Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 2 năm 2011 | 10:48

Chuyện “đi thầy” ở khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

Lâu nay, dư luận khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn ì xèo chuyện sinh viên muốn qua được kỳ thi môn Tư pháp quốc tế thì phải… “đi thầy”, cụ thể là thầy Nguyễn Bá Diến, PGS.TS, Trưởng bộ môn Luật quốc tế. Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm, gần như thành “truyền thống” trong nhiều khóa sinh viên, không những gây bức xúc trong dư luận cán bộ, giáo viên, sinh viên của khoa mà còn nảy sinh tâm lý hoang mang, lo lắng trong sinh viên. Đến nỗi, cuối tháng 12/2010, trước kỳ thi học kỳ 1, sinh viên lớp K53CLC (chất lượng cao) phải tập trung lại, tiến hành bỏ phiếu “có” hoặc “không” (đi thầy). Kết quả: 10 phiếu “có”, 6 phiếu “không”!

Theo phản ánh của hai sinh viên lớp K53A (đề nghị giấu tên), trước ngày thi Luật quốc tế 3 ngày, hai em cùng hai bạn khác bàn nhau gọi điện thoại cho ông Diến, được ông này hẹn tiếp vào 10h sáng hôm sau tại Trung tâm Luật biển (phố Doãn Kế Thiện, gần làng trẻ SOS, do ông Diến phụ trách). Sáng hôm sau, hai sinh viên này đến Trung tâm, mang theo 2kg cam và 4 phong bì, mỗi phong bì 1 triệu đồng, bên ngoài ghi rõ họ tên của 4 sinh viên, tên lớp, mã sinh viên và ngày tháng năm sinh, tất cả đựng trong một túi giấy mầu ghi, rất kín kẽ và kín đáo! Hai em được một nữ nhân viên hướng dẫn lên phòng làm việc của ông Diến ở tầng 3. Tại đây, giữa những cuộc điện thoại của thầy, hai sinh viên đã trao đổi với thầy nhiều chuyện, đại ý “chúng em đến thăm thầy, thứ nhất là để thầy ký sổ đầu bài, thứ hai là có món quà mong thầy tạo điều kiện trong kỳ thi sắp tới”. Các em ngồi chừng 35 phút thì xin phép ra về, ông Diến không quên cảm ơn học trò “đã quan tâm tới thầy”. Xuống đến tầng 1 thì hai em “chạm trán” với hai sinh viên khác của lớp K53CLC, nhưng chỉ chào nhau mà không nói gì.

Thiết nghĩ, Ban giám hiệu ĐH Quốc gia Hà Nội và cơ quan công an cần sớm làm sáng tỏ vụ việc để khôi phục trật tự kỷ cương cũng như trả lại sự trong sạch, tôn nghiêm của môi trường giáo dục. (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ).

Một sinh viên lớp K53A (đề nghị giấu tên) nêu trong đơn: “Em cũng như các bạn khác rất sợ và rất chú ý môn học Luật quốc tế. Nhưng chúng em biết rằng dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thể được điểm bình thường. Mọi người đều biết và đều bảo nhau phải đi thầy. Mặc dù nhà nghèo, bố mẹ làm nông dân nuôi 5 anh chị em em ăn học, em vẫn phải cố gắng lo một khoản tiền là 1 triệu để đến thầy Diến…”.

