Lợi dụng lòng tin từ những mối quan hệ thân quen, bà Phạm Thu Hương (chuyên viên Phòng Quản lý thoát nước và Xử lý nước thải - Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng) đã nhận hàng trăm triệu đồng “phí dịch vụ” làm sổ đỏ và tách thửa đất cho người dân. Tới khi sự việc đổ bể, bà Hương luôn tìm cách trốn tránh hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận.
Giấy biên nhận tiền núp dưới vỏ bọc “phí dịch vụ” để làm sổ đỏ có chữ ký của bà Phạm Thu Hương.
Theo tố cáo của bà Nguyễn Thị Bích Hằng (Mai Hương, Bạch Mai, Hà Nội), khoảng cuối năm 2012, gia đình bà có một mảnh đất rộng 418m2 tại tổ 4, phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội) đang gặp nhiều vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ. Đem chuyện này tâm sự với bà Phạm Thu Hương (người thân quen với gia đình bà Hằng), bà Hương nói rằng mình công tác tại Bộ Xây dựng, việc này dễ không khó và khẳng định có thể giúp làm sổ đỏ cho bà Hằng 180m2 đất, nếu không làm được bà Hương xin trả lại 100% số tiền đã nhận.
Nghe nói vậy, bà Hằng rất tin tưởng bởi bà Hương làm ở Bộ Xây dựng thì làm một cuốn sổ đỏ chắc chẳng khó khăn gì. Vì vậy, gia đình bà quyết định nhờ bà Hương giúp và được bà Hương nhận lời ngay.
Ngày 7/12/2012, như đã thỏa thuận trước đó, bà Hằng chuyển cho bà Hương tổng số tiền 400 triệu đồng để lo liệu công việc, trong đó 200 triệu đồng làm sổ đỏ 180m2 đất, 200 triệu đồng là tiền tách thửa số đất còn lại.
Sau đó, gia đình bà Hằng không tách thửa nữa mà chỉ làm sổ đỏ cho 180m2 đất và bà Hương trả lại cho bà Hằng 200 triệu đồng tiền tách thửa, còn 200 triệu đồng “phí dịch vụ” thì Hương nói rằng đã nhìn thấy sổ đỏ, chỉ đợi ngày lấy.
Khi bà Hằng được bà Hương đưa sổ đỏ thì mới ngớ người hiểu rằng mình bị lừa, hóa ra không phải sổ đỏ đất lâu dài mà là giấy chứng nhận sử dụng đất trong vòng 50 năm.
Cho rằng bà Hương không làm được sổ đỏ như lời hứa nên bà Hằng đòi lại tiền đã chi ra trước đó, nhưng bà Hương cứ khất lần, khất lượt. Sau hơn 2 năm, khoản tiền 200 triệu đồng bà Hằng đưa cho bà Hương vẫn “bặt vô âm tín”.
Sau nhiều lần đòi nợ bất thành, bà Hằng quyết định làm đơn gửi Công an quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội tố cáo hành vi của bà Hương vì có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Giấy xác nhận lại khoản nợ làm tiền phí dịch vụ làm sổ đỏ giữa bà Phạm Thu Hương và bà Nguyễn Thị Bích Hằng.
Sau khi nhận được phản ánh của bà Hằng, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Hương theo số điện thoại ghi trên giấy nhận tiền nhưng không liên lạc được.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, cho biết, ông chưa nhận được đơn của bà Hằng. Về góc độ công dân, báo cứ làm việc với bà Hương rồi phản ánh bình thường. Về góc độ công việc, sau khi Cục nhận được đơn, Cục sẽ xác minh, nếu đúng sẽ có hướng xử lý cụ thể.
Trước những diễn biến bất thường của vụ việc, bà Hằng đề nghị Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Công an TP. Hà Nội, Công an quận Hai Bà Trưng, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng sớm vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi của những người có liên quan trong vụ việc, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
Điều 139, Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” |
Ánh Sáng
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.