừng ở mức nghèo kiệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật nhu cầu sử dụng đất, rừng của dự án vào các quy hoạch có liên quan để bảo đảm chặt chẽ các cơ sở, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, rừng, đất trồng lúa nước hai vụ cho dự án.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát chặt chẽ diện tích đất rừng và diện tích đất trồng lúa hai vụ cần chuyển đổi, bảo đảm tối ưu diện tích đất cần chuyển đổi để thực hiện dự án, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu này và khẩn trương trồng rừng thay thế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối với diện tích đất trồng lúa nước hai vụ theo đúng quy định pháp luật.

Năm 2030, có 5.000km cao tốc

Cũng tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, đặt ra mục tiêu là, đến năm 2025 có 3.000km cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km cao tốc.

 

z3564025243468_5bb2d1bc1975b524c3acb38cb87ecca7.jpg
Các thành viên UBTVQH biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn

 

“So với yêu cầu, mục tiêu Đại hội đề ra thì đây là nhiệm vụ rất lớn”, Phó thủ tướng nói. Trong 20 năm qua, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta mới hoàn thành được hơn 1.000km – con số quá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Bình quân trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2015-2020), chúng ta hoàn thành 487km cao tốc thì từ nay đến năm 2025, phải xây dựng khoảng 2.000km cao tốc.

“Chúng tôi cảm ơn Quốc hội, UBTVQH đã tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 12/2021 và ban hành các Nghị quyết 43, 44”, Phó thủ tướng bày tỏ. Hai Nghị quyết này tạo cơ chế thông thoáng để có thể rút ngắn các thủ tục đầu tư (thủ tục đầu tư sẽ rút ngắn từ 1-2 năm, trước đây triển khai 2-3 năm thì tới đây chỉ triển khai trong 1 năm). Quốc hội đã bố trí nguồn lực trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế dành cho tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2 với yêu cầu đặt ra là trong năm 2022-2023 phải giải ngân xong.

Theo Phó thủ tướng, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18 để triển khai, phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và xây dựng các mốc tiến độ rất cụ thể để thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 729km cao tốc (Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2). Thời gian qua, các bộ, địa phương đã vào cuộc khẩn trương, tổ chức thực hiện các công việc để làm sao đến tháng 12/2022 khởi công Dự án.

 

Tại phiên họp thứ 13, 100% ủy viên UBTVQH đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên như tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, chuyển đổi 1.054ha đất rừng, 1.863ha đất lâm nghiệp, 1.537ha đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên.

UBTVQH giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng, diện tích rừng.

Đồng thời, các tỉnh phải giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh (nếu có).

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư theo quy định.

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành có dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi, không để các đối tượng lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định…

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top