Đơn của em P.N.L.G, sinh viên K48 khoa Luật (đã ra trường) viết: “Vào năm học 2006-2007, em đang là sinh viên năm cuối, chương trình học có môn Tư pháp quốc tế với thời lượng 5 trình. Bộ môn này tương đối khó và khối lượng kiến thức khá lớn. Được các khóa trước truyền lại “kinh nghiệm” môn này có thầy Nguyễn Bá Diến hỏi thi, thầy nổi tiếng hỏi thi theo cảm hứng lại có mối quan hệ qua lại, hoặc ai đã hối lộ thầy thì sẽ được điểm cao mà không cần dựa vào kiến thức, em hơi băn khoăn và lo lắng bởi nếu môn này em bị điểm kém thì điểm tổng kết toàn khóa sẽ bị kéo xuống. Sau khi suy nghĩ, mặc dù là sinh viên nghèo nhưng em vẫn quyết định trích ra 500.000 đồng để đi thầy… Buổi chiều sau giờ hành chính, em cầm phong bì và giáo trình môn Tư pháp quốc tế lên gặp thầy Nguyễn Bá Diến. Em nói với thầy em đang chuẩn bị thi môn này nhưng em học nhiều chỗ không hiểu, rất mong thầy giúp đỡ và đưa phong bì cho thầy. Thầy cất phong bì đi và hỏi em một số câu về môn Tư pháp quốc tế, sau đó có hướng dẫn cách trả lời. Đến ngày thi, lúc vào hỏi thi thầy gọi em lên hỏi đúng những câu như thế và em trả lời như hướng dẫn. Thầy khen tốt và bảo đi ra. Hôm sau xem điểm em thấy mình đạt điểm 9… Thi môn Tư pháp quốc tế lần 1, K48B rất nhiều người trượt, sau đó nhiều bạn hỏi em làm sao điểm cao, em kể lại hết cho các bạn và khuyên các bạn nên đi thầy. Theo em được biết, khoảng đến 60% các bạn trong lớp đều phải đi thầy mới qua được môn Tư pháp quốc tế này. Đã nhiều năm trôi qua, đến nay em mới có cơ hội và dám nói những sự việc ở trên. Rất mong các thầy cô trong Ban chủ nhiệm khoa Luật nhanh chóng đưa sự việc ra ánh sáng để các em khóa sau được học tập trong môi trường hoàn toàn trong sạch…”.

Ngày 25/2/2011, GS.TS Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm khoa Luật trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội ký Quyết định số 131/QĐ-KL về việc tiến hành xác minh tố cáo của sinh viên đối với ông Nguyễn Bá Diến, Trưởng bộ môn Luật quốc tế, nội dung xác minh chuyện “đi thầy” của sinh viên các lớp thuộc khóa 53 và các khóa khác trong khi hỏi thi các môn thuộc bộ môn Luật quốc tế quản lý”, thành lập Tổ thanh tra do TS Ngô Huy Cương, Chủ tịch Công đoàn làm Tổ trưởng, Th.S Trần Thị Thu Hạnh, Trưởng ban Thanh tra nhân dân (Tổ phó), thành viên gồm TS Lê Văn Bình, cán bộ giảng dạy bộ môn Luật quốc tế, ông Đặng Phương Hải, chuyên viên phòng QLĐT- KH (thành viên) và ông Hồ Ngọc Thọ, chuyên viên phòng HC-QT.

Ngày 7/3, đại diện Tổ thanh tra làm việc với 4 sinh viên lớp K52CLC (đề nghị giấu tên). Một sinh viên trình bày như sau: “Thầy Diến dạy hai môn là Tư pháp quốc tế và Thương mại quốc tế. Sinh viên nghe theo lời của sinh viên khóa trước thì trước khi thi môn Tư pháp quốc tế, sinh viên có đến thầy và đưa phong bì, nên sinh viên được 8,5 điểm… Đối với môn Tư pháp quốc tế, sinh viên đi cùng sinh viên H và A, đưa phong bì 1.500.000 đồng…, đi ban ngày đến Trung tâm Luật biển tại phố Doãn Kế Thiện. Thầy Diến ngồi ở tầng 3, có đi qua chỗ nhân viên, nếu thầy Diến đồng ý thì nhân viên mới cho lên…”. Một sinh viên khác cho hay: “Lớp K52CLC có nói chuyện về việc đi thầy. Thông qua kinh nghiệm của sinh viên khóa trước đồng thời trong khi học, khi thầy Diến hỏi sinh viên không trả lời được thầy hay cho điểm 1, 2 nên lo lắng khi thi hết môn, nên lớp thống nhất là đi thầy Diến vào cuối môn”. Hai sinh viên còn lại thừa nhận “các em cũng có đến thầy Diến”, “đi cả 2 môn và được thầy tiếp và nhận quà của cả hai lần”. Theo các em, “cả lớp em đều đi và chia thành từng nhóm, mỗi nhóm 2 đến 3 bạn và đều có phong bì với mức giá mỗi môn một sinh viên là 500.000 đồng. Khi đi về, các nhóm cũng có trao đổi và hỏi thăm về việc đến thầy Diến như thế nào”.

