Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 7 năm 2021 | 14:14

Có hay không một người dùng mác “Việt kiều Mỹ” lừa đảo người dân làm thủ tục định cư?

Ông Nguyễn Tấn Khải (SN 1955, quê quán xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) bị một người dân tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức làm thủ tục đầu tư định cư tại Hoa Kỳ theo Chương trình EB-5 với số tiền 600.000 USD.

Làm thủ tục định cư Mỹ bằng 4 lô đất!

Theo đơn của bà T.V, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) cho biết khoảng cuối năm 2017, qua giới thiệu của một số cán bộ của UBND TP.Tam Kỳ, bà quen biết với ông Nguyễn Tấn Khải. Ông Khải tự giới thiệu là Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải và có nhu cầu mua bán bất động sản. Qua vài lần giao dịch mua bán đất, bà và ông Khải có mối quan hệ thân thiết.

Bà V cho biết: “Ông Khải kể với tôi rằng ông đang làm hồ sơ cho nhiều người đi Mỹ theo diện EB-5. Theo lời ông Khải, để định cư ở Mỹ theo chương trình này, phải chi ra số tiền là 600.000 USD để đầu tư vào một dự án bên Mỹ. Vì muốn sau này được định cư ở Mỹ và tin tưởng vào lời ông Khải, gia đình tôi đã trao đổi, thống nhất đưa cho ông Khải 14 tỷ đồng để làm thủ tục đầu tư định cư theo chương trình EB-5.

Theo thống nhất của hai bên trong Bảng cam kết thoả thuận làm thủ tục đầu tư định cư tại Hoa Kỳ theo Chương trình EB-5 ngày 29/7/2018, thì ông Khải có trách nhiệm hướng dẫn bà V làm hồ sơ, thủ tục đúng pháp lý của Việt Nam và Hoa kỳ và theo dõi hồ sơ này từ ban đầu cho đến khi gia đình bà Vân được định cư hợp pháp tại Hoa Kỳ theo Chương trình EB-5. Còn bà V phải có trách nhiệm nộp chi phí là 600.000 USD cho ông Khải. Số tiền này được hai bên thống nhất quy đổi thành 14 tỷ đồng và bà V. sẽ “thanh toán” cho ông Khải bằng cách chuyển nhượng quyền sử dụng của 4 lô đất do mình sở hữu hợp pháp cho ông Khải.

35f65577c62931776838.jpg
Đơn tố cáo của bà V liên quan đến việc ông Nguyễn Tuấn Khải có dấu hiệu lừa đảo

 

Thực hiện đúng nội dung thỏa thuận trong bảng cam kết, bà V. lần lượt sang tên quyền sử dụng 4 lô đất của mình cho ông Khải, đồng thời cấn trừ tiền ông Khải nợ bà V. trước đây, cũng như bà V. đưa thêm tiền mặt cho ông Khải để đủ số tiền 14 tỷ đồng như đã cam kết. Phía ông Khải cũng xác nhận mình đã nhận đủ số tiền 14 tỷ đồng từ bà V bằng Giấy giao nhận tiền, được hai bên thiết lập và công chứng tại phòng công chứng vào ngày 17/12/2018. “Đây là số tiền phí của Chương trình EB-5 của năm thành viên trong hộ gia đình bà V.. Nếu Chương trình EB-5 thất bại, tôi cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền nêu trên (không bao gồm phí luật sư)”, ông Khải cam kết trong giấy nhận tiền.

Phải chăng hồ sơ của “Việt kiều” này là giả mạo?

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, tôi đã nhờ các luật sư trao đổi với đại diện pháp lý của Chương trình EB-05 thì được trả lời hồ sơ ông Khải gửi sang làm hoàn toàn bị giả mạo. Chính vì vậy, gia đình tôi đã không thể đầu tư tiếp tục theo Chương trình EB-05. Gia đình tôi đã nhiều lần đề nghị ông Khải trả lại tài sản là các mảnh đất đã ký sang nhượng, nhưng tới nay, ông Khải vẫn không chịu thực hiện, tiếp tục chiếm giữ tài sản của gia đình tôi. Bà V cho biết, mặc dù nhận đủ tiền, nhưng ông Khải đã không hoàn thành hồ sơ Chương trình EB-5 cho gia đình bà như cam kết.

Từ yêu cầu của bà V thông qua luật sư, Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam đã xác minh hồ sơ xin visa EB-5 của ông Nguyễn Tấn Khải số 1809/CV làm cho gia đình bà V, văn bản phản hồi ngày 10/3/2019 của trung tâm này khẳng định có nhiều thông tin không có thực. Như chữ ký của bà Olivia Orza (Công ty Luật Di trú toàn cầu Oorza) trong Hợp đồng thỏa thuận ngày 13/8/2019 được bà Olivia thông báo rằng không phải chữ ký của bà.

Còn Công ty TNHH KVC Holding LLC mà ông Khải làm đại diện để ký cam ký thực hiện Chương trình EB-5 cho gia đình bà V không có trong hồ sơ lưu tại bang Georgia (Mỹ). Thậm chí, Công ty TNHH US Catfish LLC xác minh rằng Công ty TNHH KVC Holding LLC không phải là đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam. Thậm chí, trong các văn bản liên quan, ông Khải dùng đến 2 số CMND.

Sau đó, cho rằng gia đình mình đã bị ông Khải lừa, bà V liền gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ông Khải đến VKSND và Công an tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, bà V còn yêu cầu các cơ quan này ngăn chặn ông Khải thực hiện giao dịch đối với các lô đất mà bà V đã chuyển cho ông Khải trước đó, phong tỏa tài khoản cá nhân của ông Khải, tài khoản góp vốn của ông Khải tại Công ty TNHH Đức Quang Khải và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm xuất nhập cảnh đối với ông Khải cho đến khi sự vụ được giải quyết. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trôi qua mà ông Khải vẫn chưa trả lại tài sản cho bà V.

d804f8a90ef0f9aea0e1.jpg
Trụ sở Công ty TNHH MTV Đức Quang Khải

 

Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Tấn Khải để rộng đường dư luận, thông tin khách quan  nhưng ông Khải từ chối làm việc trực tiếp với phóng viên, và cho rằng luật sư cũng như trợ lý của ông, và các cơ quan như công an và VKSND nắm rõ hơn.

Sự việc nêu trên đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin trong hoạt động kinh tế, nhập cư giữa hai quốc gia, gây hoang mang cho nhiều người dân vùng nông thôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top