Ngày 9/3, Tổ thanh tra đã có “Báo cáo sơ bộ kết quả thanh tra xác minh tố cáo ông Nguyễn Bá Diến” gửi Chủ nhiệm khoa Luật, “sơ bộ kết luận nội dung tố cáo ông Nguyễn Bá Diến nhận tiền “đi thầy” của sinh viên trước kỳ thi môn Tư pháp quốc tế là có thật”, “Qua thanh tra xác minh, Tổ thanh tra nhận thấy ông Nguyễn Bá Diến đã nhận tiền “đi thầy” của sinh viên chính quy nhiều khóa trước các kỳ thi môn học do ông phụ trách”, “Qua thanh tra, Tổ thanh tra còn được biết, Trung tâm Luật biển của khoa Luật đã bị ông Nguyễn Bá Diến biến thành nơi tiếp sinh viên trước các kỳ thi để nhận tiền “đi thầy”.

Nhiều người hẳn còn nhớ vụ án “bút kim xanh” gây bức xúc dư luận cách đây trên chục năm, khi một số cán bộ khoa Luật (Trường ĐH KHXH&NV) bị pháp luật xử lý vì ăn tiền “chạy điểm” của sinh viên lớp Luật tại chức ở Hải Phòng. Có vẻ như vấn nạn tiêu cực trong thi cử ở môi trường giáo dục ĐH hiện vẫn phổ biến, ngày càng trắng trợn và tinh vi hơn, nhưng thật đáng buồn và cực kỳ nghiêm trọng là những hành vi vi phạm pháp luật này lại xảy ra ngay trong lĩnh vực đào tạo Cử nhân Luật, những người sẽ hoạt động trong các cơ quan luật pháp, hoặc ít nhiều liên quan đến luật pháp, trong tương lai. Được biết, quy mô đào tạo của khoa Luật có 4 lớp chính quy (2 lớp cử nhân Luật học, 1 lớp cử nhân Luật kinh doanh, 1 lớp chất lượng cao), 1 lớp văn bằng 2, 2 lớp tại chức, 2 lớp cao học, tổng cộng ngót 1.000 sinh viên. Nếu như việc “đi thầy” như sinh viên tố giác là đúng, và trung bình mỗi lớp chính quy và lớp CLC có khoảng 60-70% sinh viên “đi thầy” (lớp tại chức, cao học có thể cao hơn), mỗi sinh viên phải chi 500.000 đồng (theo nhóm), thậm chí 1.000.000 đồng (nếu đi lẻ), có thể thấy số tiền “tiêu cực phí” ở mỗi kỳ thi không hề nhỏ!

Đáng chú ý là trong quá trình xác minh, làm rõ tiêu cực, TS Ngô Huy Cương, Tổ trưởng tổ thanh tra, đã hai lần bị đe dọa hành hung. Theo đơn trình báo của ông Cương, vụ thứ nhất xảy ra lúc khoảng 17h50 phút ngày 8/3, sau khi làm việc xong, anh ra mở cửa xe ô tô thì bị một người đàn ông thấp đậm chặn lại hỏi: “Mày có phải là Cương không?”. Thấy “có vấn đề”, anh Cương lùi lại, đáp: “Phải”. Người này nói: “Tao là người nhà ông Diến đây. Tại sao mày tố cáo ông Diến? Tao phải xử lý mày”. Vừa nói, anh ta vừa cho tay vào người. Anh Cương liền túm tay người này kéo vào nhà và gọi mọi người đến chứng kiến, có cả GS Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm khoa và GS.TS Nguyễn Đăng Dung. Tuy nhiên, lợi dụng lúc nhốn nháo người lạ đã chuồn mất. Vụ thứ hai xảy ra hồi 11h ngày 10/3, người đàn ông hôm trước lại tới trường uy hiếp anh Cương. Do cảnh giác nên anh Cương đã kịp báo Công an phường Dịch Vọng Hậu tới mời người này về trụ sở CA phường làm việc. Tuy nhiên, theo đơn trình báo của anh Cương, ngay trong lúc làm việc tại trụ sở CA phường với tư cách bị hại, anh đã bị bố con ông Diến uy hiếp, thậm chí còn dọa “giết”!

Thiết nghĩ, Ban giám hiệu ĐH Quốc gia Hà Nội và cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc để khôi phục trật tự kỷ cương cũng như trả lại sự trong sạch, tôn nghiêm của môi trường giáo dục, đặc biệt là không để những chuyện tiêu cực làm vấy bẩn hình ảnh cao quý của người thầy trong mắt sinh viên cũng như trong dư luận xã hội./.

Công Lý

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top